Lấn chiếm hành lang an toàn công trình thủy lợi: Lợi bất cập hại

10:08, 12/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay trên các đê, kè ven sông, biển có kết hợp giao thông, người dân thường dựng bè, quán ăn hay cả bãi đóng tàu. Tuy nhiên, với cách làm tự phát, chưa có sự hướng dẫn kỹ thuật của ngành chuyên môn thì hành động này dễ khiến công trình đối mặt với nguy cơ sụt lún, hư hỏng.

Tại công trình đê kè Hòa - Hà, thuộc xã Nghĩa Hà (TP. Quảng Ngãi) và Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa), Chi cục Thủy lợi đã ghi nhận hành chục quán ăn, bè và một bãi đóng tàu neo vào mái đê để “sống”. Dù Chi cục đã nhiều lần có văn bản yêu cầu địa phương chấn chỉnh, xử lý, nhưng hiện giờ tần suất bè, quán ăn lại có dấu hiệu… tăng thêm!

Bè, bãi thoải mái “dựa” đê

Ngày hè, lượng khách tìm đến Bãi Dừa, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) để hóng mát, vui chơi dường như đông hơn. Hẳn vậy nên hàng loạt quán ăn, bè cũng thi nhau “mọc” lên, nhất là sau khi gói thầu số 7 thuộc Dự án Đê kè Hòa - Hà (Dự án) hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2013, tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao thông đi lại.
 
Bãi đóng tàu mọc lên sát mái đê.
Bãi đóng tàu mọc lên sát mái đê.

Theo các hộ buôn bán ở đây thì lúc đầu, không ai nghĩ đến chuyện dựng quán đóng bè vì… tốn kém do gần biển. Thế nhưng, khi thấy khách đến các bè phía trên Bãi Dừa quá đông nên một số hộ làm thử, không ngờ lại ăn nên làm ra. Người dân thấy thế liền ồ ạt rủ nhau… đóng cọc dựng bè ngay trên mái đê. “Lúc đầu cũng sợ xã phạt, nhưng mình không làm, người khác cũng làm! Khi nào phạt hẵng hay, chứ giờ khách đến bè đông lắm!”, một chủ bè tên Hương tiết lộ. Cũng theo người này thì để cố định được bè, họ phải đóng cọc bê tông hoặc tre vào mái đê sát phía bờ xây đúc.  

Với cách làm trên, theo đại diện lãnh đạo Chi cục Thủy lợi “có thể làm công trình bị sạt lở, sụt lún”. Lý do, mái đê có kết cấu lớp vải bảo vệ nhằm chống trôi đất từ thân đê. Nếu người dân đóng cọc xuyên qua mái đê, lớp vải này sẽ bị rách, đất đá từ thân đê vì thế sẽ tràn ra ngoài. Hậu quả là công trình hư hỏng vì “rỗng ruột”. Nguy hại thế nhưng theo quan sát của chúng tôi, dọc đoạn đê dài chưa đến 100m (tính từ biển vào) đã “mọc” không dưới chục cái bè.  

Trong khi đó, tại mái đê Dự án thuộc địa phận xã Nghĩa Hà, xuất hiện bãi đóng tàu thuyền hoạt động khá nhộn nhịp từ đầu tháng 4.2014 đến nay. Điều quan ngại là kết cấu mái đê không phục vụ giao thông, nên cũng không đủ sức chịu đựng tải trọng của các loại phương tiện, máy móc phục vụ đóng và sửa chữa tàu cứ liên tục được vận chuyển lên xuống.

Biết thế, nhưng theo Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hà Trần Thanh Trang thì: “Xã đã cấm, nhưng người dân thấy vị trí này đắc địa, phù hợp với việc đóng và sửa chữa tàu nên lén lút dựng bãi hoạt động”. Ông Trang nói rằng, ngay sau khi 2 con tàu đang đóng được hạ thủy, xã sẽ lập tức đình chỉ hoạt động.  

Cần quy hoạch, xử lý

Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi thì ngoài gói thầu số 7, các gói thầu số 8, 9, 10 cũng xuất hiện tình trạng người dân neo bè, quán ăn vào mái đê ngay trong hành lang bảo vệ công trình. Tuy nhiên, do công trình đã được bàn giao cho chính quyền xã Nghĩa Hà và Nghĩa Hòa quản lý, khai thác, sử dụng nên theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Mậu Văn: “Trách nhiệm bảo vệ trước hết phải thuộc về hai địa phương trên”. Ông Văn cho rằng, lẽ ra khi phát hiện vài ba hộ dựng bè, địa phương phải kịp thời thông báo và phối hợp với đơn vị chuyên môn là Chi cục Thủy lợi chấn chỉnh. Thế nhưng ngay cả khi Chi cục Thủy lợi phát hiện mái đê bị cả chục cái bè “dựa” vào và gửi văn bản cho UBND huyện Tư Nghĩa và TP. Quảng Ngãi đề nghị có biện pháp xử lý nhưng đến nay, đâu vẫn vào đó; chưa kể lượng quán ăn và bè có dấu hiệu tăng lên.

Về điều này, chính quyền hai xã Nghĩa Hà, Nghĩa Hòa hứa sẽ sớm thống kê, lập danh sách những hộ vi phạm. Tuy nhiên, do các gói thầu của Dự án hoàn thành tạo tuyến giao thông tương đối liên hoàn, thuận lợi nên khó tránh khỏi tình trạng người dân tái phạm. Do đó, để vừa đảm bảo an toàn và hiệu quả công trình, vừa tạo điều kiện cho người dân làm ăn buôn bán, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hà Trần Thanh Trang đề nghị: “Ngành chuyên môn nên quy hoạch khu vực, giới hạn mốc và số lượng bè được phép dựng; đồng thời giúp đỡ, hỗ trợ người dân về kỹ thuật. Bởi thực tế, không phải hộ nào cũng biết hành lang an toàn từ chân đê ra phía đồng là 5m, phía biển (tính từ công trình xây đúc) là 50m”. Hy vọng những biện pháp này sẽ sớm được triển khai, để công trình tiền tỷ không phải phập phồng chuyện sụt lún, hư hỏng.       
 
     Bài, ảnh: MỸ HOA
 

.