Doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu: "Qua cơn bĩ cực "

10:08, 27/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bị tác động lớn của khủng hoảng kinh tế thế giới, rất nhiều doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ xuất khẩu ở tỉnh Quảng Ngãi đã rời khỏi thương trường. Trong khi đó, vượt qua giai đoạn đầy khó khăn này, số ít doanh nghiệp “qua cơn bĩ cực” đã tăng tốc sản xuất trở lại khi liên tiếp ký được các đơn hàng xuất khẩu, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang dần khởi sắc.

TIN LIÊN QUAN

“Hạt gạo trên sàn”

3/4 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đồ gỗ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đã phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động, cho thấy mức độ “tàn phá” nghiêm trọng của “cơn bão” khủng hoảng kinh tế thế giới. Từ con số 24 cái tên đến thời điểm này chỉ còn 6 doanh nghiệp. Trụ vững qua giai đoạn đầy khó khăn, sản xuất chế biến gỗ xuất khẩu đang khởi sắc trở lại, khi từ đầu năm 2014 đến nay, đơn đặt hàng của các đối tác nước ngoài với các doanh nghiệp ở Quảng Ngãi ngày càng nhiều hơn.

Công nhân Công ty TNHH Tam Minh (KKT Dung Quất) đang tập trung sản xuất để cung cấp hàng cho các đối tác.
Công nhân Công ty TNHH Tam Minh (KKT Dung Quất) đang tập trung sản xuất để cung cấp hàng cho các đối tác.


Sau 4 năm hoạt động cầm chừng, Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu của Công ty Xây dựng Tổng hợp Kim Thành Lưu đã tăng tốc trở lại. Trước đây, bình quân mỗi tháng doanh nghiệp này chỉ xuất khẩu 3 đến 5 container thì nay, Công ty đã xuất khẩu 20 container sang thị trường Mỹ và Châu Âu. Đặc biệt, sau khi liên doanh với một doanh nghiệp ở Bình Dương, Công ty Kim Thành Lưu đã có đơn đặt hàng đến hết năm 2014.

 Ông Lê Hoàng Long - Phó Giám đốc Công ty cho hay, chính nhờ đơn đặt hàng nhiều nên việc giải quyết công ăn việc làm cho người lao động cũng tăng lên. Nếu như trước đây, nhà máy chỉ giải quyết chưa đến 100 lao động thì nay đã tăng lên hơn 300 lao động. Với nhiều đơn đặt hàng giá trị lớn đã được ký kết nên sắp tới, nhà máy sẽ tiếp tục tuyển thêm lao động để cung cấp hàng kịp thời cho đối tác.

Sản xuất chế biến gỗ xuất khẩu khởi sắc trở lại đã giúp cho thu nhập của người lao động tăng lên. Hiện nay, lương hàng tháng của người lao động trong các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu dao động từ 3,5 đến 4 triệu đồng. Anh Nguyễn Ý Viên, công nhân Công ty Xây dựng Tổng hợp Kim Thành Lưu cho biết, công ty tìm được các đơn hàng mới nên thu nhập của công nhân được cải thiện, không những các quyền lợi như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được duy trì mà công ty còn có thêm chế độ phụ cấp, ưu đãi cho người lao động.

Thị trường rộng mở

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ còn 6 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu. Song điều đáng mừng là, hiện tại các doanh nghiệp này đều có đơn đặt hàng sản xuất xuất khẩu sang thị trường Mỹ và các nước Châu Âu đến cuối năm 2014, thậm chí có doanh nghiệp có đơn hàng đến hết quý 1/2015.

Theo các chủ doanh nghiệp này thì, để vượt qua giai đoạn khó khăn vừa qua, ban lãnh đạo công ty đã tập trung rà soát tiết giảm chi phí, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm để sản phẩm có tính cạnh cao trên thị trường. Nhiều doanh nghiệp đã sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu ở địa phương đáp ứng tiêu chuẩn để chế biến thành bàn ghế xuất khẩu thay vì phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ nước ngoài để có giá bán cạnh tranh hơn. Cùng với đó, doanh nghiệp đã tăng cường công tác xúc tiến đầu tư theo hướng đi trực tiếp nước ngoài để tìm kiếm đối tác. Nhờ đó, khi các nền kinh tế lớn trên thế giới phục hồi trở lại thì thị trường tiêu thụ các sản phẩm của doanh nghiệp đã được mở rộng.

Ông Lưu Tuấn Anh - Giám đốc Công ty TNHH Tam Minh thông tin vui, hiện nay sản phẩm đồ gỗ ngoài trời xuất khẩu đã tăng 150% so với năm 2013 và tính trong 6 tháng đầu năm 2014 doanh thu của công ty đã tăng trưởng 100% so với cùng kỳ. Ngoài các khách hàng cũ đã có ở Châu Âu, hiện công ty đang ký thỏa thuận hợp tác để xuất khẩu sang thị trường Mỹ. “Để đáp ứng các đơn hàng, công ty đang lên phương án mở rộng, nâng công suất của nhà máy”-ông Anh cho hay.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

 


.