Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trà Tân: Danh chính, lý chưa thuận

10:08, 31/08/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Trà Tân được thành lập từ năm 2011 theo quyết định của UBND tỉnh chuyển đổi Công ty lâm nghiệp Trà Tân thành Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trà Tân. Nhiệm vụ chính là quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng... Thế nhưng kể từ khi thành lập đến nay, Công ty này vẫn chưa được tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lâm nghiệp nên đã gặp rất nhiều trở ngại trong công tác quản lý, sử dụng đất.

TIN LIÊN QUAN


Danh chính, lý chưa thuận

Tiền thân của Công ty Lâm nghiệp Trà Tân là Lâm trường Trà Tân được thành lập từ năm 1994. Đến năm 2006, thực hiện Nghị định của Chính phủ về sắp xếp đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có Quyết định phê duyệt sắp xếp đổi mới và chuyển Lâm trường Trà Tân thành Công ty Lâm nghiệp Trà Tân.

Theo đó, Công ty được quản lý, sử dụng 7.262,5 ha đất lâm nghiệp tại hai huyện Trà Bồng (4.262,5 ha) và Tây Trà (3.000 ha). Tuy nhiên, khi phối hợp với Sở Tài nguyên-Môi trường, cùng UBND 2 huyện Tây Trà, Trà Bồng và các xã liên quan tiến hành rà soát trên thực địa, có sự thống nhất từ thôn bản trở lên thì diện tích giao cho Công ty chỉ còn 6.144, 5 ha. Trong đó Trà Bồng hơn 4094 ha và Tây Trà 2.050 ha.

 

Đoàn Giám sát của HĐND tỉnh giám sát tình trạng quản lý và sử dụng đất rừng tại huyện Trà Bồng.
Đoàn Giám sát của HĐND tỉnh giám sát tình trạng quản lý và sử dụng đất rừng tại huyện Trà Bồng.


Từ năm 2007 đến nay, toàn bộ diện tích đất nói trên Công ty vẫn quản lý nhưng chưa được cấp GCNQSDĐ. Nguyên nhân mà Sở Tài Nguyên và Môi trường Quảng Ngãi đưa ra là, diện tích đất lâm nghiệp tại huyện Trà Bồng được giao cho Công ty tuy đã đủ hồ sơ nhưng phải chờ kết quả đo đạc, lập bản đồ địa chính đất lâm nghiệp tại huyện Tây Trà để cùng trình UBND tỉnh phê duyệt cấp GCNQSDĐ cho Công ty một lần, vì kế hoạch sử dụng đất của đơn vị triển khai cùng lúc trên địa bàn hai huyện. Tuy nhiên diện tích đất lâm nghiệp tại huyện Tây Trà được giao cho Công ty lại phải chờ UBND tỉnh triển khai dự án đo đạc, cắm mốc ranh giới.

Mãi đến tháng 3.2014, Sở Tài Nguyên và Môi trường Quảng Ngãi mới triển khai kế hoạch chuẩn bị đo đạc, cắm mốc ranh giới cho các công ty lâm nghiệp trong tỉnh. Do vậy đã đẩy Công ty rơi vào tình trạng “danh chính mà lý chưa thuận”, làm cho công ty gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại trong việc quản lý sử dụng đất lâm nghiệp.

Hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp chưa cao

Mặc dù chưa được cấp GCNQSDĐ, nhưng trên cơ sở diện tích đất lâm nghiệp được UBND các xã và UBND 2 huyện Trà Bồng và Tây Trà thống nhất giao, Công ty Lâm nghiệp Trà Tân đã triển khai trồng rừng sản xuất. Tuy nhiên, do nguồn vốn có hạn (sau khi chuyển đổi chỉ có hơn 2,3 tỉ đồng, đa phần là tài sản cố định) nên từ khi chuyển đổi đến nay công ty mới chỉ liên doanh, liên kết trồng được 700 ha rừng trên tổng diện tích hàng ngàn ha đất trồng rừng sản xuất được giao.

Lãnh đạo Công ty này lý giải, nguyên nhân chính là do không tiếp cận được các nguồn vốn vay tại ngân hàng. Muốn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển để trồng rừng sản xuất thì chưa có GCNQSDĐ, trong khi vay tại các ngân hàng thương mại thì phải có tài sản thế chấp, trong khi tài sản của công ty lại “khá hẻo”.

Cũng chính từ việc chưa được cấp GCNQSDĐ và chưa được cắm mốc ranh giới, nên Công ty chưa có cơ sở pháp lý để ký hợp đồng giao khoán cho hộ gia đình, cá nhân mà chỉ hợp đồng giao khoán công việc. Điều này dẫn đến việc sử dụng đất lâm nghiệp của công ty đạt hiệu quả chưa cao, còn để lãng phí quỹ đất khá lớn.

Dân công khai lấn chiếm

Cũng từ nguyên nhân chưa được cấp GCNQSDĐ và chưa được cắm mốc ranh giới rõ ràng nên việc lấn chiếm đất lâm nghiệp đã giao cho công ty xảy ra liên tục trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, do chưa có cơ sở chủ quyền pháp lý về đất đai nên Công ty chỉ gởi văn bản đến chính quyền địa phương các xã đề nghị xử lý nhưng các địa phương và công ty đều không thể nào xử lý được. Điều này làm cho tình trạng người dân trong và ngoài địa phương lấn chiếm đất lâm nghiệp ngày một gia tăng phức tạp.

Không chỉ đất lâm nghiệp bị lấn chiếm mà ngay cả rừng trồng của Công ty cũng bị dân chặt phá và lấn chiếm, rồi sau đó ngang nhiên trồng lại …rừng. Nguy hại hơn nữa là mặc dù người dân địa phương đã được cấp đất lâm nghiệp để sản xuất, nhưng tình trạng “bán rừng non” cho người ngoài địa phương vẫn xảy ra nên người dân địa phương luôn cảm thấy thiếu đất, phải lấn chiếm đất của Công ty để trồng keo, rồi lại bán rừng non cứ tiếp diễn.

Theo báo cáo của Công ty, tổng diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm tại hai xã Trà Tân, Trà Bùi (Trà Bồng) đã lên tới 1.393 ha, trong đó Trà Tân 663 ha, Trà Bùi 731 ha.

Trước thực trạng trên, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng  đủ thẩm quyền để xử lý những tồn tại, nhằm chấm dứt tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp và rừng sản xuất như thời gian qua, đồng thời phát huy hiệu quả hàng ngàn ha đất lâm nghiệp vốn đang bị lãng phí một cách đáng tiếc.

 

Bài, ảnh: Nguyễn Khâm

 


.