Ươi được mùa, núi rừng náo động (Kỳ cuối)

09:07, 03/07/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Chưa bao giờ, “cơn lốc” thu hái hạt ươi tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi lại có "sức nóng" như hiện nay. Lợi nhuận "khổng lồ" từ hạt ươi đã khiến hàng nghìn người dân đổ xô lên các huyện miền núi Sơn Hà, Sơn Tây để khai thác ươi. Việc khai thác một cách ồ ạt của người dân đã dẫn đến nhiều hệ lụy... và không ít những cánh rừng ươi dần bị “xóa sổ”.
 
 

Kỳ 3: Rừng ươi kêu cứu!

Vì cái lợi trước mắt nên hàng ngàn cây ươi từ hàng chục năm tuổi, thậm chí cả trăm năm tuổi người dân đốn hạ để lấy quả tươi để bán và đã có không ít trường hợp mất mạng, thương tích nặng trong quá trình leo trèo, chặt, hái để thu hoạch ươi rừng.

 
"Máu" ươi
 
Trước "sức ăn" mạnh của ươi trên thị trường, thương lái thu mua cả ươi xanh nên người dân không ai “cầm lòng” lượm ươi bay theo cách truyền thống mà đổ xô đi hái ươi xanh. 
 
Chỉ tay về phía cánh rừng xa tít nổi bật trên nền rừng xanh là những sắc đỏ của cây ươi ông Đinh Văn Sau ở xã Sơn Lập tiết lộ: Đấy là rừng ươi ở bên tỉnh Kontum, chứ ở địa phận bên tỉnh mình, nhiều diện tích rừng ươi đã bị người ta triệt hạ hết rồi. "Người dân mình cứ thấy có tiền là bất chấp. Vì sợ đến ươi chín người khác lấy mất nên khi còn xanh trên cây, họ đã chặt đốn nhặt hạt để đem về bán"- ông Sau cho hay.
 
Chính vì sự tàn phá của những người hái ươi hám lợi, không ít những cánh rừng ươi đang bị đốn hạ không thương tiếc... Đại đa số cây ươi cao đến 25-40m nên khi chặt phá ươi, khiến cho không chỉ cây ươi ngả đổ, mà còn kéo theo nhiều cây rừng khác xung quanh cũng gãy đổ theo, đây là một hệ lụy rất lớn trong việc bảo vệ rừng.
 
Theo thống kê, chỉ tính trên trên địa bàn xã Sơn Kỳ có khoảng 7.000 ha rừng nguyên sinh, trong đó lượng ươi sống phân bổ đều trong rừng nguyên sinh xã Sơn Kỳ thuộc loại nhiều nhất tỉnh. Song, đây lại là "miếng mồi ngon" cho những "ươi tặc". Ước tính, chỉ trong vòng khoảng 1 tháng qua, tại các khu rừng ở xã Sơn Kỳ  đã có khoảng 1.000 cây ươi có tuổi đời từ 30-100 năm tuổi bị đốn hạ.
 
Anh Đinh Văn Nháp bị thương nặng do ươi ngã đè lên người, đang nằm điều trị tại bệnh viện
Anh Đinh Văn Nháp bị thương nặng do cây ươi ngã đè lên người, đang nằm điều trị tại bệnh viện.
 
Hậu quả của việc khai thác hạt ươi tận diệt ngoài làm cho nhiều diện tích rừng ươi "chảy máu" mà còn khiến cho nhiều người 'đổ máu' vì tranh giành lãnh địa hoặc bị thương nặng vì bị cây ngã đè trong lúc nhặt ươi. Hiện chưa có con số thống kê đầy đủ, nhưng ước tính trên địa bàn các huyện miền núi Sơn Hà, Sơn Tây có không dưới 10 trường hợp bị tai nạn liên quan đến ươi.
 
Mới đây nhất, là vụ tai nạn xảy vào trưa ngày 25.6, làm 3 người bị thương nặng. Theo lời kể, trong lúc khai thác ươi tại địa bàn xã Sơn Lập, anh Đinh Văn Nháp (1986), chị Đinh Thị Đu (30 tuổi) cùng ở xã Sơn Kỳ và chị Đinh Thị Ha Lê, (1979) ở xã Sơn Ba (Sơn Hà) bị cây ngã đè khi đốn hạ ươi lấy hạt. Hiện các nạn nhân đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
 
Mai này có còn ươi?
 
Gần một tháng nay xã Sơn Kỳ (Sơn Hà) là một trong những “điểm nóng” về  tình trạng người dân phá rừng ươi để khai thác kiểu tận diệt. 
 
Ông Đinh Tấn Bắc- Chủ tịch UBND xã Sơn Kỳ cho biết: Trước thực trạng khai thác ươi theo kiểu tận diệt, lãnh đạo xã đã nhiều lần tuyên truyền, vận động người dân không nên đốn hạ cây để thu hái trái ươi. Đồng thời, địa phương đã huy động nhiều lực lượng chức năng địa phương phối hợp với kiểm lâm địa bàn, kiểm lâm huyện  để duy trì trật tự và bảo vệ cây ươi. 
 
Số ươi khai thác trái phép được lực lượng chức năng xã Sơn Kỳ thu giữ
Số ươi khai thác trái phép được lực lượng chức năng xã Sơn Kỳ thu giữ.
 
Theo thống kê, của xã Sơn Kỳ, thời gian qua, lực lượng chức năng của địa phương đã ngăn chặn và bắt gần 10 vụ liên liên đến việc buôn bán và chặt phá ươi. “Tuy nhiên, vì cái lợi trước mắt, nhiều người vẫn lén lút vào rừng đốn cây để khai thác. Khi chúng tôi tổ chức truy đuổi, nhiều đối tượng liền bỏ ươi chạy vào rừng sâu. Nhưng sau đó các đối tượng này vẫn lén lút tiếp tục chặt phá cây ươi để thu hạt nên công tác quản lý gặp không ít khó khăn”- ông Bắc chia sẻ. 
 
Người dân địa phương cho biết, nếu cây ươi bị chặt nhánh hái trái thì khoảng 9 năm sau lại ra trái, còn nếu chặt gốc thì phải từ 20 đến 30 năm sau cây mới nứt lại, đủ sức ra trái. Nhiều khi cây ươi sau khi bị chặt, chết luôn. 
 
Trước tình trạng người dân trong và ngoài tỉnh khai thác hạt ươi bay bằng các chặt cây, UBND huyện Sơn Hà cũng đã chỉ đạo các phòng, ban và địa phương liên quan tập trung triển khai các biện pháp cấp bách quản lý, bảo vệ và khai thác hạt ươi bay trên địa bàn huyện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp người dân đốn và chặt phá ươi. 
 
Với các khai thác như hiên nay, liệu mai này có còn những rừng ươi?
Với cách khai thác như hiện nay, liệu mai này có còn những rừng ươi?
 
Cây ươi còn có nhiều tên gọi như lười ươi, cây thạch, cây ươi bay, bàng đại hải, An Nam tử. Theo Đông y, ươi đi vào kinh phế, tác dụng chính là thanh nhiệt, giải độc, thông tiện, thường dùng chữa ho khan, cổ họng sưng đau, nôn ra máu, đi cầu ra máu, chảy máu cam, viêm đường tiết niệu, nhức răng, đau mắt đỏ, mụn nhọ hoặc pha chế nước giải khát. Chính vì có những giá trị như vậy mà loại hạt này đang là một nguồn lợi kinh tế không nhỏ. 
 
Thiết nghĩ, với tình trạng khai thác ươi hiện nay, nếu người dân không thay đổi cách nghĩ, không có ý thức trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ cây ươi và các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương không vào cuộc quyết liệt thì chẳng bao lâu nữa, nguồn lợi này sẽ không còn.
 
 
 
Bảo Ngọc
 

.