Từ cảng nước sâu đến tầm cao mới

05:07, 02/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- 25 năm trước, khó ai có thể mường tượng được “kịch bản” kinh tế-xã hội của Quảng Ngãi như hôm nay. Có nhiều “trợ lực” cho bước tiến vượt bậc này và một trong số đó không thể không nói tới tầm quan trọng của cảng biển nước sâu Dung Quất.

TIN LIÊN QUAN


Câu chuyện mở cảng

Nhắc đến cảng nước sâu Dung Quất không ai không nhớ nhà khoa học, tiến sĩ Trương Đình Hiển và  Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt. Một người nghiên cứu mở cảng. Một người có tầm ảnh hưởng chính đến sự hình thành, ra đời Nhà máy Lọc dầu (NMLD) số 1 và Khu Kinh tế (KKT) Dung Quất sau này.
 

 

Đồng chí Võ Văn Kiệt đi thị sát cảng Dung Quất vào năm 1995.
Đồng chí Võ Văn Kiệt đi thị sát cảng Dung Quất vào năm 1995.

 Là chuyên gia về vật lý hải dương và công trình biển, lại là người con của miền Trung, tiến sĩ Trương Đình Hiển đã dồn bao tâm huyết và trí tuệ tìm ra các cảng biển lớn ở miền duyên hải Trung Bộ, gắn liền với nó là những KKT Dung Quất, Nhơn Hội, Chân Mây… Ông được xem là người đầu tiên chứng minh xu thế phát triển kinh tế của miền Trung là “xây dựng cảng biển nước sâu với hình thành các KKT tổng hợp và chuỗi đô thị”.

Đến Dung Quất vào những năm đầu thập niên 90, tiến sĩ Hiển thấy rõ tiềm năng to lớn của vùng biển này. Sau nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu trên mặt nước, dưới biển sâu bằng các phương pháp địa chấn, hải dương học, ông hoàn thành bộ hồ sơ về cảng biển Dung Quất. Nhưng từ công trình nghiên cứu cho đến lúc hình thành nên vóc dáng của cảng biển nước sâu và KKT Dung Quất lớn mạnh như hôm nay là cả một hành trình đầy sóng gió. Đã có những “vấp váp”, song tiến sĩ Hiển vẫn đeo đuổi công trình này đến cùng. Sau khi cùng các cộng sự hoàn thiện đề án của mình, ông đã mạnh dạn gửi đến người đứng đầu Chính phủ thời điểm đó là Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Và khi Thủ tướng đi thị sát khu vực dự án cảng biển nước sâu tại Dung Quất vào trung tuần tháng 9.1994, tiến sĩ Hiển đã có cơ hội báo cáo trực tiếp với Thủ tướng Võ Văn Kiệt.  

Chỉ 2 tháng sau đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký Quyết định số 658/TTg về địa điểm NMLD và quy hoạch KKT trọng điểm miền Trung. Ngay sau đó, Chính phủ đã báo cáo lên Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng về địa điểm xây dựng NMLD Dung Quất, bởi nơi đây là “điểm có điều kiện tự nhiên rất tốt, có cảng tự nhiên nước sâu rất thuận lợi cho tàu xuất- nhập dầu có trọng tải lớn, có vị trí tốt cho xây dựng nhà máy lọc dầu”, lại có mặt bằng lớn, ít ảnh hưởng tới vùng nông nghiệp, cạnh sân bay Chu Lai, gần đường sắt và Quốc lộ 1. “Với những ưu điểm trên, Chính phủ đã chọn địa điểm Dung Quất làm khu phát triển công nghiệp, trong đó có đặt nhà máy lọc dầu- hóa dầu”, báo cáo ghi rõ. Phải nói rằng có tầm nhìn xa, cùng tinh thần trách nhiệm cao, Thủ tướng Võ Văn Kiệt mới quyết liệt bảo vệ xây dựng cảng nước sâu và NMLD số 1 Việt Nam tại Dung Quất, một dự án “đầy sóng gió” cả trong lẫn ngoài nghị trường.

Từ cảng nước sâu đến KKT năng động nhất nước

Theo ông Lê Văn Dũng-Phó Ban quản lý KKT Dung Quất, sự ra đời của cảng biển nước sâu và KKT Dung Quất là chiếc chìa khóa mở ra sự phát triển về kinh tế- xã hội của Quảng Ngãi, là động lực phát triển cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

 

Cảng xuất sản phẩm của NMLD Dung Quất.
Cảng xuất sản phẩm của NMLD Dung Quất.

Với lợi thế kín gió, cách tuyến hàng hải quốc tế 90km, tuyến nội hải 30km và độ sâu từ 10-19m, cảng Dung Quất đã được thiết kế với hệ thống cảng đa chức năng, trong đó chức năng chính phục vụ cho xuất nhập dầu. Lợi thế từ cảng biển nước sâu không chỉ “hút” được NMLD đầu tiên của đất nước, mà còn là điểm dừng chân của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ông Ryuhang Ha - Tổng Giám đốc Công ty Doosan Vina, một doanh nghiệp FDI có tổng vốn đầu tư trên 300 triệu USD, chia sẻ, một trong những lý do chính mà chúng tôi chọn Dung Quất, là bởi nơi đây có cảng biển nước sâu. Doosan là doanh nghiệp chuyên sản xuất các thiết bị công nghiệp nặng siêu trường, siêu trọng nên nhu cầu về cảng biển là hết sức bức thiết. Điều kiện đó được Dung Quất đáp ứng tốt nhất với cảng nước sâu. Hơn nữa, Dung Quất còn sự liên kết đồng bộ giữa hệ thống cảng biển, đất liền.

Sau hơn 15 năm hình thành và phát triển, KKT Dung Quất trở thành hạt nhân tăng trưởng của tỉnh Quảng Ngãi trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Với 113 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư (tổng vốn đăng ký trên 8,5 tỷ USD, vốn thực hiện gần 5 tỷ USD), nay đã có trên 73 dự án hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra khoảng gần 14 nghìn việc làm, KKT Dung Quất đóng góp từ 80-90% sản lượng công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và nguồn thu ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi. Năm 2013, tổng giá trị sản lượng công nghiệp, dịch vụ thương mại tại KKT Dung Quất đạt 130.000 tỷ đồng, tổng nguồn thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt gần 30.500 tỷ đồng (cao nhất từ trước đến nay), trong đó KKT Dung Quất đóng góp 28.000 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2012 đến nay, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, nhưng Quảng Ngãi vẫn thu hút được một số dự án đầu tư lớn, có tính chất quan trọng cho sự phát triển trong những năm đến. Đáng chú ý là tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Khu Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị VSIP Quảng Ngãi; thoả thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Dung Quất công suất 1.200MW với tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD của Tập đoàn Sembcorp (Singapore).

Ông Vũ Quang Vinh - Giám đốc tiếp thị cao cấp Công ty LD TNHH KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) cho hay, Quảng Ngãi là địa điểm lý tưởng cho các công ty có thị trường sản phẩm hướng đến cả hai miền Nam, Bắc. Từ Quảng Ngãi có thể mở rộng tiếp cận thị trường sang Lào, Đông Bắc Thái Lan và Campuchia. Không những thế, VSIP Quảng Ngãi đem đến cho nhà đầu tư ưu đãi thuế quan đặc biệt của KKT Dung Quất, vị trí chiến lược, lực lượng lao động dồi dào. Hơn nữa, Quảng Ngãi có quỹ đất lớn và có thể mở rộng lâu dài, đây là yếu tố để chúng tôi phát triển. Chính vì thế, khi VSIP Quảng Ngãi mới khởi công đã thu hút 5 dự án, với tổng vốn đầu tư khoảng 132 triệu USD. Dự kiến các dự án này sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2014. Đây là tín hiệu khả quan cho việc thu hút các dự án đầu tư thứ cấp vào KCN VSIP Quảng Ngãi.

Theo ông Phạm Như Sô-Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng BQL KKT Dung Quất, thì việc hình thành và phát triển VSIP Quảng Ngãi sẽ góp phần đẩy nhanh phát triển công nghiệp – dịch vụ và đô thị, giải quyết việc làm cho người lao động và đóng góp các nguồn thu cho ngân sách địa phương... Ngoài ra, việc phát triển KCN VSIP Quảng Ngãi sẽ trở thành mô hình khu liên hợp công nghiệp - đô thị và dịch vụ kiểu mẫu đầu tiên ở miền Trung.

Phát huy lợi thế cảng nước sâu

Những năm qua, hệ thống cảng biển Dung Quất liên tục tăng lượng hàng hóa qua cảng. Năm 2013, cảng Dung Quất tiếp nhận, vận chuyển gần 15 triệu tấn hàng hóa, đứng đầu khu vực miền Trung, xếp thứ 5 cả nước chỉ sau cảng Sài Gòn, Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Ninh. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Dung Quất là một trong 14 cảng biển loại I của Việt Nam.
Sau khi cụm cảng Dung Quất 1 đã kín chỗ, cảng Dung Quất 2 đã được quy hoạch chi tiết 1/2.000 có quy mô rộng 1.500 ha. Vịnh có độ sâu 24m, chiều dài đường ven bờ vịnh 9km, kết nối vùng đất khoảng 5.000ha để phát triển công nghiệp nặng và khoảng 2.000ha để phát triển công nghiệp phụ trợ. Cảng nước sâu này có khả năng đáp ứng cho tàu trọng tải lớn từ 250.000 đến 300.000 tấn cập cảng nhập hàng tham gia vận tải hàng hải quốc tế.

Vươn lên tầm cao mới

Không chỉ giữ vai trò đầu tàu, mà KKT Dung Quất còn lan tỏa đến sự phát triển của khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, Quảng Ngãi đã có những cú đột phá ngoạn mục, tăng trưởng kinh tế liên tục giữ mức cao. Quy mô nền kinh tế không ngừng lớn mạnh. So với năm 1989, GDP gấp 10,48 lần. Bình quân cả thời kỳ từ khi tái lập tỉnh GDP tăng 10,28%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2013 gấp 83,65 lần năm 1989 và gấp 7,86 lần năm 2008 (năm chưa có sản phẩm lọc hóa dầu); tăng bình quân hằng năm giai đoạn 1990-2013 trên 20%.

Để “cởi chiếc áo đã quá chật”, KKT Dung Quất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mở rộng từ 10.300 ha lên 45.332 ha, trong đó hình thành thành phố công nghiệp mở Vạn Tường, Trung tâm lọc hóa dầu quốc gia gắn với cảng nước sâu Dung Quất 2. Đây là nhân tố quan trọng để hình thành Tổ hợp công nghiệp nặng Dung Quất 2, gắn với sân bay quốc tế Chu Lai, là động lực phát triển cho Dung Quất thời gian tới.

Theo ông Phạm Như Sô-Phó Chủ tịch UBND tỉnh thì để đạt được mục tiêu đến năm 2020 tỉnh Quảng Ngãi cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, việc thu hút các nguồn lực để phát triển, đặc biệt là nguồn vốn FDI và nguồn lực xã hội với cơ chế hấp dẫn và chính sách thông thoáng vẫn là định hướng quan trọng nhất trong những năm tới. Trong đó chú trọng phát huy lợi thế cảng biển nước sâu, xây dựng KKT Dung Quất gắn với KKT mở Chu Lai từng bước trở thành hạt nhân phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Ngày nay, Dung Quất đang vươn mình mạnh mẽ với sự phát triển của NMLD Dung Quất, cùng sự phát triển của cảng nước sâu Dung Quất đã làm bừng sáng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Và để Dung Quất tiếp tục giữ vai trò “số 1”, là đầu tàu, cần tập hợp chiều sâu trí tuệ của những người dám đi tiên phong.
 
 
HOÀNG TRIỀU
 

.