Thợ Việt Nam đưa điện ngầm ra đảo

09:07, 01/07/2014
.

Công ty Xây dựng điện Thái Dương vừa liên doanh với nhà thầu Prysmian Powerlink SRL (Ý) làm tiếp dự án đưa điện quốc gia ra đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Chợt nhớ tới những ngày tháng những người thợ của Thái Dương đã sát cánh cùng các đồng nghiệp Prysmian Powerlink kéo cáp điện ngầm xuyên biển dài gần 58 ki lô mét từ Hà Tiên ra đảo Phú Quốc, được khánh thành hôm 6-2-2014...

Khẳng định tay nghề

Họ, 50 công nhân kỹ thuật Công ty Xây dựng điện Thái Dương, lúc đó đảm nhận kéo, rải, chôn cáp và đấu nối 4,9 ki lô mét cáp điện từ tàu rải cáp ngầm đến điểm tiếp bờ ở hai đầu Hà Tiên và Phú Quốc ngay trong cao điểm của đợt gió mùa Đông Bắc. Sóng to, gió lớn, dòng chảy mạnh nhiều lúc hất văng hàng loạt gối (phao) đỡ cáp. Ở đầu bờ Phú Quốc, đoạn cáp dài 2,8 ki lô mét, nặng hơn 200 tấn, đã bị sóng đẩy xa hàng trăm mét mặc cho máy kéo công suất lớn và sợi cáp mồi đang gồng mình kéo lại.
 

Ông Nguyễn Hồng Thái (trái) lắp đặt hộp nối 110 kV tại công trường kéo cáp điện ngầm ra Phú Quốc. Ảnh: Cao Thăng
Ông Nguyễn Hồng Thái (trái) lắp đặt hộp nối 110 kV tại công trường kéo cáp điện ngầm ra Phú Quốc. Ảnh: Cao Thăng

Dưới nắng, gió và sóng biển, ông Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Xây dựng điện Thái Dương, tay cầm bộ đàm và loa phóng thanh “gào thét” để những “chiến binh” nghe được lệnh giữa những cơn sóng bạc đầu đang bủa vây. Nhiều lúc phải thảo luận để có quyết định ngay với chuyên gia Ý. Tình thế như ngồi trên đống lửa, vì đã hứa với chủ đầu tư (Tổng công ty Điện lực miền Nam) là phải hoàn thành đúng kế hoạch để huyện đảo có điện lưới quốc gia. Thế là bất kể đêm ngày, khi sóng yên biển lặng là công trường lại rực sáng ánh đèn cao áp, rền vang tiếng máy.

Chúng tôi trở lại công trường lúc 9 giờ sáng, gặp ông Thái ở lán trại. Bước thấp bước cao, giọng khàn đặc, ông báo tin vui: “Đêm qua, sợi cáp điện đã chạm bờ an toàn, được định vị đúng tuyến. Công việc đã được nhà thầu Prysmian Powerlink SRL chấp nhận”. Để làm được điều này, ông Thái cho biết, phải chuẩn bị thật kỹ, nhất là chế tạo thiết bị thi công phù hợp với điều kiện thực tế, như bộ thiết bị thổi cát, tạo rãnh và đánh chìm sợi cáp vào đúng vị trí ổn định, để con tàu rải cáp ngầm của Prysmian tiếp tục kéo sợi cáp điện dài 57,33 ki lô mét vào bờ.

Khi những mét cáp cuối cùng sắp rời khỏi con tàu rải cáp ngầm Cable Enterprise của Prysmian thì đội ngũ kỹ thuật của Thái Dương đã xử lý thuần thục việc cắt mối cáp, khẳng định tay nghề ở công đoạn lắp đặt, đấu nối cáp 110 kV lên trụ, việc mà ông Thái ví như ca “phẫu thuật tim” tại công trường. Có đến 27 công đoạn trong việc nối đầu cáp được thực hiện thuần thục với kỹ thuật cao nhằm đảm bảo tuổi thọ của hệ thống cáp ngầm, đều do đội ngũ kỹ thuật Thái Dương đảm trách.

Ông Alessandro Pistonesi, Giám đốc dự án cáp ngầm xuyên biển của tập đoàn Prysmian, không giấu được tự hào khi nói về những người thợ Việt Nam: “Để đảm bảo hiệu quả và tiến độ, phải chọn nhân lực xuất sắc nhất cho dự án và họ đã thực hiện nhiều phần việc rất phức tạp ở hai đầu bờ Hà Tiên và Phú Quốc. Nếu không có Thái Dương, chúng tôi sẽ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện dự án này”. Đó không hề là sự đánh giá mang tính ngoại giao dành cho Thái Dương, một nhà thầu phụ. Còn ông Bùi Văn Lưu, nguyên Giám đốc Công ty Điện lực 2, khi nhìn lại những hình ảnh của đội ngũ thợ Thái Dương trên công trường cáp điện ngầm 110 kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc, đã thốt lên: “Họ làm giỏi quá!”.

Tầm sư học đạo

Từng trải qua công việc thiết kế, thi công hệ thống điện cho nhiều nhà máy, xí nghiệp; từng tham gia nhiều dự án nâng cấp, cải tạo lưới điện cũng như chương trình điện khí hóa ở nhiều tỉnh thành phía Nam, ông Nguyễn Hồng Thái nhận thấy việc ngầm hóa lưới điện ở các đô thị là một xu thế.

Năm 2002, ông Thái chủ trương “tầm sư học đạo” ở phân khúc cáp ngầm cao thế (110-220 kV) với việc nhận làm thầu phụ cho các nhà thầu nước ngoài như ABB, Prysmian... Việc thi công cáp ngầm cao thế như ma lực cuốn hút ông; học không được ban ngày thì học cả ban đêm trên công trường, làm sao để nắm bắt cho bằng được công nghệ, đặc biệt là hiểu tường tận bộ dụng cụ “đồ nghề”.

Vậy là qua hàng chục công trình thi công điện ngầm cao thế 110-220 kV từ năm 2002-2007 với vai trò là thầu phụ, ông Thái và đội ngũ kỹ thuật đã “bỏ túi” được nhiều kinh nghiệm quý. Không chỉ học từ thực tế trong nước, ông Thái còn mạnh dạn đưa đội ngũ kỹ thuật sang học nghề tại Ý, Thụy Sỹ, Hàn Quốc, Singapore.

“Mỗi khóa học như vậy tốn kém 40.000-50.000 euro cho 3-4 người mà sếp không ngại chi, vì nếu không học thì không làm được”, anh Nguyễn Văn Thắng, đội trưởng đội thi công cáp ngầm của Thái Dương, tự hào. Mặc dù vậy, Thái Dương vẫn tiếp tục làm thầu phụ cho nhiều công trình cáp ngầm 110-220kV. Đến năm 2009, đội ngũ này mới hoàn thiện tay nghề. Hiện Thái Dương đã có được bảy công nhân kỹ thuật cao đủ trình độ thực hiện quy trình phức tạp của việc lắp đặt thiết bị đầu cáp 110-220 kV. Đây là niềm tự hào khi cả ngành điện Việt Nam chưa có được đội ngũ kỹ thuật như vậy và cũng chính là điều kiện để Thái Dương vươn ra những công trình cáp ngầm trên biển.

Ước mơ vươn xa

Dù đã tham gia thực hiện hàng trăm công trình điện cáp ngầm trong nước, có hơn 90% dự án ở TPHCM, nhưng ông Thái vẫn cho rằng mình “đang học hỏi kinh nghiệm”. Ước mơ vươn tới làm chủ công nghệ, đặc biệt là công nghệ cáp ngầm biển, vẫn luôn nung nấu trong ông.

Sau những thành công của các dự án kéo điện lưới quốc gia ra đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh (điện áp 22 kV) và đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang (điện áp 110 kV) bằng cáp ngầm xuyên biển thông qua việc liên doanh với nhà thầu Prysmian, ông Thái tự tin nói: “Tương lai Thái Dương có đủ khả năng làm chủ công nghệ cáp ngầm biển, kể cả công việc rải cáp”.

Sau Phú Quốc, những người thợ của Công ty Thái Dương lại tiếp tục liên doanh với nhà thầu Prysmian thực hiện dự án đưa điện lưới quốc gia ra đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), dự án do Tổng công ty Điện lực miền Trung làm chủ đầu tư.

Ông Thái cũng cho biết, sau công trình này, đã có nhà thầu rủ Thái Dương tham gia dự án cáp ngầm biển ở một số nước Đông Nam Á. Mà không chỉ với cáp ngầm cao thế, phân khúc cáp ngầm siêu cao thế (500 kV) cũng đang là mục tiêu của những người thợ Thái Dương. Ông Thái quả quyết: “Chúng tôi đang tiếp cận toàn bộ thông số kỹ thuật, vận hành, lắp đặt, thử nghiệm cáp ngầm 500 kV. Vài năm tới, chúng tôi sẽ làm được cáp ngầm 500 kV”.

 

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn


.