Rừng chết khô vì nắng nóng kéo dài

02:07, 31/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nắng nóng kéo dài nhiều tháng qua đã làm cho hàng chục hécta rừng trên địa bàn các xã Phổ Khánh, Phổ Hòa, Phổ Cường, Phổ Phong (Đức Phổ) bị khô héo.

Cách đây vài tháng, dọc tuyến đường qua các xã Phổ Khánh, Phổ Hòa, Phổ Phong... rừng trồng xanh bạt ngàn, phủ kín các ngọn đồi. Giờ đây, rừng đã ngả màu vàng. Nhiều khu rừng bị chết đến 1/3 diện tích. Mặc dù vài ngày gần đây trời có mưa nhưng không thể cứu được nhiều vạt rừng đã chết.

 

Nhiều cánh rừng ở Đức Phổ bị chết khô.
Nhiều cánh rừng ở Đức Phổ bị chết khô.


Huyện Đức Phổ có hơn 16.000ha rừng, chủ yếu là keo và bạch đàn. Đa số diện tích rừng bị chết khô chủ yếu là rừng trồng đã 2 đến 3 năm tuổi. Hiện tại, Hạt Kiểm lâm Đức Phổ cũng như chính quyền địa phương chưa thể khảo sát hết được số lượng rừng bị chết. Theo ông Bùi Hào - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đức Phổ thì nguyên nhân dẫn đến rừng chết một cách bất thường là do thời tiết quá khắc nghiệt, khô hạn kéo dài trong nhiều tháng. Bên cạnh đó, những diện tích rừng bị chết được trồng ở những nơi có nhiều đá bàn, lớp đất quá mỏng, ít đất thịt vì thế khi nắng nóng kéo dài, thời tiết khô hanh, rễ cây không thể đâm sâu vào lòng đất để hút nước và độ ẩm thấp nên việc cây keo, bạch đàn chết là điều hiển nhiên.  

Ông Lê Văn Tiến, thôn Trung Sơn trồng rừng tại thôn Diên Trường (xã Phổ Khánh) cho biết: “Hơn 3ha rừng của tôi giờ coi như mất trắng.  Lúc trồng, tiền giống, tiền công chăm sóc tôi bỏ xuống rất nhiều. Bình quân, cứ mỗi hécta rừng  tôi phải đầu tư 25 triệu đồng. Giờ 3ha rừng đã chết, coi như mất trắng gần 100 triệu đồng”.

Cùng với hoàn cảnh với ông Tiến, ông Nguyễn Thế Hùng, thôn Diên Trường cho hay: “Năm nay nắng nóng kéo dài, không có mưa trong vài tháng trời nên hơn 7ha rừng vừa keo, vừa bạch đàn của gia đình tôi chết đứng. Nếu chết lúc cây còn nhỏ thì mình còn khắc phục được. Nhưng giờ cây được 2, 3 năm tuổi mà chết thì chỉ còn cách chặt xuống để lấy củi thôi!”.

Đi dọc tuyến Quốc lộ 1 đoạn từ xã Phổ Hòa đến Phổ Khánh, nhiều hécta rừng bị chết đứng. Ông Trần Văn Nhận, thôn Trung Sơn cho biết: “Hai ba ngày nay đã có mưa to, nhưng mưa thì cũng chẳng thể cứu được cây vì chúng đã chết lâu rồi. Riêng những cây vừa ngả màu vàng úa thì có lẽ cũng sẽ chết chứ khó sống được”.

Đến thời điểm hiện tại, số rừng bị chết xảy ra rải rác khắp các thôn, xã trên địa bàn nên việc thống kê chưa thể thực hiện được. Tuy nhiên, đối với rừng dự án và rừng phòng hộ của huyện thì các địa phương quản lý cũng như chăm sóc kỹ lưỡng nên việc rừng chết do nắng nóng, khô hạn không xảy ra.  

Ông Nguyễn Đức Thọ - Chủ tịch UBND xã Phổ Khánh cho biết: “Những diện tích rừng bị chết khô là rừng của dân tự trồng. Đất ở đó rất xấu, thiếu dinh dưỡng trầm trọng. Mặt khác, thành phần đá bàn chiếm số lượng rất lớn trong đất nên trồng cây ở những quỹ đất đó giống như trồng trên đá. Còn đối với những diện tích rừng dự án và rừng phòng hộ, thì chúng tôi quản lý và khuyến cáo các hộ dân có rừng chăm sóc và bảo vệ nên rừng đang trong giai đoạn sinh trưởng, phát triển tốt”.

Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU
 


.