Quản lý tổng hợp đới bờ vì sự phát triển bền vững

09:07, 06/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều năm qua, các vùng đới bờ luôn bị tác động bởi các hoạt động phức tạp của con người và sự tranh đua khai thác, quản lý giữa các ngành kinh tế khác nhau. Vì vậy, liên thông giữa các ngành để quản lý tốt tổng hợp đới bờ (QLTHĐB) sẽ đem lại lợi ích tài nguyên bền vững cho con người.

TIN LIÊN QUAN


Ở Quảng Ngãi, vùng đới bờ được tính từ bờ biển ra 6 hải lý, có diện tích khoảng 2.000 km2 và dọc dài qua 5 huyện, thành phố và hải đảo. Các vùng đới bờ này như một tấm thảm được dệt bởi các hệ sinh thái và nguồn tài nguyên đa dạng, có giá trị cao, có tầm quan trọng chiến lược đối với lợi ích kinh tế, xã hội và sự phát triển kinh tế trong vùng và cả đất nước. Nếu tất cả các ngành, các cấp đều thực hiện tốt QLTHĐB sẽ giúp cho các ngành chức năng thực thi các chính sách, làm kế hoạch và quản lý tài nguyên để phát triển bền vững đới bờ.  

Giảm lượng rác thải, xăng dầu… sẽ hạn chế hủy hoại tài nguyên  vùng đới bờ.
Giảm lượng rác thải, xăng dầu… sẽ hạn chế hủy hoại tài nguyên vùng đới bờ.


Tuy nhiên, thực trạng vùng đới bờ ở Quảng Ngãi là mỗi ngành quản lý một phạm vi không gian khác nhau. Dọc dài ven biển và các cửa sông lớn của tỉnh, lâu nay các ngành cùng phát triển theo đặc thù ngành “mạnh ai nấy làm” như đánh bắt hải sản, du lịch, vận tải, khai thác cát nhiễm mặn, nuôi trồng thủy hải sản… Các ngành này tuy tác động lẫn nhau trong quá trình hoạt động, nhưng hầu như chưa liên thông với nhau để cùng nhau phối hợp phát triển… Do vậy, vùng đới bờ ngày càng suy kiệt.

Để sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên vùng đới bờ cần phải bảo vệ môi trường vùng ven bờ; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, trang bị cơ sở vật chất. Các địa phương, ngành khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên, như ngăn chặn sự khai thác trái phép rạn san hô, rong mơ, khoanh vùng nơi khai thác, nơi cần bảo vệ. Bởi, đây là lớp lá chắn và cũng là nơi cư trú của các loài thủy hải sản vào sinh nở. Đồng thời sớm quy hoạch vùng nuôi tôm trên cát, lẫn vùng triều có khoa học để bảo vệ cồn cát ven biển; phục hồi dải rừng phòng hộ trên cồn cát, nguồn lợi thủy sản, tài nguyên nước và cảnh quan thiên nhiên cũng như các giá trị văn hóa, lịch sử tại vùng ven bờ.

Rừng ngập mặn cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ môi trường vùng đới bờ. Rừng có các loại cây nhiệt đới và cây bụi có rễ mọc từ trầm tích nước mặn vùng ven biển, như cây bần, trang, mắm, đước…là một hệ sinh thái độc đáo vừa cung cấp nhiên liệu, dược liệu, thực phẩm cho cộng đồng dân cư ven biển, vừa là bức tường xanh vững chắc chống gió bão, sóng thần, sạt lở, làm sạch môi trường ven biển, hạn chế xâm nhập mặn, bảo vệ nước ngầm, tích lũy cacbon, giảm khí CO2, duy trì đa dạng sinh học… Thế nhưng, theo thống kê của Chi cục Biển và Hải đảo, đến cuối năm 2013, Quảng Ngãi chỉ còn hơn 197 ha rừng ngập mặn ven biển, giảm gần 120 ha so với cuối năm 2002. Nguyên nhân là do phá rừng để nuôi trồng thủy sản.

Nhiệm vụ cấp bách hiện nay là các cấp, các ngành địa phương bảo vệ diện tích rừng, không cho người và gia súc tiếp tục phá hoại, trồng bổ sung và giao cho cá nhân, cộng đồng quản lý… Có như vậy rừng ngập mặn mới đem lại lợi ích cho con người, hạn chế sự tác động của thiên nhiên gây nên xói mòn dọc triền đê bờ biển, bờ sông và các vùng dân cư lân cận.

Một yếu tố khác cũng có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường vùng đới bờ, như: Khai thác rừng phòng hộ ven biển ồ ạt; dùng các phương tiện điện, thuốc nổ để đánh bắt cá vùng ven bờ. Toàn tỉnh có khoảng 5.500 chiếc tàu thuyền thì hiện vẫn còn trên 1.100 chiếc thuyền có công suất nhỏ dưới 20CV. Các loại thuyền này chủ yếu đánh bắt ở vùng đới bờ, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy hải sản.

Ưu thế vùng đới bờ của Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung, có tài nguyên rất phong phú, đa dạng, nhiều chủng loại. Nếu biết cách sử dụng có khoa học, hợp lý, giảm xung đột các lợi ích, kết hợp hài hòa lợi ích kinh tế trước mắt và lợi ích bảo vệ môi trường lâu dài; tăng cường cơ chế điều phối, thể chế, hợp tác phục vụ quản lý tổng hợp vùng ven bờ... thì tài nguyên vùng này sẽ đem lại lợi ích bền vững cho con người. Thành phố Đà Nẵng đã áp dụng thành công phát triển kinh tế đi kèm bảo vệ môi trường ven biển, được Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) công nhận top 20 thành phố sạch nhất thế giới vào năm 2012.

Phát huy hết lợi thế của phương thức quản lý tổng hợp đới bờ cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và các địa phương để tránh xảy ra những tác động bất lợi về tài nguyên và môi trường liên quan đến những bất cập yếu kém trong công tác quản lý; huy động thêm nguồn lực, sự tham gia của cộng đồng dân cư vào các hoạt động giữ gìn tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Bài, ảnh: TRƯỜNG AN


 


.