Mỗi người Việt chỉ cần ăn vài lạng vải thiều!

09:07, 02/07/2014
.


Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, mỗi người dân Việt Nam chỉ cần ăn vài lạng vải, với 90 triệu người dân cùng ăn thì sẽ tiêu thụ hết vải thiều.

Cũng tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều tối 1/7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho hay, Chính phủ đang chỉ đạo ráo riết việc tiêu thụ nông sản và thông tin vải thiều Trung Quốc nhập ngược vào Việt Nam là không chính xác.

Không có thông tin vải thiều nhập ngược vào Việt Nam

Những ngày qua, thông tin vải thiều trồng tại Trung Quốc mang sang Việt Nam bán đã gây xôn xao dư luận.

Trao đổi qua điện thoại, cá nhân bà Bế Thu Hiền, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII Lạng Sơn khẳng định, thông tin này là không có cơ sở. Bà Hiền lý giải, có thể chính người dân mình sang bên kia biên giới, họ mang những quả vải thải loại của mình xuất sang đó mang về đây để bán lại.

“Chứ vải của ta rẻ, Trung Quốc sang tận Lục Ngạn để mua và hàng ngày, vải của ta xuất sang Trung Quốc tới 100-200 xe mỗi ngày” – bà Hiền nói.

Ông Nguyễn Văn Tuân, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VIII Lào Cai cũng khẳng định, những thông tin về việc hàng đoàn xe tải của Trung Quốc chở vải xuất ngược sang Việt Nam là không chính xác.

Theo ông Tuân, không chỉ riêng quả vải, thông tin các loại quả như măng cụt từ Trung Quốc nhập về Việt Nam là không đúng.

Tuy nhiên, ông Tuân cho rằng, có hiện tượng quả xoài xanh Trung Quốc xuất ngược vào nước ta nhưng số lượng hầu như không đáng kể. Cũng chỉ có loại xoài xanh chứ không có xoài vàng.

“Việt Nam nhập các loại hoa quả từ Trung Quốc chủ yếu là lựu, nho khô, dâu tây, táo tươi, quýt, cam… Và nếu nhập theo đường chính ngạch thì đều được lấy mẫu kiểm dịch, kiểm tra lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật” – ông Tuân cho biết.

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Điện tử Tổ Quốc về các giải pháp cấp bách hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, Chính phủ đã có những giải pháp cấp bách và lâu dài nhằm tìm thị trường cho hàng hóa, nông sản Việt Nam. Đặc biệt là những mặt hàng nông sản có nhiều ưu thế.

Lấy ví dụ từ quả thanh long, Bộ trưởng cho hay, hầu hết thanh long của nước ta là có chất lượng tốt và không có nước nào có thể cạnh tranh. Nhưng để xuất khẩu loại quả này đi xa thì chưa.

Vì vậy, theo Bộ trưởng, các cơ quan chức năng đang tìm đối tác, mở rộng thị trường cho các loại nông sản. “Chính phủ đang chỉ đạo rốt ráo vấn đề này và người nông dân phải làm tốt được khâu sản xuất gắn với bảo quản”- Bộ trưởng Nên nói.

 

Mỗi người dân Việt Nam chỉ cần ăn vài lạng vải, với 90 triệu người dân cùng ăn thì sẽ tiêu thụ hết vải thiều
Mỗi người dân Việt Nam chỉ cần ăn vài lạng vải, với 90 triệu người dân cùng ăn thì sẽ tiêu thụ hết vải thiều



Thị trường trong nước tiêu thụ tới 60% lượng vải thiều

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, không phải tới thời điểm này Chính phủ mới bàn giải pháp mở rộng thị trường mà các bộ ngành, doanh nghiệp đã thực hiện đa dạng hóa thị trường từ nhiều năm.

Các cơ quan chức năng đang tích cực đàm phán để Việt Nam tham gia vào các hiệp định như Liên minh thuế quan, hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP, hiệp định thương mại Việt Nam – EU… Cùng với đó, mở rộng thị trường sang Đông Âu, Châu Phi, Trung Đông…

Ngoài ra, cần đặc biệt chú ý tới thị trường 90 triệu dân trong nước.

“Nếu chúng ta tiêu thụ được một lượng lớn hàng xuất khẩu của Việt Nam thì đây cũng là lượng kim ngạch không hề nhỏ” – ông Hải nói.

Ông lấy ví dụ, vải thiều trước đây tiêu thụ trong nước rất ít nhưng năm nay, đã có tới 60% được tiêu thụ nội địa. Các bộ, địa phương tổ chức các đoàn xúc tiến bán vải thiều trong Nam.

“Nhiều người dân phía Nam chưa được ăn vải thiều, nếu mỗi người dân chỉ ăn mấy lạng vải thiều, 90 triệu dân cùng ăn thì đây là cú hích để chúng ta đối phó với những tình huống xấu nhất từ Trung Quốc” – ông Hải nói./.



Theo Song Đào/Báo Tổ quốc


.