Các dự án thuộc nguồn vốn từ Chương trình 30a, 135: "Bà đỡ" của người nghèo

10:07, 10/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, việc Chính phủ đầu tư  hàng trăm tỷ đồng cho tỉnh để phân bổ cho 6 huyện miền núi triển khai xây dựng các công trình từ giao thông đến y tế, giáo dục và cả trong sản xuất, chăn nuôi… đã mang lại  diện mạo mới cho vùng cao.

TIN LIÊN QUAN

Quả ngọt

 Hộ nghèo 6 huyện miền núi của Quảng Ngãi luôn chiếm tỷ lệ cao. Các dự án, chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững của Chính phủ như 30a, 135, thực sự là những cú huých để vùng cao có thêm động lực vươn lên.

Trước đây, mỗi lần về xã Trà Quân (Tây Trà), hầu hết phải cắt rừng, bởi giao thông dường như chỉ là… đường mòn. Đời sống của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Các công trình trường, trạm chỉ là tranh tre vách nứa tạm bợ. Hoặc có được xây dựng thì cũng chỉ ở mức tránh mưa, trú nắng. Thế nhưng, những năm gần đây nhờ những nguồn vốn từ Chương trình 30a và 135 đã giúp diện mạo Trà Quân thay đổi nhanh chóng.

Cách đây hai năm, người dân Trà Quân phải dùng võng khiêng người bệnh xuống bệnh viện huyện để điều trị, vì trạm y tế xã không đủ thuốc cũng như phương tiện khám, chữa bệnh. Thế nhưng, từ nguồn vốn 30a với số tiền hơn 4,6 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, Trạm Y tế Trà Quân mới là dãy nhà hai tầng khang trang. Người dân vui mừng bởi từ nay họ không còn cảnh phải xuống huyện mỗi khi có bệnh nữa.

Trạm Y tế xã Trà Quân được đầu tư  từ nguồn vốn 30a.
Trạm Y tế xã Trà Quân được đầu tư từ nguồn vốn 30a.


Trà Giang (Trà Bồng) là xã nghèo với dân số không đến 1.000 người, đường sá đi lại khó khăn. Nhiều năm qua người dân ở đây luôn ca thán khi mùa mưa đến đường lầy lội không thể đi lại bằng xe máy hay xe đạp mà chỉ có xe tải chở keo, chở mì mới đi được. Nhưng khó khăn nhất là hàng trăm học sinh đang theo học tại Trường Tiểu học Trà Giang khi mà hầu như em nào đến trường cũng trong tình trạng lấm lem bùn đất. Thế nhưng, từ nguồn vốn của Chương trình 135, huyện Trà Bồng đã đầu tư làm đường bê tông kiên cố. Đến nay tuyến đường đã trở thành “lực đẩy” để xã Trà Giang hướng đến bê tông hóa 100% các tuyến đường trong xã, đẩy nhanh tốc độ xây dựng nông thôn mới.

Không chỉ có các công trình hạ tầng mà rất nhiều chính sách, dự án từ nguồn vốn của hai Chương trình 135 và 30a đã giúp người nghèo sáu huyện miền núi cải thiện đời sống một cách đáng kể. Sự hiện diện của các công trình, các giống lúa, kênh thủy lợi, bò lai… đang mang lại cho vùng cao những khởi sắc rõ rệt.

“Nguồn vốn 30a và 135 đã giúp Tây Trà có những bước tiến mạnh mẽ trong tiến trình phát triển kinh tế cũng như giảm nghèo nhanh và bền vững. Nếu như chỉ có nguồn vốn đầu tư từ ngân sách không thì Tây Trà chắc còn khó khăn hơn nhiều so với hôm nay”, ông Đỗ Minh Lâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà nhận định.

Cần chính sách dài hơi, ổn định

Mặc dù hiệu quả mà các dự án được đầu tư từ nguồn vốn của Chương trình 30a và 135 mang lại cho các huyện miền núi là khá rõ rệt. Tuy nhiên, việc phát triển nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a vẫn còn nhiều bất cập. Trong đó, người dân hưởng lợi từ các dự án cho rằng, các chính sách đầu tư cần phải dài hơi và mang tính bền vững chứ không thể “phát triển nóng” được.

Theo thống kê, tỷ lệ hộ nghèo chung trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số của tỉnh vào đầu năm 2014 chiếm khoảng 41% và tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm 15%. Điều đó cho thấy số hộ nghèo vẫn còn ở mức cao và cần những hỗ trợ nhiều hơn nữa để thoát nghèo.

Theo ông Hồ Văn Ôn, thôn Gỗ, xã Trà Thanh (Tây Trà), chính sách hỗ trợ phương thức sản xuất theo Nghị quyết 30a và Chương trình 135, đã tạo điều kiện cho bà con có cây giống, vật nuôi sản xuất phát triển kinh tế. Thế nhưng, vấn đề là do người dân ở đây trình độ dân trí còn thấp nên dù được tập huấn kỹ càng về sản xuất thì vẫn không ăn thua, mà cái người dân cần đó là cần phải cầm tay chỉ việc thường xuyên.  

“Người dân rất cần cán bộ xuống trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn cách phòng bệnh và phải thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, có như vậy việc nuôi, trồng mới đem lại hiệu quả cao”- ông Ôn chia sẻ.

Trong các đợt đi kiểm tra về các dự án được đầu tư từ Chương trình 135 và 30a, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Thị Loan đánh giá cao những kết quả mà các công trình, dự án mang lại cho người dân nghèo ở vùng cao. Đây chính là lực đẩy quan trọng giúp người dân ở 6 huyện miền núi xích gần hơn với đồng bằng, đô thị.

“Tôi đề nghị các địa phương khi sử dụng nguồn vốn này cần phải cân đối thật kỹ và nên đầu tư vào những dự án cấp thiết mà người dân địa phương đang cần. Không nên đầu tư dàn trải dẫn đến lãng phí. Điển hình như một số công trình giao thông ở Tây Trà. Đầu tư công trình là giúp người dân nghèo có cái ăn, của để, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần chứ không phải đầu tư để có số lượng. Do đó, việc sử dụng nguồn vốn đầu tư phải mang tính ổn định, lâu dài và bền vững thì mới mang lại kết quả như mong muốn. Có như vậy người nghèo mới không còn nghèo” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Thị Loan nói.

 

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC

 

.