Ngư dân và triết lý "bó đũa"

02:06, 10/06/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Họ tự nguyện xin gia nhập vào Nghiệp đoàn nghề cá để cùng nhau vươn khơi bám biển theo tổ, đội. Ngư dân Lý Sơn đang là những “cột mốc sống” tại Biển Đông. Họ hiểu, ra khơi cũng chính là  góp  phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

TIN LIÊN QUAN

Vừa qua, 188 ngư dân tại Lý Sơn đã tự nguyện viết đơn xin gia nhập Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải. Với họ, vào Nghiệp đoàn cũng đồng nghĩa với việc đoàn kết lại để tạo nên sức mạnh khi hành nghề trên biển…

Đồng lòng vào Nghiệp đoàn

Vừa mới trở về từ phiên biển kéo dài hơn một tháng ở ngư trường Hoàng Sa, ngư dân Trần Văn Định, chủ con tàu công suất 330CV nói chắc nịch: “Khi đang đánh bắt ngoài khơi, thì tôi và các anh em nghe được thông tin về việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước ta và hung hăng tấn công tàu cá của ngư dân Việt Nam. Nhưng chúng tôi xác định, dù đánh bắt khó khăn, nguy hiểm mình vẫn bám biển, chẳng có gì phải sợ”.

 Ngư dân Lý Sơn cùng sát cánh ra khơi.
Ngư dân Lý Sơn cùng sát cánh ra khơi.


Vừa đóng mới chiếc tàu trị giá gần 1,5 tỷ đồng, ngư dân Trần Văn Định liền làm đơn xin gia nhập Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải. Chiếc tàu của anh là một trong 15 tàu vừa mới  vào nghiệp đoàn.  

Còn ngư dân Dương Văn Giàu, thôn Đông, xã An Hải, người vừa bị Trung Quốc lấy hết lưới cụ vào ngày 7.5 vừa qua, khi đang khai thác hải sâm ở ngư trường Hoàng Sa thì khẳng định: “Tôi đi biển cũng đã hơn 20 năm, không khó khăn nào mà tôi chưa từng trải qua. Bị lấy hết lưới cụ, thì đã có lưới cụ khác dự phòng. Đi biển lâu năm, anh em chúng tôi dự lường được hết các tình huống”. Ra khơi mới hơn 10 ngày thì bị lấy hết lưới cụ, nhưng chiếc tàu 220 CV của anh Giàu vẫn quyết bám trụ Hoàng Sa thêm 20 ngày nữa rồi mới trở về đất liền.

Vừa trở về đảo vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua, anh Giàu đã xin gia nhập vào Nghiệp đoàn. Cầm thẻ đoàn viên trên tay, ngư dân Dương Văn Giàu không giấu được niềm vui: “Vào Nghiệp đoàn cũng như vào một ngôi nhà chung vậy. Từ nay đi biển, có chuyện gì, là đã có anh em đồng đội để gọi”.

Với 20 tổ, mỗi tổ có 3 tàu cùng nhau đoàn kết để vươn khơi. Rõ ràng, việc ra khơi theo hình thức đoàn kết theo tổ này đã thực sự giúp ngư dân vững tin, an tâm hơn khi bám biển. Vì thế, ngư dân Lý Sơn hiện đã đồng loạt xin gia nhập Nghiệp đoàn.

“Bó đũa” không thể bẻ gãy

Đoàn kết trên biển, ngư dân đã cùng nhau tạo thành những “bó đũa” không thể nào bẻ gãy. Các nghiệp đoàn nghề cá ngày càng phát huy vai trò của mình trong việc gắn kết ngư dân đi biển theo tổ đội. Nhất là trong thời điểm “nóng” hiện nay, Nghiệp đoàn vẫn luôn sát cánh cùng ngư dân, động viên anh em đoàn kết hơn nữa khi đánh bắt trên biển, kiên quyết bám ngư trường.

“Đi biển, nếu có rủi ro gì xảy ra, thì có thể dùng Icom gọi về cho Nghiệp đoàn cứu hộ, cứu nạn. Anh em chúng tôi đi biển rất đông, tàu kiểm ngư của nước mình cũng túc trực trên biển. Nên chúng tôi rất vững tâm”, ngư dân Trần Văn Định khẳng định.

Thông qua sự hướng dẫn của Nghiệp đoàn, cứ mỗi tổ gồm ba tàu sẽ có một tàu làm tổ trưởng. Tàu này có nhiệm vụ thường xuyên liên lạc với hai tàu còn lại và thông tin về Nghiệp đoàn. Mô hình tổ đội khai thác được các nghiệp đoàn nghề cá phát huy tối đa để ngư dân tự mình cứu mình trên biển. Ông Lê Khởi - Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải, Lý Sơn cho biết: “Trong vòng 3 năm trở lại đây, nhờ vào việc thực hiện mô hình tổ đội khai thác, mà ngư dân của nghiệp đoàn đã 18 lần cứu nạn lẫn nhau thành công”.


Bài, ảnh: Ý THU

 


.