Góp phần tạo bình yên cho bến cảng

02:06, 05/06/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bến cảng Lý Sơn ngày càng sầm uất. Các con tàu chở hàng, đánh bắt khơi xa cập bến với trọng tải, số lượng ngày càng lớn. Đội bốc xếp cảng Lý Sơn ra đời đáp ứng nhu cầu tập kết và giải phóng nhanh hàng hóa khi tàu vào ra cảng. Họ mặc cùng một màu áo xanh thể hiện sự chuyên biệt, tinh thần trách nhiệm với công việc. Họ góp phần tạo nên trật tự, bình yên cho bến cảng.

Đoàn kết mưu sinh

Đội bốc xếp cảng Lý Sơn được chia thành nhiều tổ. Hằng ngày các tổ được phân công công việc khá cụ thể như bốc xếp hàng hóa, chuyển vật liệu xây dựng, đưa hành, tỏi lên tàu, chuyển nguyên, nhiên liệu cho các con tàu chuẩn bị xuất bến...

 

Một tổ bốc xếp tất bật làm việc.
Một tổ bốc xếp tất bật làm việc.


 Thuần thục từng công việc, tuy nặng nhọc nhưng nhóm nào cũng vui vẻ, vì họ cảm thấy thoải mái khi cùng anh em làm việc trong tinh thần trách nhiệm. "Làm luôn tay, mỗi ngày anh em trong đội cũng kiếm được từ 150.000 - 170.000 đồng" - Anh Lê Văn Thời, một thành viên trong Đội cho biết. Còn ông Nguyễn Thanh Hồng (58 tuổi) phân bua: “Chúng tôi biết lấy đồng tiền từ việc bốc vác không dễ dàng chút nào. Thế mà có người đã gắn bó với công việc này suốt 20 - 30 năm...”.

Ở đảo nhưng họ chọn nghề bốc vác vì nhiều lý do. Người đi biển say sóng, người không đủ sức để đi bạn, không đủ vốn để đóng tàu ra khơi... Công việc bốc vác tuy nặng nhọc nhưng ở trong bờ. Nghề tự do, không ràng buộc kéo dài như các phiên biển. Vì vậy mỗi khi sức khỏe không đảm bảo họ có thể nghỉ ngơi đôi ngày. "Lý là vậy, nhưng "sinh nghề tử nghiệp", ốm đau nhẹ thì không ai chịu nghỉ cả. Ai cũng cố làm, rồi bệnh cũng tan", ông Nguyễn Cường cho hay.

 Đội bốc xếp có khoảng 40 người, với tuổi đời từ 18 đến 60. Sức lao động chênh nhau, nhưng ai cũng nghèo nên họ thường hỗ trợ cho nhau trong công việc. Những việc nặng nhọc thanh niên thường gánh vác, mà chẳng so đo tính toán. Người lớn tuổi tuy làm những phần việc nhẹ hơn nhưng thường chỉ bảo cho bọn trẻ những kinh nghiệm, lẽ sống, cách ứng xử với nhau. Nhờ thế mà ông Trần Hơn theo nghề bốc vác gần 30 năm, đã nuôi 3 người con học hành đến nơi đến chốn. Còn các thanh niên trong đội thì đoàn kết nhẫn nại làm việc.

Trách nhiệm với công việc

Cảng Lý Sơn ngày càng sầm uất. Ngoài Đội bốc xếp phân thành nhiều tổ, còn có nhóm người lao động riêng lẻ. Họ làm việc như “thợ đụng”, khi thì vác lương thực, thực phẩm lên tàu, khuân cá xuống cảng, khi chuyển hàng hóa mỗi khi tàu chuyến cập bến... Trong sự vội vàng, có nhiều người lỡ tay làm vỡ, làm hỏng hàng hóa. Kẻ xấu lợi dụng sự lộn xộn lấy cắp hàng hóa của khách, làm mất đi hình ảnh bình yên của đất đảo.

Đầu năm 2014, ông Nguyễn Cường - Tổ trưởng tổ bốc xếp cảng Lý Sơn đã xin ý kiến lãnh đạo xã An Vĩnh cho thành lập Đội bốc xếp. Sau khi có sự đồng ý của lãnh đạo xã, ông Cường đưa ra các quy định áp dụng trong Đội và trang bị cho mỗi lao động áo màu xanh công nhân có in chữ "Đội bốc xếp cảng Lý Sơn". Ông Cường lý giải, màu áo xanh của thành viên trong Đội không chỉ phân biệt với các lao động khác, mà còn tạo niềm tin cho khách hàng và nhắc nhở anh em làm việc phải trung thực, có trách nhiệm.

Kể từ ngày Đội bốc xếp cảng Lý Sơn đi vào hoạt động, bến cảng trật tự, bình yên hơn. Mỗi khi có tàu cập bến không còn cảnh tranh giành bốc xếp làm đổ vỡ, hư hỏng hàng hóa của khách hàng. Hoạt động có chữ tín và trách nhiệm, nên Đội đã thu hút nhiều lao động nghèo, không có việc làm. Hằng ngày, ngoài số tiền chia đều cho mỗi lao động từ 150.000 - 170.000 đồng, Đội còn trích một phần để làm quỹ thăm hỏi anh em mỗi khi ốm đau, hay động viên con em học giỏi, tiến bộ.

Bài, ảnh: MAI HẠ

 


.