Xây dựng cảng nước sâu Dung Quất 2: Tạo đà cho thành phố công nghiệp

12:05, 20/05/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với việc Chính phủ quyết định mở rộng KKT Dung Quất từ 10.300 ha lên 45.332 ha, cộng với đó là nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước bắt đầu đổ vốn đầu tư khiến cho cảng Dung Quất 1 có thể trở nên quá tải. Do đó, việc đầu tư xây dựng cảng nước sâu Dung Quất 2 là vô cùng cần thiết.

TIN LIÊN QUAN


Khu Kinh tế Dung Quất có những lợi thế về giao thông đường bộ và khu vực cảng rộng lớn, vùng nước sâu đủ cho tàu có trọng tải lớn cập cảng. Việc cảng Dung Quất 2 được đầu tư xây dựng trong thời gian tới sẽ là lực đẩy để KKT Dung Quất trở thành điểm nhấn của cả nước cũng như đưa Quảng Ngãi cất cánh, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020…

Đứng thứ 5 cả nước

Mặc dù là cảng biển mới được đầu tư xây dựng, nhưng từ khi đi vào hoạt động đến nay cảng Dung Quất 1 thực sự trở thành cửa ngõ quan trọng cho xuất và nhập khẩu hàng hóa bằng đường thủy trong khu vực và cả nước.

 

Cảng nước sâu Dung Quất tiếp nhận tàu trọng tải lớn vào trung chuyển hàng hóa.
Cảng nước sâu Dung Quất tiếp nhận tàu trọng tải lớn vào trung chuyển hàng hóa.


Với lợi thế của Dung Quất 1 là cảng biển nước sâu, kết nối với các tuyến đường dẫn ra Quốc lộ 1, cộng với đó là phục vụ việc trung chuyển hàng hóa của một trong 5 KKT trọng điểm của cả nước giai đoạn 2013 – 2020. Phía bắc kết nối với cảng hàng không Chu Lai (tỉnh Quảng Nam) đã tạo ra lợi thế khá lớn cho cảng Dung Quất. Do đó, việc hàng hóa xuất và nhập qua cảng ngày càng nhiều là điều tất yếu.

 Theo thống kê, năm 2013 có hơn 230 lượt tàu cập cảng. Trong đó, hàng hóa lớn nhất là dầu thô, các sản phẩm xăng, thiết bị công nghiệp nặng, gỗ dăm, thiết bị công nghiệp nhẹ… Ông Lê Văn Dũng - Phó Ban Quản lý KKT Dung Quất cho biết, năm 2013, lần đầu tiên cảng Dung Quất đạt sản lượng lớn về quy mô cũng như số lượng tàu trọng tải lớn ra vào xuất, nhập hàng hóa trong cả nước và chỉ đứng sau 4 cảng biển lớn là cảng Sài Gòn, Quảng Ninh, Hải Phòng và Vũng Tàu. Cũng theo ông Dũng, năm 2014, lượng hàng hóa qua cảng dự báo có khả năng tiếp tục tăng cao hơn so với năm 2013 khi nhiều nhà máy, xí nghiệp đầu tư ở KKT Dung Quất, KCN Tịnh Phong… Đặc biệt là sự hiện diện của các doanh nghiệp đầu tư vào Khu đô thị dịch vụ VSIP bắt đầu đi vào hoạt động sản xuất hàng hóa trong quý IV năm nay.

Như vậy, với chức năng và công suất hiện nay, nhiều khả năng cảng nước sâu Dung Quất sẽ trở nên quá tải một khi lượng hàng hóa tăng lên trong thời gian tới. Nhất là khi các doanh nghiệp mới và cũ bắt đầu tăng tốc sản xuất nhằm bắt kịp với nền kinh tế đang có nhiều khởi sắc sau thời gian dài ảm đạm do suy thoái kinh tế.

Sự cần thiết đầu tư thêm cảng mới

 KKT Dung Quất đã tạo bước đột phá cho sự phát triển về kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi, động lực cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, khu cụm cảng Dung Quất 1 đã trở nên chật chội khi mà có đến sáu bến cảng đang hoạt động gồm: Cảng xuất sản phẩm nhà máy lọc dầu, cảng quốc tế Gemadept, bến chuyên dụng Doosan Vina, cảng dịch vụ PTSC, nhà máy đóng tàu Dung Quất và cảng dự phòng cho dự án thép Quảng Liên. Do đó, việc đầu tư xây dựng cảng Dung Quất 2 là vô cùng cần thiết khi nhu cầu trung chuyển hàng hóa bằng đường thủy ngày càng cao.

 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch mở rộng KKT Dung Quất; hình thành thành phố công nghiệp Vạn Tường, Trung tâm lọc hoá dầu quốc gia gắn với cảng nước sâu Dung Quất 2... Đây là nhân tố quyết định quan trọng để hình thành Tổ hợp công nghiệp nặng Dung Quất 2 gắn với sân bay Chu Lai, sẽ là động lực phát triển cho Quảng Ngãi thời gian tới.

UBND tỉnh đã quyết định thuê tư vấn nước ngoài quy hoạch xây dựng cảng nước sâu Dung Quất 2 nhằm thu hút các dự án đầu tư vào công nghiệp nặng. Hiện Liên danh Nikken Sekkei (Nhật Bản) và Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Cảng - Đường thủy (TEDIPORT) đã hoàn thành quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2.000 khu bến cảng Dung Quất 2. Theo đó, Cảng Dung Quất 2 rộng 1.500ha mặt biển giáp bờ với hai xã Bình Châu, Bình Phú (Bình Sơn). Vịnh có độ sâu 24m, chiều dài đường ven bờ vịnh 9km, kết nối vùng đất khoảng 5.000ha để phát triển công nghiệp nặng và khoảng 2.000ha phát triển công nghiệp phụ trợ. Bên cạnh đó, cảng nước sâu Dung Quất 2 có khả năng đáp ứng cho tàu trọng tải từ 250.000 - 300.000 tấn cập cảng xuất và nhập hàng.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Như Sô, song song với việc mời gọi nhà đầu tư trong nước và quốc tế đầu tư các dự án công nghiệp nặng trên địa bàn KKT Dung Quất thì tỉnh cũng đang cố gắng thực hiện các thủ tục cần thiết để trong thời gian tới cảng nước sâu Dung Quất 2 sớm được xây dựng.

 

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC

 


.