Tiếp nhiên liệu giữa biển

06:04, 19/04/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi hiện có khoảng 6.000 tàu cá. Vì vậy, lượng nhiên liệu tiêu hao trong việc đánh bắt trên biển mỗi năm rất lớn. Nhiều chủ cửa hàng kinh doanh mặt hàng này đã mạnh dạn đầu tư “tàu tiếp dầu” trên biển để tàu cá có thể bám biển dài ngày…

Theo thông lệ, sau khi kết thúc phiên biển, tàu vào bờ bán cá, đổ dầu rồi tiếp tục vươn khơi. Nhưng bây giờ, cá đã có tàu ra biển để mua và dầu cũng có tàu chở ra tận biển để bán. Ngư dân đã thuận lợi hơn khi bám biển mưu sinh.

“A lô, tàu dầu nghe đây!”

Cách đây gần 3 năm, ông Lê Văn Nhiên – chủ DNTN xăng dầu Nhiên Phường, huyện đảo Lý Sơn đã sắm tàu sắt “tiếp nhiên liệu” trên biển. Thế nhưng hoạt động tiếp nhiên liệu của doanh nghiệp này thực sự “lắm mối” là vào mùa đánh bắt cá năm 2014 này. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, vùng biển Lý Sơn cá về nhiều. Tàu đánh cá các tỉnh miền Trung, gồm Khánh Hòa, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên kéo về kín cả một vùng. Cứ chiều tối buông lưới cách đảo Lý Sơn khoảng 5 – 7 hải lý, sáng sớm thu cá về. Tàu “rỗi” ra tận nơi đánh bắt để mua cá. Tàu cung ứng nhiên liệu cũng ra theo để đổ dầu cho tàu cá. Bất cứ ai qua vùng biển Lý Sơn vào thời điểm sáng sớm hay chiều tà trước giờ tàu cá nhổ neo đều có thể được trải nghiệm cảnh “chợ trên sóng” diễn ra náo nhiệt.

 

Tàu của DNTN xăng, dầu Nhiên Phường ở huyện Lý Sơn (bên trái)  tiếp nhiên liệu cho tàu cá ngay trên biển.
Tàu của DNTN xăng, dầu Nhiên Phường ở huyện Lý Sơn (bên trái) tiếp nhiên liệu cho tàu cá ngay trên biển.


Chúng tôi có mặt tại cảng cá Lý Sơn khi “chợ trên sóng” đang vào độ tấp nập. Tàu vỏ sắt của DNTN xăng dầu Nhiên Phường đang cặp mạn tàu cá để “sang” dầu. Khẩn trương, chuyên nghiệp, an toàn, hàng ngàn lít dầu nhanh chóng từ tàu sắt “chạy” sang tàu cá. Điện thoại của ông chủ doanh nghiệp Lê Văn Nhiên liên tục đổ chuông: “A lô, tàu dầu nghe đây!” và “Được rồi, tàu chúng tôi sẽ tới liền!”. Cúp máy điện thoại, con tàu vỏ sắt lại vội vã lướt đi, tiếp cận bạn hàng giữa biển xanh…

Mở rộng mạng lưới đi đôi với kiểm soát

Tại Quảng Ngãi, hiện nay có 6 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu trên sông, trên biển, với tổng trọng tải 554 tấn, tập trung trên địa bàn Lý Sơn, Bình Sơn và Đức Phổ; 2 kho xăng, dầu, sức chứa 8.200m3 xây dựng tại Bình Sơn và Khu Kinh tế Dung Quất.

Xác định hoạt động cung ứng xăng, dầu trên biển, trên sông ở Quảng Ngãi phục vụ việc đánh bắt thủy, hải sản của ngư dân là cần thiết và quan trọng, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại nông thôn trên địa bàn giai đoạn 2015 - 2020. Trong đó, dành hẳn một phần để quy định về quy hoạch “Cửa hàng bán lẻ xăng, dầu trên biển, trên sông”.  

Theo đó, đến năm 2020, Quảng Ngãi sẽ xây dựng thêm 4 cửa hàng xăng dầu, nâng lên 10 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu trên sông, trên biển trong toàn tỉnh với tổng trọng tải 954 tấn. Về kho chứa, đến năm 2020 sẽ phát triển lên 4 kho xăng, dầu, tổng sức chứa 16.550m3.

Mục tiêu của việc phát triển, mở rộng mạng lưới kinh doanh xăng, dầu trên sông, trên biển nhằm xây dựng hệ thống bán lẻ xăng dầu quy mô, phân bố hợp lý, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của sản xuất, kinh doanh; khắc phục tồn tại mất cân đối trong phân bố cửa hàng bán lẻ xăng dầu nói chung; tăng tính tiện ích của dịch vụ này.

Quả thực, tiện ích mà dịch vụ “tiếp nhiên liệu” cho tàu cá ngay trên biển đang thực hiện là quá rõ. Tuy nhiên, nỗi lo về hoạt động “tiếp nhiên liệu trên biển” cũng không phải là ít. Bởi hoạt động này tiềm ẩn sự mất an toàn nếu chủ cơ sở kinh doanh không tuân thủ đúng quy định về kinh doanh xăng, dầu trên biển.

Mới đây, tại vùng biển Dung Quất, Bình Sơn, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện một số tàu cung ứng dầu diesel cho tàu cá không đảm bảo quy định về điều kiện kinh doanh. Vụ việc đang được xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật. Còn trong năm 2013, Chi cục Quản lý thị trường đã phát hiện 2 vụ không đảm bảo điều kiện kinh doanh xăng, dầu và đã đình chỉ hoạt động; 1 vụ mua bán xăng dầu ngoài hệ thống và sang mạn dầu không đúng quy định, xử phạt 140 triệu đồng. Bởi vậy, mở rộng, phát triển hệ thống bán lẻ xăng, dầu trên biển là cần thiết nhưng việc kiểm soát cũng cần phải được tăng cường, tránh tình trạng mất an toàn, vi phạm pháp luật xảy ra.
         

Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.