Sớm chấm dứt tình trạng sử dụng đất lâm nghiệp kém hiệu quả

01:04, 23/04/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước đây, Lâm trường Trà Bồng trực thuộc Sở NN&PTNT. Từ năm 2003 đến nay, lâm trường này đã sáp nhập thành đơn vị trực thuộc Công ty Xây lắp và Vật liệu xây dựng 5 - Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) với chức năng, nhiệm vụ chủ yếu là trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng nguyên liệu.

Sau khi sáp nhập, Lâm trường Trà Bồng được UBND tỉnh đồng ý cho thuê đất với tổng diện tích trên 1.977 ha từ năm 2008. Tuy đã trải qua khoảng thời gian dài nhưng Lâm trường Trà Bồng mới chỉ sử dụng được gần 484 ha để trồng rừng nguyên liệu. Số diện tích còn lại phần lớn đã bị một số hộ ở các xã lân cận chiếm dụng để trồng rừng tư nhân, khó thu hồi. Cụ thể, tại tiểu khu 47, có hơn 100 ha đất lâm nghiệp do lâm trường quản lý đã bị tư nhân chiếm dụng trồng rừng từ nhiều năm nay.

 

Đoàn Giám sát HĐND tỉnh kiểm tra thực tế tại các khu rừng thuộc Lâm trường Trà Bồng quản lý.
Đoàn Giám sát HĐND tỉnh kiểm tra thực tế tại các khu rừng thuộc Lâm trường Trà Bồng quản lý.


Còn số diện tích rừng của lâm trường đã trồng do nguồn vốn không đáp ứng kịp thời để chăm sóc dẫn đến tình trạng chất lượng rừng trồng sinh trưởng, phát triển kém. Bên cạnh đó, chi phí vào chu kỳ trồng rừng đầu tiên lớn mà sản lượng rừng đạt thấp nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh không đạt yêu cầu... dẫn đến thu nhập bình quân của cán bộ công nhân lâm trường năm 2013 chỉ đạt gần 2,3 triệu đồng/người/tháng.

Từ khi sáp nhập về Công ty Xây lắp và Vật liệu xây dựng 5 đến nay, Lâm trường Trà Bồng chưa hề đóng  cho Nhà nước về khoản thuế đất rừng lâm nghiệp. Bộ máy hoạt động của lâm trường chỉ còn 13 người, trong đó có 6 người làm công tác quản lý và 7 người trong tổ công nhân vườn ươm.

Năng lực của Lâm trường cũng hạn chế đến mức hiện không có phương tiện xe cộ, máy móc để hoạt động và có năm như năm 2006, Công ty chủ quản chỉ đầu tư cho lâm trường 50 triệu đồng để trồng và chăm sóc rừng.

 Với năng lực hạn chế như vậy, nên hiện tại Lâm trường Trà Bồng thực sự không đủ khả năng để quản lý và sử dụng hiệu quả số diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh đã cho thuê và cũng không thể để kéo dài tình trạng lãng phí đất ở miền núi với số lượng lớn như vậy. Giải quyết vấn đề này cần có sự can thiệp hữu hiệu của các cấp ngành hữu quan để sớm chấm dứt tình trạng nói trên.

Bài,ảnh: NGUYỄN KHÂM
   
 


.