Ở nơi "xin" nước Thạch Nham

03:04, 06/04/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nắng nóng kéo dài đã làm cho nhiều vùng đất bị khô hạn, dân ngóng cổ chờ trời đổ mưa cứu lấy hoa màu, ruộng lúa đang tóp teo vì thiếu nước. Chờ hoài trời không mưa, dân tình, thậm chí là cả lãnh đạo địa phương ở một xã thuộc khu Đông huyện Bình Sơn phải “đi xin nước Thạch Nham”. Nghe có vẻ lạ, nhưng đó là sự việc có thật đang diễn ra ở xã Bình Phú (Bình Sơn).

TIN LIÊN QUAN

Từ “mót” nước!

Về xã Bình Phú lúc này đang vào mùa nắng hạn. Cư dân ở mảnh đất này chủ yếu làm nông nghiệp dựa hẳn vào nguồn nước trời. Năm nào “ông trời thương” cho mưa đều đặn thì còn làm ra được hạt gạo, trái ngô. Bằng không thì coi như xuống giống rồi nhận lấy công dã tràng, vốn liếng bỏ ra coi như bị đất, bị nắng hạn “ăn” sạch. Mùa lúa đông – xuân năm nay, nạn mất mùa cũng đang “treo” lơ lửng trên đầu những người nông dân cần mẫn khi ruộng lúa giờ đây đã nứt nẻ, không còn giọt nước nào để tưới. Cánh đồng lúa vài chục hécta ở thôn Phú Nhiêu 1, xã Bình Phú đang kỳ trổ bông nhưng nông dân đứng ngồi không yên vì không tìm đâu ra được nguồn nước để tưới cho lúa.

 

Người dân xã Bình Phú đang “mót” nước Thạch Nham chảy ra từ cánh đồng lúa của xã Bình Tân.
Người dân xã Bình Phú đang “mót” nước Thạch Nham chảy ra từ cánh đồng lúa của xã Bình Tân.


Ông Nguyễn Nhị, có 3 sào ruộng ở cánh đồng Gò Cù. Lúa của ông cũng đang “đói” nước. Đứng ở ruộng lúa của mình nhìn qua ruộng lúa của người dân xã Bình Tân, huyện Bình Sơn (chỉ cách nhau một con đường chục mét), ông Nhị không khỏi chua xót. Lúa xã bên thì xanh tốt, nước dồi dào nhờ vào nguồn nước Thạch Nham đưa về tận đồng. Còn lúa của ông và hàng trăm hộ nông dân ở cánh đồng Gò Cù của xã Bình Phú thì đang bị “trơ” vì hạn hán.

Ông Nhị kể: “Hễ ngày nào mà nước Thạch Nham về cánh đồng ở xóm Nhì của xã Bình Tân thì cả đêm đó, tôi và nhiều bà con nông dân ở đây phải thức trắng đêm để mót nước. Ở đây nông dân đi mót nước hoài à”. Sao lại có chuyện mót nước ở đây? Ông Nhị giải thích: “Chả là khi nước Thạch Nham về ruộng của Bình Tân thì nước dôi dư chảy xuống mương cuối ruộng lúa của họ, bà con nông dân ở xã Bình Phú lại vét mương đưa toàn bộ số nước thừa ấy vào một cái hố ven đường rồi dùng mô tơ, máy Đông Phong chạy hút nước lên cho lúa bên mình. Có đêm phải lên xuống canh chừng nước Thạch Nham đã tràn ra chưa để mà còn kịp mót nước, chứ không canh khi họ ngưng bơm nước là coi như không mót được tí nước nào cho lúa cả. Làm nông mà phải đi mót nước như vầy thiệt khổ hết biết”.

Đến “xin” nước Thạch Nham

Hỏi chuyện “mót” nước của dân, ông Bùi Văn Thánh - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phú không khỏi băn khoăn. Hôm chúng tôi gặp vị lãnh đạo này cũng là lúc ông từ trong Trạm bơm nước Thạch Nham ở xã Bình Tân vội vã cưỡi xe máy chạy về đồng lúa Gò Cù báo với bà con thôn Phú Nhiêu 1 là xã vừa “xin” được nước Thạch Nham để tưới cho lúa. “Thấy lúa của nông dân trong xã đang thời kỳ làm đòng, trổ bông mà không có nước, xã đành phải đi xin nước Thạch Nham” – ông Thánh nói. Vừa qua, UBND xã Bình Phú gửi văn bản “xin nước” tới Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi, đề nghị bơm nước dôi dư ra chút đỉnh để nước chảy qua đồng lúa xã Bình Phú “giải khát” cho lúa nông dân địa phương.

Sau khi nhận “đơn xin nước”, Công ty đã đồng ý cho xả nước về đồng lúa Bình Phú. Hàng trăm nông dân vội vã đưa nước về ruộng. Có người còn bơm nước vào các ao, hồ để dự trữ.  “May mà họ cho nước về cho xã tôi hưởng ké được 1 ngày, 1 đêm chứ không thì giờ đồng lúa mấy chục hécta này đã háp sạch, chẳng thu được hột nào” – ông Võ Minh Tánh nói.

Ông Bùi Văn Thánh - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phú cho biết, vài năm trước, đoàn khảo sát công trình nước Thạch Nham cũng đã từng khảo sát, đo đạc để tính toán đưa nước về đồng lúa của thôn Phú Nhiêu, phục vụ tưới cho khoảng 40ha lúa và nhiều diện tích rau màu của bà con nông dân, nhưng cuối cùng chẳng thấy nước Thạch Nham đâu cả. “Nghe nói là do không đủ kinh phí nên chưa đưa nước Thạch Nham về xã Bình Phú được. Cả xã có đến gần 200ha đất lúa, chưa kể đất trồng rau màu các loại nên khi nắng hạn xuống là nông dân khốn đốn. Chúng tôi cũng đã đề nghị đưa nước Thạch Nham về địa phương nhưng vẫn chưa thấy động tĩnh gì” – ông Thánh nói.

Bài, ảnh: VÕ MINH HUY
 


.