Nỗi lòng chủ nhiệm

09:04, 25/04/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm 90 trở về trước, Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) được ví như  “xương sống” của kinh tế địa phương nên ông Chủ nhiệm HTXNN thời đó rất oách. Nhưng bây giờ, cái chức ấy chẳng ai màng tới, nhất là lớp trẻ…

TIN LIÊN QUAN

59% HTXNN trên toàn tỉnh xếp loại trung bình, yếu. Nghĩa là chừng ấy ông Chủ nhiệm cũng có cuộc sống khó khăn. Vì với mức thu nhập trên dưới 1 triệu đồng/tháng, thì Chủ nhiệm HTXNN không đủ nuôi “con” xe, lấy đâu phụ giúp gia đình.

 Việc nhiều, lương ít

Gặp Chủ nhiệm HTXNN Phước Vĩnh, xã Đức Phú (Mộ Đức) Đoàn Thanh Minh lúc giữa vụ, thời điểm được xem là có phần rỗi rãi của nhà nông, nhưng ông vẫn hối hả, tất tả. Hết lên danh sách các điểm kênh mương sạt lở cần tu sửa đến lập kế hoạch ứng phó với hạn hán, dịch bệnh trên cây trồng vụ đông xuân; rồi ước số lượng các loại giống, phân bón cần cung ứng cho hơn 265 ha đất sản xuất vụ hè thu sắp tới... Chốc chốc, xã viên lại đến mua thuốc, trả nợ hay phàn nàn ruộng thiếu nước, đậu phụng ít quả khiến ông Minh và Ban Chủ nhiệm (BCN) phải chạy ngược chạy xuôi.

Việc nhiều, lương ít nên nhiều chủ nhiệm HTXNN phải tranh thủ thời gian làm việc đồng áng, kiếm thêm thu nhập (ảnh minh họa).
Việc nhiều, lương ít nên nhiều chủ nhiệm HTXNN phải tranh thủ thời gian làm việc đồng áng, kiếm thêm thu nhập (ảnh minh họa).


Vất vả là thế nhưng hơn 15 năm gắn bó với HTXNN Phước Vĩnh, đến giờ ông Minh chỉ có độc khoản lương 1,3 – 1,5 triệu đồng/tháng. “Số tiền đó chỉ đủ tôi đổ xăng với phải không, đám tiệc. Có tháng tiêu thâm, phải xin vợ”, ông Minh trải lòng. Việc nhiều, thu nhập thấp, nên lúc rỗi việc công, ông Minh phải hì hục với ruộng lúa, vườn rau để phụ giúp gia đình. Nhưng đến khi bước vào vụ mùa hay thu hoạch, ông lại…bỏ việc nhà, đến HTXNN ở để lo mua bán vật tư, rồi thu mua lúa giống cho dân. Đến khi xong việc ở HTX, ông lại chột dạ vì đậu lúa nhà mình còn đứng đồng. “Nhà ít người, đâu thu kịp. Năm nào trời mưa, nhà tôi lại gặt…lúa ướt, nhổ đậu mộng”, ông Minh nói buồn.

Cùng cảnh ngộ “sáng cán bộ, chiều nông dân” với ông Minh là nhiều Chủ nhiệm HTXNN trong tỉnh. Bởi hiện giờ, phần lớn HTXNN đang rơi vào khó khăn, khiến ông Chủ nhiệm cũng như BCN cũng khó khăn theo.  
 

Năm 2003, Luật HTX ra đời có quy định đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, các chủ nhiệm HTXNN đều đã lớn tuổi, thời gian đóng bảo hiểm chưa đủ 20 năm để được hưởng lương hưu. Thế nên hiện giờ, Chủ nhiệm các HTX nói chung rất mong muốn được Nhà nước tạo điều kiện truy thu bảo hiểm để họ đủ thời gian 20 năm, tạo điều kiện khi về hưu có  tiền trang trải cuộc sống.

Mong được… về hưu!       

Chủ nhiệm các HTXNN trong tỉnh có điểm chung đều là…người cao tuổi. Thấp thì ngoài 50, cao cũng chạm 70. Tuổi cao, sức khỏe lẫn trình độ chuyên môn hạn chế, nhưng nhiều ông Chủ nhiệm lại không thể về hưu, dù đã nhiều lần xin nghỉ. “Xã bảo tôi từ từ, có nghỉ cũng để họ tìm người thay. Nhưng tìm hoài mấy năm rồi cũng chẳng có ai kế nhiệm”, ông Phạm Đức Thảo cho biết. Cùng tâm trạng này, ông Đoàn Thanh Minh cũng thổ lộ rằng: “Giờ tôi chỉ muốn nghỉ ngơi”. Lý do, Chủ nhiệm HTXNN bây giờ không chỉ có cái tâm, mà đòi hỏi phải đủ “tầm”, tức trình độ, kiến thức chuyên môn vững vàng thì mới xây dựng và triển khai thực hiện được những mô hình sản xuất hay, hình thức kinh doanh hiệu quả.

Về điều này, những Chủ nhiệm lớn tuổi như ông Minh, ông Thảo tự nhận mình “không thể đáp ứng” nên xin về hưu, nhường “chức” lại cho lớp trẻ. Tuy nhiên, mong muốn giản dị ấy của những ông Chủ nhiệm già lại bất thành vì “tụi trẻ có bằng cấp không chịu về xã làm việc, huống hồ HTXNN với mức lương ba cọc ba đồng”, Chủ tịch UBND xã Đức Phong (Mộ Đức) Ngô Đình Long chia sẻ.

Rõ ràng, nguyên nhân chính khiến HTXNN thoi thóp, hoạt động cầm chừng như hiện nay chính là nguồn lực vừa thiếu vừa yếu. Với nút thắt này, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Phạm Hoài Nam cho rằng: “Gỡ nó vừa dễ vừa khó”. Khó là bởi chế độ đãi ngộ thấp nên hiếm cán bộ trẻ mặn mà. Nhưng dễ là khi chính quyền cơ sở tin tưởng, tạo điều kiện để cán bộ trẻ có nhiệt huyết lẫn năng lực thử “lửa” ngay tại HTXNN. Vì nếu “sau thời gian thử thách, ai làm tốt sẽ được cân nhắc bố trí công việc và vị trí tốt hơn. Có như vậy, đội ngũ cán bộ địa phương mới mạnh, mà HTXNN cũng sẽ bớt “già””, ông Nam đề xuất.  
    

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.