Khi ngư dân làm du lịch

05:04, 24/04/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Đến Lý Sơn, thì gọi tôi”- đó là câu nói tạm biệt của anh Nguyễn Lợi (đội 4, thôn Đông, xã An Vĩnh, Lý Sơn) mỗi khi tiễn khách rời đảo về đất liền. Đã hơn một  năm nay, ngày nào anh Lợi cũng chạy ba gác máy ra tận cảng, chờ đợi du khách và mời họ về nhà mình ở miễn phí. Nhiều du khách cảm động trước tấm lòng của anh, nên cứ dúi tiền vào túi anh Lợi trước khi lên tàu. Nhưng anh nhất định không lấy…

TIN LIÊN QUAN

Hướng dẫn viên “tay ngang”

Chắt chiu từ nghề đi biển và buôn bán hải sản suốt hai mươi năm ròng, đến tháng 7 năm ngoái, khi đã gần 50 tuổi, anh Lợi mới có đủ tiền xây được một ngôi nhà tươm tất. Và từ lúc có nhà mới, anh dành hẳn hai phòng cho khách đến Lý Sơn. Người khách đầu tiên mà anh Lợi cho ở nhờ miễn phí là một ông lão làm nghề gò sửa xoong nồi quê tận Phổ Châu (Đức Phổ). Thương người thợ gò nồi lam lũ không đủ tiền thuê khách sạn, cứ rong ruổi khắp xóm tìm nhà cho thuê trọ giá rẻ, anh Lợi chẳng ngại ngần rủ ông về nhà mình tá túc suốt một tuần liền.

 

Anh Nguyễn Lợi chở khách đi tham quan trên xe ba gác  máy của mình.
Anh Nguyễn Lợi chở khách đi tham quan trên xe ba gác máy của mình.


Sau lần đó, trong những lần lái xe ba gác chở hàng thuê, gặp du khách nào không tìm được nhà nghỉ, khách sạn, anh đều đưa về nhà mình ở. “Lúc trước, thấy du khách ghé đây nhưng hết phòng nghỉ, tôi rất muốn dẫn về nhà ở. Nhưng ngặt nỗi nhà nhỏ, lại xập xệ. Nên khi xây xong nhà mới, tôi mới mạnh dạn rủ họ” – anh Lợi cho biết.

Khách ở bao lâu tùy thích, gia đình anh không lấy đồng nào. Còn đồ ăn thức uống, khách muốn ăn gì thì gia đình anh tận tình mua giúp và chỉ lấy vài chục nghìn tiền gia vị và công nấu nướng. Sẵn có xe ba gác vẫn thường dùng để chở hàng, anh Lợi kiêm luôn nhiệm vụ chở du khách đi tham quan và làm hướng dẫn viên du lịch “bất đắc dĩ”. Cũng chính nhờ giọng nói đặc sệt chất biển, anh Lợi đã chinh phục được du khách ba miền bằng chính sự mộc mạc của mình. Chỉ trong vòng 6 tháng kể từ ngày xây xong nhà mới, nhà của anh Lợi đã trở thành nơi ngủ nghỉ miễn phí cho hơn 100 du khách.

Vừa lòng khách đến...

Tình cờ gặp anh Lợi ngay tại cảng, đoàn du lịch gồm 7 người đến từ Hà Nội quyết định thay đổi kế hoạch ở khách sạn để chuyển về nhà anh Lợi tá túc. “Vừa đặt chân đến đảo, chúng tôi thấy cái gì cũng mới mẻ. Rồi tự dưng có người lại chạy đến mời về nhà ở không mất tiền. Ai mà chẳng bán tín bán nghi. Nhưng thấy anh này cũng thật thà, nên chúng tôi quyết định ghé”, ông Lưu Ngọc Chiến, thành viên của đoàn du lịch tươi cười chia sẻ.

Trong 2 ngày ở lại đất đảo Lý Sơn, được “thổ địa” Nguyễn Lợi dẫn đường và giải đáp mọi thắc mắc, đoàn du khách đến từ Hà Nội ai nấy đều rất hào hứng với kiểu du lịch mới này. Thay vì ở trong những nhà nghỉ, khách sạn và ăn cơm tại nhà hàng, mỗi thành viên trong đoàn đều được trải nghiệm cuộc sống thường nhật với người dân trên đảo.

Theo chân anh Lợi, du khách được tận mắt nhìn thấy những con mực còn sống, được lựa mua những con cá biển tươi rói từ những chiếc tàu vừa cập cảng với  giá rẻ…  Riêng phương tiện đi lại, thay vì phải thuê ô tô hoặc xe máy với giá 100 nghìn đồng cho một chiếc xe máy. Đoàn du khách quyết định nhờ anh Lợi chở đến các điểm tham quan bằng xe ba gác. Bởi theo ông Chiến, đi du lịch mà có một người sinh ra và lớn lên trên đảo hướng dẫn để khám phá thêm những nét mới lạ, thì thú vị hơn hẳn kiểu du lịch chỉ đến những địa điểm vạch sẵn.

Khi được hỏi, liệu anh có sợ không, khi mời những người chưa từng quen biết về nhà mình tá túc, anh Lợi chỉ cười: “Có sao đâu, phải tin người ta trước, rồi người ta mới tin mình. Cũng vì tin mình, họ mới về nhà mình ở đấy chứ!”…

Hướng tới du lịch cộng đồng

Thị trường du lịch mới lạ, những sản phẩm văn hóa, du lịch còn nguyên sơ, là thế mạnh của huyện đảo Lý Sơn. Từ kinh nghiệm của một số địa điểm du lịch nổi tiếng như  Sa Pa (Lào Cai), bản Lác (Hòa Bình)... thì khách du lịch, nhất là du khách nước ngoài rất thích du lịch theo kiểu được sống và sinh hoạt cùng người dân. Vì thế, cách làm du lịch như anh Lợi, dù mới chỉ làm theo kiểu “tay ngang” nhưng vẫn rất đáng được học hỏi và nhân rộng để vừa giải quyết được vấn đề chỗ ở cho du khách, vừa phát triển được du lịch Lý Sơn mang bản sắc riêng.

Ông Phạm Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: “Tháng 3 vừa qua, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) phối hợp với Sở VH-TT-DL tổ chức lễ phát động bảo vệ môi trường xanh-sạch-đẹp tại huyện Lý Sơn. Ngoài ra, Tổng cục Du lịch còn tổ chức lớp tập huấn cho các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch trên đảo, giúp họ xác định vai trò của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch, quy trình đón tiếp khách, liệt kê các yếu tố cơ bản của homestay. Đây cũng là định hướng phát triển du lịch của huyện nhà”.

Bài, ảnh: Ý THU

 


.