Cuộc sống ở khu dân cư xã Tịnh Long

03:04, 06/04/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 1.4, xã Tịnh Long chính thức trở thành 1 đơn vị hành chính cấp xã của TP.Quảng Ngãi. Ở khu tái định cư Tịnh Long nhà cửa đã xây dựng kiên cố, hạ tầng kỹ thuật từng bước cải thiện. Thế nhưng, đây chỉ là diện mạo, còn vấn đề định canh cho bà con vùng tái định cư khi lên thành phố thì hầu như còn bỏ ngỏ...

Diện mạo phố thị

Sắp đến ngày lên TP, nhưng vùng quê thuần nông xã Tịnh Long vẫn không mấy thay đổi. Vẫn những ngôi nhà cũ kỹ cấp bốn, vẫn những cánh đồng rau chen nhau trong các góc vườn, bờ ruộng... Duy ở khu tái định cư Tịnh Long thì khác hẳn. Nơi đây, nhà cửa đa số đã xây tầng, chắc chắn, sạch đẹp. Đường nội vùng được thảm nhựa, bê tông. Điện, nước đã kéo về...

Diện mạo khu tái định cư xã Tịnh Long khá khang trang nhưng cuộc sống của người dân còn khó khăn.
Diện mạo khu tái định cư xã Tịnh Long khá khang trang nhưng cuộc sống của người dân còn khó khăn.


Khu tái định cư làm sáng hẳn một góc quê. Ông Trần Khá, bộc bạch: "Nằm trong diện di dời nhường chỗ cho công trình đường Dung Quất - Sa Huỳnh, nên được đền bù 320 triệu đồng. Nhà nước bố trí vào đây làm nhà. Mỗi lần làm, mỗi lần khó, nên cộng với số tiền dành dụm tôi cố gắng làm ngôi nhà này".

Theo Chủ tịch UBND xã Tịnh Long Nguyễn Anh Tuấn thì, khi xây dựng đường Dung Quất - Sa Huỳnh, xã có gần 200 hộ ở bốn thôn nằm trong diện di dời. Khi có chủ trương, đầu năm 2013, những hộ dân này đã sẵn sàng nhường đất vào khu tái định cư để xây dựng nhà ở. Đến nay, đa số bà con đã di dời hết vào khu tái định cư. Từ số tiền đền bù mỗi hộ khoảng 300 triệu đồng, cộng với số tiền dành dụm lâu nay nên đa số xây dựng nhà kiên cố. Diện mạo ở khu tái định cư này đã làm sáng một góc phía đông của TP. Quảng Ngãi khi xã Tịnh Long được sáp nhập.

Vẫn còn nhiều bất cập...

Tuy nhiên, ở khu “phố mới” này còn nhiều điều chưa ổn. Trái ngược với nhà to, cửa rộng thì cuộc mưu sinh của bà con còn rất bấp bênh. Bởi, hầu hết họ làm nông, cuộc sống chỉ dựa vào vài trăm mét vuông đất trồng rau, lấy phế phẩm nông nghiệp nuôi bò vẫn không thay đổi. Ai cũng tính toán, nguồn lợi từ hoa màu là để chi tiêu hằng ngày. Còn nuôi bò là của để dành cho việc lớn hơn như lo chuyện học hành của con cái, dự phòng khi ốm đau...

Theo thường lệ, tháng ba về là mùa nông dân gieo hạt, trồng cỏ nuôi bò. Ai ai cũng bộn bề công việc. Thế nhưng, trong những ngôi nhà to ở khu tái định cư này còn khá nhiều lao động đang ở tình cảnh “nông nhàn”. Anh Trần Văn Vân, cho rằng: "Nhà làm nông đã quen có con bò. Nuôi nó như nuôi con heo đất bỏ tiết kiệm hằng ngày. Giờ, đất không có để làm chuồng. Bò bán. Phế phẩm nông nghiệp cũng bỏ ngoài đồng. Việc gieo trồng chỉ trên diện tích mấy trăm mét vuông, nên làm xong là không biết phải làm gì!".

Anh Vân cũng giống bao hộ tái định cư khác. Trước đây, ở nơi cũ, đất rộng nên ai cũng làm chuồng trại nuôi bò. Kể từ ngày vào khu tái định cư thì bò bán vì không có đất làm chuồng. Có một số hộ khó khăn, tiếc những phế phẩm nông nghiệp bị bỏ lãng phí nên đã cố giữ lại vài con. Tuy nhiên, không có chỗ nhốt nên họ đành dắt ra ngoài bãi đất trống để cột nuôi. Bò không chịu nổi mưa nắng, họ lại đem vào sau nhà bếp để chăm sóc.  

Ở khu tái định cư này, có khoảng 200 hộ trong diện di dời thì chừng ấy hộ rơi vào cảnh thiếu đất sản xuất, chăn nuôi và trong số hộ này thì có khoảng 100 hộ có từ 2 - 3 gia đình sinh sống chung một nhà.

Trao đổi với ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Tịnh Long về hai vấn đề trên, ông Tuấn chia sẻ: "Xã đang kiến nghị lên chủ đầu tư và UBND tỉnh tiếp tục xét cấp thêm đất ở, hỗ trợ tiền cho những gia đình có hai, ba hộ sinh sống chung một nhà. Đối với những hộ có diện tích đất ở nơi cũ đã cấp đổi một lô ở khu tái định cư mà còn thừa hơn 100m2 thì sẽ bố trí đất ở khu tái định cư thêm một lô mới. Hiện xã cũng đã kiến nghị tỉnh xem xét chuyển đổi ngành nghề cho những hộ không có đất chăn nuôi; ưu tiên tạo việc làm ở các khu công nghiệp, hay giải quyết việc làm cho con em họ sau khi học ra trường"...


Bài, ảnh: TRƯỜNG AN
 


.