Mùa "trả nợ"

02:03, 09/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lên núi tìm đót, người dân ở Tây Trà phải vất vả lắm mới mang được đót xuống núi. Nhưng rồi, số đót dành để bán thì ít, mà dùng để “trả nợ” thì nhiều…

TIN LIÊN QUAN

Đang là mùa đót, nên dọc các nẻo đường từ Trà Phong đến Trà Quân… đót được mang phơi khắp mặt đường. Từng bó đót đã phơi khô được các đại lý thu mua xếp lại thành từng bó gọn gàng để chuyển về xuôi… Năm nay đót được giá hơn năm ngoái, mỗi ký đót tươi dao động từ 4.500 - 5.000 đồng.

Khệ nệ ôm bó đót nặng trĩu giữa trưa nắng gắt, chị Hồ Thị Huyền (thôn Trà Bao, xã Trà Quân) mỏi mệt: “Sức mình yếu, không đi được xa. Đót thì càng ngày càng ít, nên mỗi ngày chỉ kiếm được chưa tới 5kg đót”. Từ thôn Trà Bao, mất hai giờ đồng hồ, chị Huyền mới đến được khu vực núi có đót. Sau nhiều giờ tìm kiếm trên núi, chị Huyền chặt được 4kg đót tươi. Đối với chị Huyền, hôm nay đã là ngày thứ 10 đi hái đót, nhưng chị vẫn chưa gom đủ số đót cần có để “trả nợ”.  Chị Huyền cho biết: “Năm ngoái, mình ra cửa hàng mượn tạm 2 bao gạo về ăn. Người ta cho mình nợ, nhưng phải trả lại bằng đót. Cứ 3m đót thì đổi lấy 1 bao gạo. 50 kg đót tươi mới được 1m đót. Vì nhà neo người, sức khoẻ lại không được như thanh niên trai tráng, nên dù ngày nào cũng tìm đót, nhưng mình vẫn chưa gom đủ 300kg đót  để trả nợ 2 bao gạo đã mượn từ mùa trước…".

 

Mùa đót ở Tây Trà.
Mùa đót ở Tây Trà.


Vào tháng 4 âm lịch hàng năm, khi bắt đầu vào vụ lúa rẫy, người dân phải chờ đến tháng 11- 12 mới đến kỳ thu hoạch. Trong khi lương thực dự trữ lại không nhiều, vì thế tình cảnh phải chạy vạy mượn gạo diễn ra rất thường xuyên, nhất là đối với những gia đình đông con, nhưng thiếu lao động. Từ gạo cho đến các nhu yếu phẩm khác, bà con muốn mượn đều phải ký sổ và quy đổi bằng đót rồi trả dần. Tầm tháng 2 năm sau là mùa đót, rồi đến tháng 3 là mùa quế… đến khi nào trả xong nợ năm cũ, bà con mới bắt đầu dành dụm tiền để mua sắm các vật dụng cần thiết cho năm mới. Bà Hồ Thị Phương, ngụ thôn Trà Niêu, xã Trà Phong phân trần, cả năm gia đình bà chỉ trông chờ vào 1 sào lúa nước và lúa rẫy, nên tới mùa giáp hạt là phải đi mượn gạo để đắp đổi. Vì vậy, mùa đót năm nay, dù đã hơn 50 tuổi nhưng bà vẫn cùng người con trai lớn đi bộ hơn 5km đường núi để hái đót về trả nợ dần.

Chị Nguyễn Thị Chung, một tiểu thương buôn bán tại trung tâm xã Trà Quân chia sẻ: “Buôn bán ở đây gần 10 năm. Cứ tầm tháng 4 và tháng 10 âm lịch hằng năm, khi chưa đến mùa thu hoạch lúa rẫy là lại có hàng chục  người đến mượn gạo, mắm… rồi hẹn đến mùa đót sẽ dùng đót để trả. Mùa đót gom chưa đủ, thì lại đến mùa quế…  cứ giáp vòng cho đến khi nào hết nợ”.

Đến mùa lúa rẫy thì đi làm, hết mùa lại xoay sang trông chờ vào “lộc rừng” là cây đót, mật ong… nhiều người dân ở Tây Trà vẫn đang loay hoay tìm hướng phát triển kinh tế ổn định, bền vững. Đã từng có thời điểm, người dân phấn khởi khi được chính quyền địa phương cấp phát giống chuối Đồng Nai phát triển tốt trên điều kiện đất đai, thời tiết ở Tây Trà. Nhưng niềm vui chẳng tày gang. Khi chuối chín hàng loạt mà họ chẳng biết bán cho ai. Bán cho tiểu thương thì chỉ tiêu thụ được vài buồng nhỏ lẻ với giá rẻ, không đủ công vận chuyển. Vì vậy, dù đã nỗ lực, nhưng bài toán về cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo nguồn thu nhập cho người dân trang trải cuộc sống hằng ngày vẫn chưa có lời giải.

Theo thống kê của huyện Tây Trà, trong năm 2013, trên địa bàn huyện có 205 con trâu, 3.965 con bò, 4.327 con heo, 382 con dê… còn gia cầm cũng chỉ dừng lại ở con số 20.000 con, nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt cũng chỉ mới có 5ha. Tìm cây trồng phù hợp và thay đổi tập quán chăn nuôi theo kiểu thả rông để nâng cao chất lượng, hiệu quả chăn nuôi… dù khó khăn nhưng đang rất cần được giải quyết gấp rút. Bởi “lộc rừng” không phải lúc nào cũng sẵn có và người dân không thể chỉ biết trông chờ vào mùa đót, mùa mật ong…


Bài, ảnh: Ý THU


 


.