Đầu vụ đã gặp khó

08:03, 04/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vụ đông xuân năm nay, 245/250ha  lúa nước của nông dân huyện Tây Trà bị ảnh hưởng do thời tiết, sâu bệnh. Nỗ lực cứu lúa, nhưng người dân lại chẳng thể tìm được nơi để mua thuốc bảo vệ thực vật. Bởi trên địa bàn huyện đến nay vẫn chưa có cửa hàng vật tư nông nghiệp (VTNN)…

TIN LIÊN QUAN

245ha lúa bị ảnh hưởng

Ngao ngán bên ruộng lúa nước chỉ còn trơ trọi lại vài khoảnh lúa, bà Hồ Thị Thu (thôn Trà Nga, xã Trà Phong) cho biết: “Cả tháng nay, lúa úa vàng rồi chết. Cả đám ruộng giờ chỉ còn một góc lúa này. Giờ cứu được cây nào hay cây đó”. Không riêng gì ruộng lúa của bà Thu, mà hàng loạt ruộng lúa nước khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Tuy lượng lúa bị hư hại đã quá nửa, nhưng bà con vẫn cố gắng nhổ cỏ, dặm thêm vào những khoảng trống để vớt vát vụ lúa đông xuân.

Lúa chết do ảnh hưởng bởi đợt không khí lạnh và nạn bọ trĩ.
Lúa chết do ảnh hưởng bởi đợt không khí lạnh và nạn bọ trĩ.


Trao đổi về vấn đề này, ông Hồ Văn Thuật - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Trà Phong cho biết: “Đầu vụ, thời tiết lạnh bất thường nên lúa chậm phát triển. Tiếp theo đó, thời tiết lại nắng ấm nên bọ trĩ có dịp bùng phát, hại lúa trên diện rộng”. Theo ông Thuật, tính đến thời điểm này, riêng xã Trà Phong có khoảng 45ha lúa ngưng phát triển hoặc hư hại do thời tiết và bọ trĩ.

Ông Phan Văn Hiền, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tây Trà cho biết: “Vụ đông xuân năm nay, toàn huyện có 245ha lúa nước bị ảnh hưởng bởi đợt lạnh và bọ trĩ. Hiện địa phương đang gấp rút hướng dẫn người dân cách chăm sóc, trị bệnh để lúa có thể phát triển trở lại”.

“Trắng” cửa hàng vật tư nông nghiệp

Mặc dù  thường xuyên phải đối  mặt với nhiều loại sâu bệnh, nhưng hiện tại, bà con nông dân trên địa bàn huyện Tây Trà chỉ mới có thể trông chờ cơ quan chức năng cấp thuốc, chứ chưa thể tự mua. Vì toàn huyện Tây Trà vẫn chưa có cửa hàng VTNN. Lý giải về vấn đề này, ông Trần Quang Đức - Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Tây Trà cho biết: "Trước đây, huyện cũng có cửa hàng VTNN, nhưng vì người dân không có nhu cầu nên không thể tiếp tục hoạt động. Mãi đến thời gian gần đây, người dân mới bắt đầu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và đến Trạm khuyến nông để hỏi, nhưng chúng tôi lại chưa có để cung cấp”.

Không tìm được nơi để mua thuốc bảo vệ thực vật, diệt trừ sâu hại, bà Hồ Thị Thanh (xã Trà Phong) đành tự mô tả về tình hình sâu bệnh hại lúa và nhờ những người bán hàng lưu động về xuôi mua giúp. Nhưng rồi, dù đã sử dụng cả hai chai thuốc sâu, nhưng lúa vẫn cứ chết dần. “Phải chi mà ở đây bán, thì chỉ cần nhổ cây lúa ra cho họ xem là họ biết bị bệnh gì rồi bán thuốc. Giờ  mất 80 ngàn tiền gởi mua thuốc, mà lúa vẫn không sống được”- bà Thanh phân bua.

Không có nơi bán VTNN, bà con nông dân huyện Tây Trà đang gặp phải rất nhiều khó khăn khi muốn phát triển, mở rộng các mô hình trồng trọt để nâng cao đời sống.

Thu hoạch lúa… cho bò

Những ngày này, đi về xã Bình Phước (Bình Sơn), dễ dàng nhận ra nhiều diện tích lúa trên các cánh đồng đã ngả màu vàng úa. Nhiều nông dân ra đồng làm công việc “bất đắc dĩ” là cắt lúa về cho bò ăn.

Quệt vội mồ hôi đang lăn trên đôi gò má đã sạm đen vì nắng, ông Nguyễn Cường ở thôn Phước Thọ 1, xã Bình Phước ngậm ngùi chia sẻ: “Nhà chỉ có hơn 3 sào lúa, vậy mà đã có 2 sào bị mất trắng rồi. Thôi thì bây giờ đành phải cắt về cho bò ăn chứ để khô ngoài đồng không khéo bò cũng chẳng được ăn”.

Cách đó không xa, thửa ruộng của chị Bùi Thị Ánh Tuyết cũng rơi vào cảnh tương tự. Nhìn đám ruộng chỉ lưa thưa vài bông lúa, chị Tuyết buồn bã: "Làm cực khổ 3 tháng trời,  mong lúa được mùa. Vậy mà vụ này coi như bỏ biển hết rồi. Dù không muốn nhưng cũng đành cắt lúa lấy rạ thôi. Lúa ở đây chỉ làm được có vụ này, thế mà mất trắng...".

Không chỉ riêng gia đình ông Cường, chị Tuyết mà hàng trăm hộ dân ở xã Bình Phước cũng rơi vào cảnh mất trắng. Theo người dân nơi đây, do năm nay thời tiết thất thường, trời lạnh quá lâu, khiến lúa không thể trổ bông. Bên cạnh đó lại thiếu nước, sâu bệnh, chuột cắn phá nên cây lúa khó mà phát triển.

Ông Nguyễn Quang Vũ – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phước cho biết: Bình Phước hiện có 70ha lúa thuộc diện hưởng nước trời, trong đó có 40ha lúa chỉ làm 1 vụ. 30ha còn lại làm 2 vụ nhưng vẫn không chắc do ruộng chân cao nên nguồn nước tưới không đảm bảo. Thế nhưng người dân vẫn không thể chuyển đổi cây trồng khác, vì diện tích này tuy thiếu nước vào mùa nắng, nhưng lại ngập úng nếu mưa nhiều nên chỉ có cây lúa là phù hợp.

So với lúa gieo sạ ở ruộng, thì lúa gieo trên diện tích chân đất cát pha cho năng suất không cao bằng. Song nếu tính bình quân mỗi sào được 6 bao lúa thì vẫn mang lại hiệu quả. Tuy nhiên vụ mùa năm nay, 40ha lúa của bà con nơi đây gần như mất trắng, người dân đành cắt cho bò ăn. Một số diện tích khác cũng đang trong tình trạng thiếu nước tưới. Nếu thời tiết tiếp tục hanh khô thì khoảng 30ha lúa 2 vụ của nông dân cũng sẽ bị đe dọa.

Bài, ảnh: Ý THU- H.HOA

 


.