Bảo vệ gia cầm, đừng quên gia súc

09:03, 05/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù 348.550 con heo và 240.150 con trâu, bò đã được tiêm vắc xin phòng các bệnh dịch tả, lở mồm long móng (LMLM) đợt 2 năm 2013, nhưng hiện giờ, trời lạnh đột ngột kèm với bò của tỉnh lân cận là Quảng Nam mắc bệnh LMLM nên công tác bảo vệ đàn gia súc đang được người chăn nuôi trong tỉnh tích cực thực hiện.

Đồng bằng: Tiêm thuốc, bao chuồng bảo vệ gia súc

Đó là cách mà những hộ chăn nuôi thực hiện để bảo vệ sức khỏe cho đàn gia súc giữa tiết trời mà họ bảo “người cũng mệt mỏi, huống chi trâu, bò, heo”. Thế nên, dù trời đã hửng nắng, nhưng chuồng heo lẫn trâu, bò của nhiều hộ vẫn kín như bưng. Thậm chí có hộ còn không cho người lạ đến gần chuồng gia súc vì sợ lây bệnh. Chẳng thế mà ông Lê Tuấn Nhật ngụ thôn Thanh Long, xã Đức Thắng (Mộ Đức) vẫn khăng khăng “cấm cửa” không cho khách đến gần chuồng heo nhà ông. Lý giải sự cẩn thận có vẻ quá mức này, ông Nhật bảo, hiện giờ, ngoài chục con heo thịt sắp xuất chuồng thì trong nhà còn có 4 con bò lớn và 2 con nghé được 3 tháng tuổi. Với một nông dân như ông Nhật, số lượng heo, bò trên là một khối tài sản quá lớn. Thế nên “tui phải cẩn thận. Chứ xui rủi mà đàn heo với trâu, bò dính bệnh là cả nhà tui chết đói chứ chẳng chơi”, ông Nhật bảo.

Dù đàn trâu xù lông, ốm vì lạnh, thiếu ăn nhưng ông Hừ vẫn thả rông, hiếm khi lùa về chuồng.
Dù đàn trâu xù lông, ốm vì lạnh, thiếu ăn nhưng ông Hừ vẫn thả rông, hiếm khi lùa về chuồng.


Đồng quan điểm với ông Nhật, bà Nguyễn Thị Hương ở xã Phổ An-địa phương có đàn gia súc nhiều nhất nhì huyện Đức Phổ cũng bảo rằng, trước và sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, tiết trời “chướng” theo kiểu sáng sương mù, trưa nắng gắt, chiều tối lạnh buốt. Vì vậy mà đàn bò 5 con nhà bà lắm lúc cũng bỏ ăn, xù lông run lập cập. Để bảo vệ cho chúng, bà Hương vừa căng bạt bao chuồng tránh gió, vừa bổ sung thức ăn tinh như bột cám, bột bắp; rồi nhờ cán bộ thú y xã đến tiêm vắc xin phòng bệnh dù biết… chưa đến lịch!

Còn với nhiều hộ chăn nuôi heo thì họ lại bảo vệ chúng theo cách khác. Đó là đến UBND xã “đặt hàng” vắc xin phòng bệnh tai xanh và 3 bệnh phó thương hàn, dịch tả, tụ huyết trùng. Lý do, khi bộ 3 bệnh trên cùng phát sinh sẽ dễ khiến heo bị dịch tai xanh tìm đến. Thế nên dù Nhà nước chỉ hỗ trợ vắc xin phòng bệnh tai xanh và dịch tả, nhưng hiện giờ nhiều hộ chăn nuôi đã nhờ thú y xã mua thêm loại phó thương hàn và tụ huyết trùng. Vì nói như ông Nhật là “tốn thêm vài chục nghìn nhưng heo khỏe, mình cũng yên tâm”.   
   
Miền núi: Chủ quan

Trong khi người dân đồng bằng dốc sức bảo vệ đàn gia súc, thì ở một số địa phương miền núi, bà con có vẻ không bận tâm. Điều này thể hiện qua việc gia súc “ngày đi ăn, tối ngủ ngoài trời” mặc dù về đêm, trời lạnh buốt vì gió và sương phủ đậm đặc, nhất là ở các xã vùng cao.

Có mặt tại làng Cà Xen, xã Long Môn (Minh Long) vào sáng sớm ngày 21.2, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi gặp cảnh từng đàn trâu, bò xù lông, uể oải đánh vật với đám sương mù cùng cái lạnh của núi rừng sau một đêm ăn bờ, ngủ bụi. Điều lạ là dù biết và thấy trâu, bò như thế sẽ dễ ốm, rồi sinh bệnh, nhưng bà con nơi đây lại hồn nhiên bảo rằng: “Nó ở thế quen rồi mà. Không chết đâu!”. Thậm chí, ông Đinh Văn Hừ ở làng Cà Xen còn nói chắc như đinh đóng cột rằng: “Ba con trâu nhà này khỏe lắm, chưa bị bệnh bao giờ”. Có lẽ vì lý do này nên dù đã nuôi trâu hàng chục năm nay, nhưng hiếm khi ông Hừ lùa trâu về nhà, trừ những lúc “bị” cán bộ thôn, xã lên tận nhà yêu cầu khi tiết trời lạnh cao điểm hoặc dịch bệnh bùng phát.

Quả thật, trâu bò ở tạm một vài ngày ngoài rừng thì chẳng đến nỗi phải chết. Nhưng nếu chúng cứ được tự do như thế, cộng với việc bà con nuôi theo kiểu “để gia súc tự lên rừng kiếm ăn” thì trâu, bò không bệnh cũng ốm yếu, hoặc chậm lớn, là điều kiện để dịch bệnh tấn công. Vì vậy, cùng với việc tập trung khống chế, không để dịch cúm A/H5N1 tiếp tục phát sinh và lây lan trên gia cầm thì, ngành thú y và các cơ quan chức năng cũng đừng quên đàn gia súc. Theo đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân, nhất là khu vực miền núi thực hiện các biện pháp giữ ấm, bổ sung thức ăn, rồi không để gia súc ăn ngủ ngoài rừng… nhằm tránh dịch bệnh tấn công, gây thiệt hại không đáng có.
                 

Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.