Nông dân xuống đồng đầu năm

01:02, 14/02/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Sau những ngày vui Tết, đón xuân, nhiều hộ nông dân đã xuống đồng chăm sóc lúa, hoa màu đông xuân. Trên nhiều cánh đồng, đâu đâu cũng bắt gặp không khí lao động khẩn trương của người nông dân. 

TIN LIÊN QUAN

Ngay từ sáng sớm đã nhộn nhịp tiếng bước chân, tiếng cười nói của bà con nông dân trên đồng. Người thì dặm lúa, phun thuốc, bón phân, đưa nước vào ruộng, kiểm tra chuột, người thì nhổ cỏ cho bắp, đậu, rau màu. Bởi họ hiểu rằng, chúng là nguồn sống chính của gia đình. Trong sản xuất nông nghiệp, việc chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật có ý nghĩa quan trọng không những đến quá trình sinh trưởng của cây trồng mà còn là yếu tố mang tính quyết định đến năng suất.
 
Tay đều đặn bón từng nhúm phân xuống mặt ruộng lúa, anh Hoàng Tấn Phi ở thôn Thống Nhất, xã Tịnh Ấn Tây, Sơn Tịnh cho biết: “Mấy ngày qua ngày nào tôi cũng ra thăm đồng để kịp thời phát hiện sâu bệnh. Bà xã mới tỉa dặm vào mùng 4 Tết nên phải bón thêm ít phân để cây lúa phát triển tốt”.
 
Bà con nông dân ra đồng chăm sóc lúa.
Bà con nông dân ra đồng chăm sóc lúa.
 
Cách đó không xa, gia đình anh chị Trần Thị Mai cùng nhiều hộ dân khác cũng chạy đua với thời gian để làm cỏ, bắt sâu trên ruộng bắp. Dừng tay uống ngụm nước, chị Mai hồ hởi chia sẻ: “Đây là thời kỳ cao điểm, tranh thủ nguồn lao động có sẵn khi các con chưa đi vào Nam buôn bán nên mình phải tạm gác việc vui xuân để ra đồng. Thực hiện đúng quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn là tốt nhất”.
 
Nếu trước Tết, không khí lao động khẩn trương bao trùm trên khắp các cánh đồng, thì sau Tết, khí thế ấy càng trở nên náo nức, bởi nhiều gia đình vừa trải qua một cái Tết đoàn viên, đầm ấm.
 
Rời cánh đồng thôn Thống Nhất, chúng tôi đến Trạm BVTV huyện Sơn Tịnh, tại đây chúng tôi gặp nhiều nông dân mang mẫu lá bị bệnh đến nhờ cán bộ bảo vệ thực vật chẩn đoán sâu bệnh, hướng dẫn cách phòng trừ. Người nông dân hiện nay không còn phó mặc cho ngành nông nghiệp mà chủ động phối hợp với cơ quan chức năng trong việc chăm sóc vụ mùa để cho kết quả cao nhất.
 
Ông Trương Đấu- Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Sơn Tịnh cho hay, hiện nay diện tích lúa, rau màu bị chuột gây hại trên địa bàn giảm 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ trận lụt vừa qua đã làm chết chuột, hơn nữa thuốc diệt chuột sinh học được bà con sử dụng rộng rãi đã phát huy hiệu quả thiết thực.
 
Theo ngành BVTV, mặc dù nạn chuột cắn phá đồng ruộng giảm đáng kể, nhưng bà con nông dân không nên chủ quan. Cây lúa trong giai đoạn đẻ nhánh đến đứng cái làm đòng nếu phát hiện chuột gây hại, bà con nông dân cần diệt chuột bằng nhiều biện pháp, chú ý đến biện pháp đặt bã sinh học, biện pháp thủ công đào hang bắt chuột để hạn chế sự gây hại làm ảnh hưởng đến sự phát triển và năng suất lúa ở cuối vụ.
 
Những ngày này, thời tiết có sương mù vào sáng sớm và có mưa phùn, trên diện tích lúa thừa đạm (trước Tết bón 2 lần phân) rất dễ mắc bệnh đạo ôn, gây cháy lá. Bà con cần thường xuyên thăm đồng, phát hiện vết bệnh, dừng bón tất cả các loại phân, giữ nước trong ruộng và dùng các loại thuốc đặc trị để phun trừ bệnh.
 
Ngoài ra các loại sâu cuốn là nhỏ, sâu năn, dòi đục nõn, bọ trĩ… trên cây lúa; bệnh thán thư, sâu xám, sâu khoang… gây hại trên cây rau màu. Với từng loại sâu bệnh, nếu mật độ sâu, tỷ lệ bệnh sâu, bà con cần sử dụng thuốc đặc trị để hạn chế thiệt hại năng suất, tránh lây lan ra diện rộng. Khi phun thuốc, bà con cần tuân thủ theo đúng quy trình hướng dẫn trên bao bì và trang bị bảo hộ lao động để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe.
 
Với sự sát sao của cơ quan chức năng trong công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp và sự chủ động bắt tay ngay vào sản xuất sau Tết của bà con nông dân, hi vọng vụ đông xuân này, bà con nông dân sẽ có mùa vàng bội thu.
 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều
 

.