Mùa tôm…

03:02, 23/02/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày giữa tháng Giêng, trong khi các ngành nghề khác tranh thủ vào vụ sản xuất mới thì những người nuôi tôm ở xã Tịnh Khê (Sơn Tịnh) bước vào vụ thu hoạch. Một khí thế phấn khởi, tôm được mùa, được giá đầu năm khiến hàng chục hộ nuôi tôm ở đây phấn khởi. Phong trào nuôi tôm ở khu vực này đang được phục hồi theo cách nuôi mới, mang lại hiệu quả cao, ít rủi ro.

TIN LIÊN QUAN

Chiều muộn, những tia nắng yếu ớt xuyên qua những rặng dừa nước ở vùng quê Cổ Lũy. Trên những đầm tôm, người trên bờ, kẻ dưới nước tranh thủ thu gom tôm trước lúc trời tối. Vùng quê yên ả lúc về chiều trở nên nhộn nhịp, tiếng cười nói râm rang. Được mùa…

Lộc bất ngờ

Tại hồ tôm của anh Lê Văn Tuấn ở xóm Khê Thành A, bà con tranh thủ vớt những con tôm cuối cùng khi mặt trời đã sắp tắt. Trong câu chuyện rôm rả của những người tham gia thu hoạch tôm, mọi người không ngớt lời đùa vui: Rằng thì “chỉ cần vụ này là vợ chồng ăn chơi cả năm”, nào là “trúng lớn phải khao bia thôi…”. Trong khi vợ chồng anh Tuấn thì luôn miệng tươi cười vì được mùa. Hồ tôm chừng hơn 1 sào, trong khi những mẻ lưới chưa kết thúc thì trên bờ đã báo cân được 1,7 tấn.

 

Những mẻ tôm được vớt lên tại hồ nuôi của gia đình anh Lê Văn Tuấn.                                 Ảnh: X.THIÊN
Những mẻ tôm được vớt lên tại hồ nuôi của gia đình anh Lê Văn Tuấn. Ảnh: X.THIÊN


Một không khí thật phấn khởi lúc chiều tà ở vùng quê yên bình khiến chúng tôi cùng vui lây. Người ta chia vui với gia đình anh Tuấn, bởi có được thành quả của vụ tôm này, anh phải trải qua những thời điểm bi đát trong cuộc đời. Để có tôm thu hoạch đợt này, anh đã thả nuôi vào thời điểm đầu tháng 11 năm ngoái. Khi vừa thả giống được ít ngày thì trận lũ quét qua. Cả cánh đồng tôm bị nhấn chìm. Hồ bị vỡ nhiều đoạn. Thất vọng, anh định bỏ luôn vụ này vì nghĩ rằng tôm đã bị nước lũ cuốn trôi. Thế nhưng, khi cơn lũ đi qua, kiểm tra lại hồ thì thấy tôm giống vẫn còn. Và anh quyết định tiếp tục chăm sóc để vớt vát lại. Nhưng giờ thu hoạch, một số lượng tôm được vớt lên đến gần 2 tấn khiến cả làng đều bất ngờ. Bình thường, với diện tích hồ nuôi khoảng 1 sào thì cũng chỉ thu hoạch được 1,5 tấn tôm thịt. Nhưng mức trung bình này không còn đúng thực tế với vụ tôm đầu tiên mang lại nhiều cảm xúc cho gia đình anh Tuấn.

Nuôi tôm cũng giống như đánh bạc vậy, không chỉ lo lắng về dịch bệnh, giá cả mà sản lượng cũng là điều bí ẩn đối với người nuôi. Chỉ đến lúc thu hoạch, tôm được vớt lên khỏi hồ và đưa lên cân thì mới biết được năng suất và sản lượng. Thường thì người ta tiên đoán, ước chừng tôm trong hồ luôn thấp hơn thực tế. Sự vui mừng khó tả của vợ chồng anh Tuấn khi thành quả đã trông thấy tận mắt. Các thương lái thu mua tại hồ anh Tuấn là 135.000 đồng/kg. Với gần 2 tấn tôm, anh Tuấn thu về gần 300 triệu đồng, trừ chi phí anh có lãi hơn 150 triệu đồng trong vòng 3 tháng nuôi, với diện tích 500m2 hồ. Một nguồn thu nhập rất lớn đối với nông dân. Với thắng lợi lớn của gia đình anh Tuấn, nhiều chủ hồ trong khu vực rất tin tưởng và cầu mong trong vài ngày đến, việc thu hoạch của mình cũng đạt năng suất cao.

Hồi phục nghề nuôi tôm

Những năm gần đây, tình hình nuôi tôm ở vùng ven biển xã Tịnh Khê rất im hơi lặng tiếng, dịch bệnh liên tục do nguồn nước ô nhiễm, rồi giá cả bấp bênh khiến nhiều người treo hồ. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, nhiều người âm thầm khôi phục lại hồ, một số khác vào khu vực đầu nguồn sông Kinh phía cửa Đại để mua đất làm hồ tôm. Việc làm hồ truyền thống theo kiểu đào âm xuống đất và tận dụng nguồn nước sông Kinh để nuôi tôm đã không còn được lựa chọn. Thay vào đó là họ làm hồ nổi, bằng cách dùng bao cát quây quanh chất lên sau đó lót bạt chống thấm.

 

Để tránh dịch bệnh từ môi trường bên ngoài, người ta khoan giếng để bơm trực tiếp vào hồ. Nguồn nước bên ngoài môi trường sông không còn được sử dụng như trước. Nhờ đó, dịch bệnh giảm đáng kể, những vụ tôm liên tục được mùa. Nhiều người trở nên khá giả. Từ đó, phong trào nuôi tôm ở phía đông nam của xã Tịnh Khê đang được phục hồi mạnh mẽ.

Nhiều người dân ở thôn Cổ Lũy đầu tư xây hồ mới quyết tâm nuôi tôm để làm giàu.
Nhiều người dân ở thôn Cổ Lũy đầu tư xây hồ mới quyết tâm nuôi tôm để làm giàu.


Tại khu vực xóm Khê Tân, thôn Cổ Lũy. Trước đây, có rất ít hộ nuôi tôm, còn bây giờ đã có gần chục hồ nuôi mới được hình thành. Anh Trần Văn Tư, đang thuê người hoàn thành hồ nuôi của mình cho biết, mấy năm trước làm nghề đánh bắt, thấy mấy hộ nuôi tôm gần nhà làm ăn được nên năm nay anh quyết định giao tàu cá lại cho người thân, còn anh ở nhà đầu tư nuôi tôm. 3 sào đất anh mua gần 150 triệu đồng, tiền mua cát, mua bao, thuê nhân công… để xây hồ hơn 300 triệu đồng để hoàn thiện nữa. Tính ra tiền đầu tư hoàn thành hồ nuôi không dưới 500 triệu đồng.

Tuy đầu tư lớn như vậy, nhưng anh rất hy vọng, nếu trời thương thì chỉ cần một vụ là có thể thu lại vốn. Anh Tư dẫn chứng, quanh hồ anh đã có 3 chủ hồ nuôi đã được 2 năm rồi, năm nào cũng thu về cả tỉ đồng. Ở khu vực này, người ta nuôi tôm quanh năm, mỗi năm 3 vụ. Như vậy có thể trong một năm là đã có lãi lớn. Nghĩ vậy nên anh quyết định đầu tư số tiền hơn nửa tỷ đồng để nuôi tôm. Hồ tôm của anh được làm kiên cố nhất vùng. Bởi gần 2 tháng nay, hàng chục lao động liên tục làm việc bằng cách dồn cát vào bao và quây quanh bờ hồ. Từ mảnh đất bằng phẳng hiện nay bờ hồ đã cao hơn 2m. Mặt rộng bờ hồ khoảng 2m được đắp bằng 2 lớp bao quay phía trong và ngoài, ở giữa dồn đất.

Đi dọc phía đông bờ sông Kinh thuộc khu vực xã Tịnh Khê, trong khi nhiều chủ hồ phấn khởi thu hoạch vụ tôm đầu năm với thành công lớn thì nhiều hộ dân khác đang khẩn trương hoàn thành hồ nuôi của mình để kịp xuống giống vào tháng 2 âm lịch. Người nuôi tôm nơi đây hy vọng một thời kỳ vàng son cho nghề nuôi tôm ở vùng ven biển này trở lại.


Bài, ảnh: X.THIÊN – L. ĐỨC  
 


.