Những "bà đỡ" của nông nghiệp

07:01, 16/01/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lợi nhuận thấp, rủi ro cao vốn là rào cản khiến ngành sản xuất nông nghiệp luôn phải “đi trước về sau”. Để thay đổi điều này, nhiều chương trình, chính sách trợ lực cho ngành nông nghiệp đã lần lượt ra đời và hứa hẹn những đột phá…

Khung chắc…

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2010 - 2015 nêu rõ: “Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với giải quyết tốt vấn đề nông dân và xây dựng nông thôn mới, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian đến”. Cụ thể hóa nhiệm vụ này, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững (Đề án) nhằm xác định quy mô, số lượng và cách thức phát triển của từng ngành, lĩnh vực chủ lực sao cho phù hợp với đặc điểm tập quán, điều kiện khí hậu và tiểu khí hậu ở mỗi địa phương, vùng miền.

 

Nhờ sự hỗ trợ của các chương trình, nhiều vườn tạp trở thành vườn cây ăn quả cho thu nhập cao.
Nhờ sự hỗ trợ của các chương trình, nhiều vườn tạp trở thành vườn cây ăn quả cho thu nhập cao.


Thế nên Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô cho rằng: “Đây là điều kiện để tạo khung, định hình lại vóc dáng cho nông nghiệp”. Lý do lâu nay, việc phát triển nông nghiệp chỉ tập trung theo hướng số lượng, chưa chú trọng đến chất lượng. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi lung tung, chưa xác định cụ thể loài hoặc đối tượng đặc thù cho từng khu vực nông thôn, miền núi. Và hậu quả tất yếu là sản xuất nhiều nhưng hiệu quả chẳng bao nhiêu, nông dân thậm chí lỗ.

Đơn cử như khu vực miền núi. Vì muốn giúp nông dân nâng cao hiệu quả cũng như cải thiện kỹ thuật sản xuất nên một thời gian dài, chính quyền các cấp đã đẩy mạnh việc du nhập những loài động thực vật ngoại lai. Tuy nhiên, với trình độ canh tác của nông dân còn thấp, điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu khắc nghiệt nên khi bò, heo hay vịt lai về núi, chúng không chết cũng sống còi cọc. Từ bài học này, ông Dương Văn Tô kết luận: Phát triển chăn nuôi miền núi phải lấy con trâu làm chủ lực. Riêng về giống, ưu tiên loại bản địa, cả con trâu lẫn các đối tượng gia súc gia cầm (GSGC) khác.

Khác với miền núi, nông dân vùng đồng bằng đã và đang thay đổi phương thức, mục đích sản xuất theo hướng hàng hóa. Tức sản lượng phải đi kèm chất lượng. Ấy nên những cánh đồng lúa chất lượng cao, cánh đồng mẫu lớn; rồi vùng sản xuất rau an toàn hay chăn nuôi theo hướng công nghiệp… lần lượt ra đời, giúp nông dân gia tăng lợi nhuận.

Tuy nhiên, dù khởi sắc nhưng SXNN tỉnh ta vẫn chưa thoát khỏi tình trạng manh mún, nhỏ lẻ. Đó là tiến độ dồn điền đổi thửa và áp dụng cơ giới vào sản xuất còn chậm. Rủi ro sau thu hoạch lớn. Bảo quản nông sản chưa được quan tâm… Vì vậy hiệu quả thực tế chưa cao. Do đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ nhận định rằng: “Đã đến lúc phải cho nông nghiệp một cái khung chắc bằng cách tập trung phát triển ngành mũi nhọn của tỉnh mà thị trường có nhu cầu; đồng thời quy hoạch sản phẩm trí tuệ của người dân và địa phương trên các lĩnh vực nông- lâm - ngư”.

…để phát triển bền

Chuyện làm ăn, phát triển của anh Trương Văn Thẩm ngụ thôn Tân Phú 2, xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành) cho thấy vai trò của “bà đỡ”. Khu vườn của anh giờ bao trùm màu đỏ của thanh long; xanh của mãng cầu, tiêu và keo. Anh cho biết bước ngoặt khiến anh biến cái nơi “khỉ ho cò gáy” này thành vựa cây trái bạt ngàn như hôm nay. Sau khi 200 gốc thanh long ban đầu kết trái, anh dặn mình phải “ăn chắc mặc bền”, nên dù được tạo điều kiện vay vốn mở rộng sản xuất, anh cũng chẳng màng. Thế nhưng, sau một thời gian, 200 gốc thanh long ấy không đủ cung ứng quả lẫn giống cho bạn hàng, ý định “làm ăn lớn” đã ra đời. Để có vốn, anh Thẩm phải cầu cứu ngân hàng theo diện hộ nghèo, rồi vay phát triển nông nghiệp với lãi suất thấp. “Nhờ vậy nên giờ mình mới có vườn cây, cặp bò thế này ý chứ”, anh Thẩm nói.

Niềm vui được mùa của nông dân miền núi.
Niềm vui được mùa của nông dân miền núi.


Chuyện vay vốn của anh Thẩm có liên quan đến con số dư nợ hơn 4.100 tỷ đồng mà chương trình cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn - là chính sách trợ lực cho nông dân có được trong năm 2013. Bởi con số trên đã cho thấy, nông dân không còn thờ ơ với sự trợ lực này khi cần vốn phát triển sản xuất. Vì theo Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT – Chi nhánh Quảng Ngãi Phạm Duy Hùng: “Nông dân ngại nhất là lãi suất và thủ tục hồ sơ vay vốn. Nhưng với mức lãi suất ưu đãi, thời gian giải quyết thủ tục rút ngắn nên họ sẽ tìm đến Chương trình cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn nhiều hơn”.

Trong khi chương trình trên trợ sức nông dân ở phương diện vốn thì, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới lại giúp bà con, nhất là khu vực miền núi có cơ hội đổi đời. Bởi NTM là chương trình tổng thể, chủ lực nhằm xốc lại ngành nông nghiệp với mục tiêu duy nhất là cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống nông dân. Từ đó rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Thực hiện mục tiêu này, 3 năm qua, Quảng Ngãi đã huy động và bố trí hơn 2.800 tỷ đồng để đầu tư hoàn thiện  hạ tầng, giao thông nông thôn; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm cho lao động nông thôn…
    
Có thể nói, sau khi Nghị quyết TƯ 7, khóa X ra đời đã kéo theo hàng loạt “bà đỡ” giúp nông nghiệp vươn lên, nhất là Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Bởi sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết này, SXNN từng bước gắn kết với công nghiệp chế biến và nhu cầu thị trường; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông – lâm - ngư nghiệp bình quân đạt 5,1%/năm, giá trị sản xuất bình quân đạt 39,4 triệu đồng/ha. Và toàn tỉnh có 8 xã đạt 9 - 12 tiêu chí và 101 xã đạt 5 - 8 tiêu chí NTM. Thế nên khi nói về các “bà đỡ” này, Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô khẳng định: “Đó chính là điểm tựa giúp nông nghiệp phát triển, nông thôn đổi mới để nông dân đổi đời”.

 

Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.