(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, hệ thống cảng biển Dung Quất liên tục tăng lượng hàng hóa qua cảng và lọt vào top 5 cảng biển về quy mô khai thác trong cả nước. Những dấu hiệu khởi sắc của hệ thống cảng biển Dung Quất trong thời buổi kinh tế gặp nhiều khó khăn là tín hiệu đáng mừng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đứng đầu khu vực miền Trung
Trong 3 năm qua, phát huy lợi thế cảng biển nước sâu, hệ thống cảng biển Dung Quất tiếp tục là nơi tiếp nhận và xuất khẩu hàng hóa ra thị trường. Nếu như kết thúc năm 2011, khoảng 8 triệu tấn hàng hóa thông qua hệ thống cảng Dung Quất, thì đến năm 2012, có trên 12,5 triệu tấn hàng hóa xuất nhập qua cảng. Đặc biệt, trong năm 2013, cảng Dung Quất tiếp nhận, vận chuyển gần 15 triệu tấn hàng hóa.
Tàu cập Cảng Gemadept Dung Quất để nhận hàng. |
Ông Lê Văn Dũng- Phó ban Quản lý KKT Dung Quất, cho biết: Năm 2013, cảng Dung Quất đạt sản lượng lớn về quy mô và lượt tàu ra vào trong cả nước, chỉ sau cảng Sài Gòn, Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Ninh và đứng đầu khu vực miền Trung. Dự báo, năm 2014, lượng hàng hóa qua cảng Dung Quất sẽ tiếp tục tăng khi nhiều nhà máy may mặc, giày da, chế biến thủy sản đưa vào hoạt động ở khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP Quảng Ngãi).
Theo thống kê của Cảng Dung Quất, cả năm 2013 có hơn 230 lượt tàu cập vào. Lượng hàng lớn nhất là dầu thô, các sản phẩm xăng, dầu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất với hơn 11 triệu tấn; 3 triệu tấn thiết bị công nghiệp nặng; gỗ dăm xuất khẩu, thiết bị công nghiệp nhẹ...
Cảng biển loại I
Trong chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh Quảng Ngãi đến 2020, hệ thống cảng biển Quảng Ngãi sẽ tiếp tục được đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng chuyên dụng, gắn với phát triển hậu cần cảng đáp ứng yêu cầu phát triển KKT Dung Quất. |
Trong thời gian đến, hệ thống cảng biển Dung Quất có nhiều cơ hội để vươn lên, xứng tầm với tiềm năng của mình. Trong đó, phải kể đến quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dung Quất là một trong 14 cảng biển loại I của Việt Nam. Theo quyết định này, từ tháng 1.2014, Việt Nam có 44 cảng biển gồm 14 cảng loại I, 17 cảng loại II và 13 cảng loại III. Trong đó, cảng biển loại I phục vụ chủ yếu cho việc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng. Quyết định nêu rõ, mục đích của phân loại cảng biển Việt Nam nhằm tổ chức quản lý quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng và quản lý khai thác cảng biển phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế, thông lệ hàng hải quốc tế có liên quan.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt quy hoạch mở rộng KKT Dung Quất từ 10.300 ha lên 45.332 ha; hình thành thành phố công nghiệp mở Vạn Tường, Trung tâm lọc hóa dầu quốc gia gắn với cảng nước sâu Dung Quất 2. Đây là nhân tố quan trọng để hình thành Tổ hợp công nghiệp nặng Dung Quất 2 gắn với sân bay quốc tế Chu Lai là động lực phát triển cho Dung Quất thời gian tới.
Theo ông Lê Văn Dũng, sự ra đời của cảng biển nước sâu và KKT Dung Quất là chiếc chìa khóa mở ra sự phát triển về kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi, động lực cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Cảng Dung Quất 2 là dự án quan trọng đối với Quảng Ngãi và khu vực miền Trung. Bởi thực tế hiện nay, cụm cảng Dung Quất 1 đã kín chỗ với sáu bến cảng: Cảng xuất sản phẩm Nhà máy lọc dầu, bến chuyên dụng Doosan Vina, cảng dịch vụ PTSC, cảng quốc tế Gemadept, Nhà máy đóng tàu Dung Quất và cảng dự phòng cho dự án nhà máy thép. “Để vươn ra biển lớn, Dung Quất phải làm nhiều việc, nhưng quan trọng nhất là khởi động sớm Cảng Dung Quất 2. Bởi lẽ, nếu không có cảng nước sâu này Dung Quất mãi mãi chỉ là một khu công nghiệp của lọc hóa dầu và một vài dự án công nghiệp nặng”- ông Dũng khẳng định.
Hiện nay, Cảng Dung Quất 2 đã được quy hoạch chi tiết 1/2.000 có quy mô rộng 1.500 ha mặt biển giáp bờ với hai xã Bình Châu, Bình Phú (Bình Sơn). Vịnh có độ sâu là 24m, chiều dài đường ven bờ vịnh là 9 km, kết nối vùng đất khoảng 5.000ha để phát triển công nghiệp nặng và khoảng 2.000 ha để phát triển công nghiệp phụ trợ. Cảng nước sâu này có khả năng đáp ứng cho tàu trọng tải lớn từ 250.000 đến 300.000 tấn cập cảng nhập hàng tham gia vận tải hàng hải quốc tế. Khi cảng Dung Quất 2 hoàn tất sẽ thu hút các dự án công nghiệp nặng đầu tư vào Quảng Ngãi.
Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU