Doanh nghiệp và địa phương: "Hiểu" nhau để phát triển bền vững

12:12, 07/12/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhờ môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, Quảng Ngãi đã thu hút rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI). Sự thấu hiểu về DN và chia sẻ từ phía lãnh đạo địa phương sẽ là chìa khoá giúp mở ra cơ hội phát triển bền vững cho cả địa phương và DN.

TIN LIÊN QUAN

Dấu ấn đậm nét

Những năm qua, Quảng Ngãi là điểm đến đáng tin cậy của các DN FDI lớn, trong đó có nhiều DN phát triển rất tốt như Công ty Công nghiệp nặng Doosan Vina; điện tử Foster; giày Rieker... Đến nay, các DN FDI đã trở thành đối tác hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế của Quảng Ngãi, với số vốn đầu tư liên tục tăng trong thời gian gần đây.

 

Foster là DN FDI thu hút nhiều lao động người Quảng Ngãi.
Foster là DN FDI thu hút nhiều lao động người Quảng Ngãi.


Dù chỉ đến Quảng Ngãi chưa đầy 3 năm, nhưng Công ty Điện tử Foster Quảng Ngãi đã tạo được ấn tượng mạnh với địa phương về mô hình phát triển bền vững. Nhà xưởng của Công ty được bài trí gọn gàng, khoa học và cũng rất nhân văn. Ông Nguyễn Quan Hoàng - Tổng Giám đốc Công ty Điện tử Foster Đà Nẵng, cho biết: Thành quả gặt hái được mà công ty có khi đầu tư vào Quảng Ngãi chính là con người. Hiện Công ty Foster Quảng Ngãi thu hút khoảng 3.000 lao động ở Quảng Ngãi, với mức lương bình quân hơn 4 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, các bữa ăn của công nhân được công ty chăm lo đầy đủ và chất lượng. Môi trường làm việc của công nhân luôn đảm bảo. Hằng năm, Công ty Foster Quảng Ngãi đóng góp cho ngân sách tỉnh vài chục tỷ đồng và năm sau luôn cao hơn năm trước.

Theo đại diện các DN FDI, sở dĩ các DN chọn Quảng Ngãi làm nơi đầu tư vì người lao động Quảng Ngãi rất nghiêm túc trong công việc. Họ cần cù, sáng tạo và rất chăm chỉ. Từ năm 2009, Doosan Vina đã trở thành DN FDI có đóng góp to lớn cho sự phát triển ngành công nghiệp nặng của Quảng Ngãi. Hằng năm, Doosan Vina đã sản xuất và xuất khẩu các thiết bị phát điện, khử mặn theo đơn đặt hàng từ khắp nơi trên thế giới như Braxin, Rumani, Indonesia, Saudi Arabia, UAE... với giá trị hợp đồng từ vài chục đến vài trăm triệu USD.

Có được thành quả này là nhờ đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm đến từ Hàn Quốc và khoảng 2.000 công nhân kỹ thuật lành nghề địa phương, đã được đào tạo tại trung tâm huấn luyện kỹ thuật của công ty. Ông Hang Ha Ryu - Tổng Giám đốc Doosan Vina, khẳng định: “Dù người Việt Nam hay người Hàn Quốc thì điều quan trọng hơn cả là công tác đào tạo nhân lực. Nếu đào tạo ban đầu diễn ra tốt thì nhân viên sẽ vào một quy chuẩn chung, lao động Việt Nam cũng sẽ làm việc giống lao động Hàn Quốc. Tôi tự hào về lao động của Công ty Doosan Vina”.

DN và địa phương: Vì ta cần nhau!

Do sự khác biệt về văn hóa kinh doanh, sản xuất nên khi tiếp cận với các địa phương ở Việt Nam, nhiều DN FDI còn “bỡ ngỡ”. Do đó, sự hỗ trợ của các cấp chính quyền trong giải quyết các vướng mắc của DN là rất cần thiết. Theo ông Nguyễn Quan Hoàng, mối quan hệ giữa DN và chính quyền địa phương là cực kỳ quan trọng. Hiện nay, địa phương có vai trò lớn trong việc thông tin, tạo điều kiện như giải phóng mặt bằng, hỗ trợ dạy nghề, giải quyết các vấn đề pháp lý cũng như vướng mắc của doanh nghiệp... Do đó DN cần phải có sự liên kết chặt chẽ với địa phương để công việc vận hành tốt nhất.

Theo đại diện các DN FDI, hiện nay, hầu hết các địa phương trong cả nước đều có các hoạt động xúc tiến đầu tư của riêng mình. Do đó, điều mà nhiều DN quan tâm là sự nhiệt tình, chân thành của lãnh đạo các địa phương. Đặc biệt, Quảng Ngãi đang đẩy mạnh thu hút các DN trong ngành công nghiệp hỗ trợ, do vai trò hết sức quan trọng của khối DN này, nên các DN rất muốn chọn Quảng Ngãi làm địa điểm để đầu tư. Vì vậy, Quảng Ngãi cần tận dụng tốt lợi thế của mình so với các tỉnh khác.

Đồng chí Phạm Như Sô - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Để đạt mục tiêu về thu hút đầu tư, Quảng Ngãi đã và đang tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, tạo môi trường đầu tư thông thoáng. Tập trung tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng; triển khai kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; chủ động kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu lao động của DN. Tăng cường tiếp xúc và đối thoại trực tiếp với DN để kịp thời giải quyết các vướng mắc cho nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư triển khai xây dựng dự án và tổ chức sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả cao nhất...  

 Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU

 


.