Những con đường của niềm tin

08:11, 07/11/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Giao thông là một bộ phận rất quan trọng của kết cấu hạ tầng kinh tế -xã hội, được huyện Ba Tơ ưu tiên đầu tư, nhằm tạo tiền đề và động lực cho các ngành kinh tế khác phát triển.

TIN LIÊN QUAN

Ba Tơ là cửa ngõ nối các tỉnh Tây Nguyên với Quảng Ngãi thông qua Quốc lộ 24. Do đó, việc Bộ GTVT đầu tư nâng cấp Quốc lộ 24 được triển khai từ năm 2009 đã và đang mở ra nhiều cơ hội cho Ba Tơ phát triển. Đến thời điểm này, tuyến Quốc lộ 24 đoạn qua Ba Tơ (gần 60km) đã xây dựng hoàn thành 6 cầu mới, gồm: Tài Năng 1, Nước Ren, Sông Liên, Suối Loa 1, Suối Loa 2 và Hố Tối. Ông Trần Ngọc Thương- Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, cho rằng: Tuyến Quốc lộ này được nâng cấp, mở rộng đã góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại không chỉ của riêng người dân Ba Tơ mà còn tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội cho các tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum và các vùng phụ cận. Và hiển nhiên, Ba Tơ được hưởng lợi không nhỏ từ tuyến đường này.

 

Tuyến đường trung tâm thị trấn Ba Tơ.
Tuyến đường trung tâm thị trấn Ba Tơ.


Cùng với tuyến đường xương sống đó, các tuyến đường nhánh về trung tâm các xã, hệ thống giao thông nông thôn miền núi (GTNTMN) trên địa bàn huyện cũng được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới. Từ năm 2010- 2013, huyện đã hoàn thành công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường huyện với tổng chiều dài 74,58km, tổng kinh phí hơn 1,8 tỷ đồng. Hiện nay, toàn huyện có 97km đường ô tô từ huyện đến trung tâm xã thông suốt 4 mùa.

Ông Phạm Giang Nam- Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Ba Tơ, chia sẻ: Kết quả đó là nhờ huyện có định hướng đúng đắn, sát thực tiễn, năng động, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, sự quyết tâm và nỗ lực của các cấp, các ngành và người dân.

Trong những năm qua, huyện đã phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân làm đường giao thông nông thôn, coi trọng việc tuyên truyền vận động sự đóng góp tự nguyện của nhân dân. Để huy động vốn, ngày công của nhân dân với một huyện miền núi kinh tế chưa phải khấm khá là điều không đơn giản. Nhưng với phương châm dân thông suốt, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, cán bộ các ngành chuyên môn và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội của huyện đã bám sát địa bàn xã, thôn để tuyên truyền, vận động dân. Công tác quản lý sử dụng đảm bảo công khai, dân chủ từ khi triển khai dự án đến khâu quyết toán công trình. Trên địa bàn huyện có 96 tuyến đường xã, với tổng chiều dài gần 300km; trong đó có 43km đường đã được cứng hóa, với sự đóng góp hàng ngàn ngày công của người dân.

Nhiều tuyến đường được khai mở, kiên cố hóa đã giúp cho việc đi lại thông thương buôn bán, học tập của nhân dân và con em của họ được thuận tiện hơn rất nhiều. Từ đó đã mở ra cơ hội thoát nghèo cho người dân Ba Tơ. Ông Phạm Văn Thanh ở xã Ba Giang (một trong 5 xã và 1 thị trấn nằm trong vùng ATK tâm sự: “Ngày trước cách trở lắm, đi bộ 3, 4 ngày mới đến trung tâm huyện, nhưng giờ thì phần lớn đường được bê tông, cấp phối, làm thay đổi đáng kể bộ mặt của địa phương".


Bài, ảnh: N. TRIỀU

 


.