Khơi sức dân ở Phổ An

04:11, 03/11/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Xây dựng nông thôn mới vì cuộc sống của chính nông dân. Thế nên bà con rất tích cực góp công, góp của cùng với chính quyền làm nông thôn mới” - Phó Chủ tịch UBND xã Phổ An (Đức Phổ) Nguyễn Tấn Mỹ mở đầu câu chuyện “xây dựng nông thôn mới” ở địa phương mình…

TIN LIÊN QUAN


Chuẩn hóa “2 và 4”

Trong bộ 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tiêu chí số 2 là giao thông và số 4 là điện thường được các địa phương trong tỉnh “lắc đầu” bởi khó thực hiện vì  kinh phí quá lớn. Còn ở xã biển Phổ An, ngay từ khi bắt tay vào làm nông thôn mới, chính quyền và nhân dân lại quyết định đầu tư hoàn thiện hai tiêu chí này. Kết quả, tiêu chí số 4 về điện đến nay đã đạt “chuẩn”; còn tiêu chí giao thông hiện cũng đang sắp sửa “cán đích”, với khoảng 90% khối lượng hoàn thành.

Đường bê tông “Nhà nước và nhân dân cùng làm” ở Phổ An.
Đường bê tông “Nhà nước và nhân dân cùng làm” ở Phổ An.


Trong 3 năm qua, từ nguồn vốn của tỉnh, huyện, xã và nhân dân đóng góp, Phổ An đã xây dựng mới 10 tuyến đường giao thông nông thôn và 3 hệ thống điện với tổng kinh phí hơn 40 tỷ đồng. Điều đáng nói là toàn bộ kinh phí này chủ yếu là đầu tư thi công, còn tiền bồi thường giải phóng mặt bằng đều do dân có nơi tuyến đường đi qua tự nguyện hiến đất, không yêu cầu bồi thường. Cụ Nguyễn Công Thanh (78 tuổi), nói như khoe: “Nói thiệt, chẳng mấy nơi có con đường làng đẹp như quê chúng tôi đâu. Tôi không ngờ ở cái mỏm đất sát biển như nhà tôi mà giờ ô tô đã lăn bánh đến tận ngõ”.

Phó Chủ tịch UBND xã Phổ An Nguyễn Tấn Mỹ lại cho chúng tôi biết một thành tích khác: Xã Phổ An vừa được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì đạt thành tích trong phong trào làm đường giao thông nông thôn. Điều đó khích lệ tinh thần người dân Phổ An. Ở xã biển này, bây giờ nói đến mở đường là dân vui như mở cờ trong bụng. Chuyện làm đường ở đây được dân đồng tình ủng hộ bởi “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Hơn 40 tỷ đồng đổ vào làm giao thông mà không xảy ra thắc mắc, khiếu kiện là một thành công lớn. “Xã đang tiếp tục cứng hóa giao thông nội đồng, để đạt chuẩn tiêu chí 2 về giao thông trong năm 2013” – ông Nguyễn Tấn Mỹ khẳng định.

 Phấu đấu vươn tới “số 10”

Tính đến thời điểm này, Phổ An đã đạt 9 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Trong đó có không ít tiêu chí thuộc vào dạng “khó” của các địa phương khác như chợ nông thôn, điện, nhà ở dân cư. Chính quyền và nhân dân xã Phổ An đang nỗ lực vươn đến đạt tiêu chí thứ 10 vào cuối năm nay. Phó Chủ tịch Nguyễn Tấn Mỹ bảo rằng: "Toàn xã đang hướng đến con số 10 nhiều ý nghĩa. Trong 19 tiêu chí thì tiêu chí thứ 10 về thu nhập của hộ dân là khó nhất. Nhưng nông thôn mới mà đời sống người dân còn nghèo thì sẽ chẳng có ý nghĩa gì”.

Ngư dân Phổ An bám biển làm giàu.
Ngư dân Phổ An bám biển làm giàu.


Thế nhưng, với một xã biển, điểm xuất phát ở mức trung bình so với toàn huyện thì chính quyền và nhân dân sẽ xoay xở thế nào?-Tôi hỏi ông Phó Chủ tịch xã Phổ An. Như thể có “đáp án”, ông Nguyễn Tấn Mỹ trả lời ngay: “Nuôi bò, buôn bán, đi biển, nuôi tôm. Nhân dân Phổ An giờ nhạy bén chuyện làm kinh tế lắm!”. Rồi ông chỉ tay về phía bờ biển nơi san sát những ngôi nhà cao tầng bảo rằng: “Nhờ nuôi bò, đi biển mà dân có nhà to thế đấy! Người làm hiệu quả mách nước cho người khác. Không gì hiệu quả bằng nhân dân chỉ bảo cho nhau, giúp đỡ nhau, thi đua làm kinh tế. Nội lực từ đấy mà ra!”.

Tuy thế, ở Phổ An không hề có sự chủ quan về xây dựng nông thôn mới. Hằng tháng, Ban chỉ đạo cùng với các Ban phát triển thôn cùng ngồi lại bàn bạc chỉ ra yếu kém, tập trung khắc phục. Trong tháng 10, từ các cuộc họp Ban chỉ đạo  đã nêu ra 6 yếu kém phải “sửa ngay”. Đó là tuyên truyền còn yếu; phát triển sản xuất chưa thực sự bền vững; thiết chế văn hóa chưa được quan tâm đúng mức; môi trường, y tế còn hạn chế; lãnh đạo, chỉ đạo chưa hết trách nhiệm. “Xây dựng nông thôn mới phải để cho nhân dân làm chủ. Lòng dân đồng thuận, thì việc khó mấy cũng xuôi” - Trưởng ban phát triển thôn An Thạch bảo.

Chiều tà, chúng tôi rời Phổ An trên con đường bê tông chạy dọc cánh đồng cách bờ biển không xa. Đàn bò lai có đến cả trăm con thong dong gặm cỏ. Chủ nhân của những “gia tài lớn” ấy thảnh thơi trò chuyện về thị trường bò giống. Bò ở Phổ An chưa lớn đã có người “đặt cọc”. Dù chưa chính thức, nhưng ở Phổ An hôm nay đã hình thành được “chợ bò giống”. Mỗi một con bò xuất chuồng là một niềm vui, một nấc thang để người dân Phổ An vươn tới “chạm” vào tiêu chí số 10: Nâng cao thu nhập.


Bài, ảnh: THANH NHỊ

 


.