Các tỉnh duyên hải miền Trung: Liên kết phát triển du lịch biển đảo

08:11, 03/11/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vùng duyên hải miền Trung có đường bờ biển dài hơn 1.430km chiếm xấp xỉ 44% chiều dài bờ biển cả nước, lại được thiên nhiên ban tặng nhiều bãi biển cát vàng, nước trong xanh, sạch và đẹp như Lăng Cô, Mỹ Khê, Sa Huỳnh, An Bàng, Nha Trang, Ninh Chữ, Mũi Né... Bên cạnh đó, còn có khá nhiều đảo lớn, nhỏ như Sơn Trà, Cù Lao Chàm, Cù Lao Ré (Lý Sơn), Phương Mai, Hòn Tre, Phú Quý... tạo nên hệ thống tài nguyên kinh tế biển vô cùng quý giá.

TIN LIÊN QUAN


Những tài nguyên này là tiềm năng to lớn để phát triển loại hình du lịch biển đảo, trở thành nơi dừng chân lý tưởng của khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trong thời gian qua mỗi địa phương lại có cơ chế khác nhau, mạnh ai nấy làm, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch cạnh tranh thiếu lành mạnh, sản phẩm du lịch trong vùng na ná nhau ít có sự khác biệt, độc đáo. Ngoài ra, nguồn nhân lực cũng là một trong những hạn chế đối với sự phát triển.

 

Biển Mỹ Khê - Quảng Ngãi, một trong những bãi biển đẹp ở miền Trung.                       Ảnh: P.V
Biển Mỹ Khê - Quảng Ngãi, một trong những bãi biển đẹp ở miền Trung. Ảnh: P.V


Toàn vùng chưa có trường đào tạo chuyên sâu và có đủ điều kiện để sinh viên tiếp cận thực hành. Trình độ ngoại ngữ còn yếu, đặc biệt là tiếng Pháp, Nhật,  Hàn, Nga... Thực trạng đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút khách du lịch đến với vùng nói chung và từng địa phương nói riêng. Việc hợp tác và liên kết trong phát triển du lịch, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của vùng trở nên hết sức bức bách.

Nhận rõ vai trò quan trọng của hợp tác liên kết, những năm gần đây các địa phương vùng duyên hải miền Trung đã có nhiều sáng kiến trong việc hợp tác, liên kết phát triển kinh tế nói chung và kinh tế du lịch nói riêng. Trong đó một số tỉnh đã ký kết hợp tác phát triển du lịch như Quảng Nam hợp tác với Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi hợp tác với Bình Định và Kon Tum, Khánh Hòa với các tỉnh Tây Nguyên...

Mặc dù các địa phương hết sức tích cực, nhưng chưa có sự quan tâm liên kết đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, chưa có nhiều hoạt động hợp tác theo yêu cầu ký kết. Việc hợp tác còn mang tính hình thức, chưa có tính phối hợp và mang lại hiệu quả thiết thực cho mỗi địa phương. Các chuỗi sự kiện văn hóa du lịch của các địa phương diễn ra mang tính trùng lắp về nội dung, chưa kết nối thời gian hợp lý... nên không thu hút được nhiều khách du lịch. Từ đó có thể thấy, việc hợp tác liên kết phát triển du lịch nội vùng hoặc liên vùng chưa có người cầm trịch thì khó có thể thành công.

Trước những khó khăn trong hợp tác liên kết mà các địa phương vùng duyên hải miền Trung, mới đây Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020”. Mục tiêu của đề án là đến năm 2020, du lịch biển trở thành ngành động lực của kinh tế biển Việt Nam.

Trong đó xác định 4 điểm đến của vùng duyên hải miền Trung: Lăng Cô- Cảnh Dương, Hội An- Cù Lao Chàm, Nha Trang- Cam Ranh, Phan Thiết- Mũi Né là điểm đến du lịch tầm cỡ quốc tế, có sức cạnh tranh cao trong khu vực. Đây được xem là hành lang pháp lý quan trọng để các tỉnh vùng duyên hải miền Trung nói riêng và cả nước nói chung tiếp tục lập kế hoạch triển khai thật sự hiệu quả đề án này.

 

Trong đó cần chú ý khắc phục những hạn chế trong việc hợp tác liên kết giữa các tỉnh trong thời gian qua. Phân định rạch ròi các mối liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp trong xây dựng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của biển đảo, nối kết tour; tìm giải pháp khắc phục tính mùa vụ đối với du lịch biển đảo; xúc tiến quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường tìm hiểu thị hiếu và phân khúc thị trường, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, tích cực tham gia chương trình kích cầu...

Qua đó tạo sự đột phá giúp ngành du lịch vùng duyên hải miền Trung định vị thương hiệu sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của từng địa phương và toàn vùng.


 Tạ Quy
 


.