Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng: Giải pháp phát triển bền vững cho doanh nghiệp

09:10, 26/10/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong các chiến lược phát triển kinh tế của doanh nghiệp (DN) thường gắn liền với công tác khoa học kỹ thuật, góp phần tăng năng suất lao động, đem lại hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh cho DN. Do đó, việc  áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng luôn được các DN quan tâm thực hiện và được xem là giải pháp giúp DN phát triển bền vững.

Trong xu thế hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới, Công ty TNHH MTV Xăng dầu Quảng Ngãi đã chủ động trong hoạt động quản lý chất lượng, cũng như đầu tư có chiều sâu vào các thiết bị mang tính công nghệ cao. Điều này đã giúp công ty đạt hiệu quả kinh tế cao; đồng thời giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của địa phương.

 

Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững. Trong ảnh: Nhân viên Nhà máy Đường Phổ Phong đang vận hành hệ thống máy móc.
Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững. Trong ảnh: Nhân viên Nhà máy Đường Phổ Phong đang vận hành hệ thống máy móc.


Đến thời điểm này, Công ty Xăng dầu Quảng Ngãi có hơn 30 cửa hàng xăng dầu phân bổ đều khắp các vùng trong tỉnh. Mọi hoạt động đo lường trong công tác quản lý hàng hóa đều được cơ quan chức năng kiểm tra, chứng nhận về xuất xứ, chất lượng hàng hóa. Việc kiểm tra và chứng nhận của các cơ quan chức năng, giúp công ty rà soát, đánh giá đúng những sản phẩm của mình cung ứng cho thị trường và nhờ đó, được người tiêu dùng chấp nhận.

Việc triển khai giám sát hoạt động quản lý, đo lường chất lượng đã nâng cao tay nghề và kiến thức của nhân viên, hiệu quả công việc được cải thiện, tác nghiệp giữa các bộ phận diễn ra nhanh chóng. Ông Nguyễn Hùng Hổ - Giám đốc Công ty Xăng dầu Quảng Ngãi, cho biết: Thời gian qua, công ty tập trung đẩy mạnh việc chuẩn hóa và thống nhất các yêu cầu quản lý, các quy trình nghiệp vụ trong quá trình tổ chức kinh doanh tại hệ thống cửa hàng bán lẻ; tích hợp với các hệ thống như thanh toán mua xăng dầu qua thẻ (POS), thu nhận tín hiệu cột bơm, đo bồn tự động, hệ thống quản trị nguồn nhân lực (ERP-SAP).

“Việc tuân thủ các quy định về đo lường, quản lý hàng hóa là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công trong hoạt động kinh doanh của đơn vị. Chỉ trong 7 tháng năm 2013, công ty đã nộp ngân sách nhà nước hơn 70 tỷ đồng”- ông Hổ chia sẻ.

Những năm qua, sự cạnh tranh gắt gao về nguyên liệu, giá thành và chất lượng sản phẩm trên thị trường đòi hỏi Nhà máy sản xuất tinh bột mì Quảng Ngãi phải tăng sức cạnh tranh. Trong tình cảnh đó, nhà máy đã từng bước hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng, nâng cao chất lượng lao động và đầu tư thiết bị mới. Với yêu cầu về độ ổn định của sản phẩm, năm 2004, nhà máy nhanh chóng xây dựng và đưa vào áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2000.

Đến năm 2010, để phù hợp hơn trong việc quản lý cũng như đòi hỏi của thị trường, nhà máy thay đổi áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2008. Nhờ đó, hầu hết các sản phẩm của nhà máy được xuất khẩu đi nước ngoài và được thị trường đón nhận. Điều này khẳng định, việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý ISO đang mang lại nhiều hiệu quả.

Ông Trần Trọng Huy - Phó Giám đốc Sở KH-CN, cho rằng: Việc áp dụng các tiêu chuẩn sẽ giúp các nhà sản xuất, cung ứng dịch vụ thực hiện trách nhiệm xã hội của mình dưới góc độ đạo đức kinh doanh. Khi một sản phẩm hoặc dịch vụ đáp ứng các quy định hoặc yêu cầu của tiêu chuẩn thì có thể tin tưởng rằng, sản phẩm, dịch vụ đó đáp ứng được các yêu cầu thiết yếu về chất lượng, độ tin cậy, hiệu suất và hiệu quả. “Vì vậy, việc áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng là điều hết sức cần thiết, nhằm đạt được mục tiêu duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ”- ông Huy nhấn mạnh.

Hiện nay, Việt Nam đã công bố trên 10.000 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), là cơ sở chuẩn mực cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như các hoạt động quản lý kinh tế - xã hội. Hệ thống này thường xuyên được điều chỉnh và sửa đổi nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển tốt hơn của DN, phù hợp với thông lệ và quy định quốc tế. Bên cạnh đó, vai trò của các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) ngày càng trở nên quan trọng, hữu hiệu đối với thực tiễn sản xuất và đời sống, đáp ứng yêu cầu quản lý ngành, lĩnh vực; ngăn chặn các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, DN.


  Bài, ảnh: N.TRIỀU
 


.