Thiếu giống chất lượng: Nông dân chịu thiệt

10:09, 13/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nâng cao hiệu quả sản xuất bằng cách tăng chất lượng sản phẩm là hướng đi đúng, phù hợp với yêu cầu phát triển. Nhưng muốn có sản phẩm tốt, trước hết giống phải chuẩn. Mà điều này thì dường như ngành nông nghiệp Quảng Ngãi còn đang thiếu…    

TIN LIÊN QUAN

Giống: Thừa tên, thiếu chất

Đầu vụ sản xuất, Sở NN&PTNT công bố gần 30 giống lúa các loại được phép ra đồng. Từ giống chủ lực, bổ sung đến triển vọng. Nhưng với diện tích khiêm tốn, nông dân chỉ có thể sử dụng 1-3 giống. Thế nên để chọn được 3 trong số 30 giống lúa thường và lúa lai, hẳn bà con đã phải đắn đo suy tính vì giống là một trong những khâu chiếm vị trí quan trọng hàng đầu trong quá trình sản xuất.

Với ý nghĩa ấy, giống luôn nhận được sự quan tâm của ngành nông nghiệp, nông dân và doanh nghiệp. Qua đó đã ra đời hàng trăm tên giống từ nội đến ngoại, từ bậc trung đến chất lượng cao. Trong số này, nhiều loại giống được nông dân đón nhận vô điều kiện, thậm chí săn lùng để gieo sạ dù nó đã ra đời cách đây từ 10 hay 20 năm như: Ải 32, Xi 23, Khang dân 18, IR732 hay Hương thơm… Động thái “ưa cũ” này quả là lạ so với trào lưu chuộng mới bây giờ. Biết thế, nhưng lão nông Trần Thanh ở xã Đức Nhuận (Mộ Đức) vẫn kiên định với sự lựa chọn của mình vì: “Giống cũ nhưng dễ làm, quen đất quen tay, lại cho gạo nhiều ngon cơm; còn hơn mới mà tạp nham, thừa tên, thiếu chất”.

 

Bắp, loại cây lương thực mà nông dân “khát” thông tin cũng như chủng loại giống.
Bắp, loại cây lương thực mà nông dân “khát” thông tin cũng như chủng loại giống.


Nhận định của ông Thanh quả không sai. Vì với xu hướng và tốc độ “đẻ giống” của các DN thì giống mới liên tục được “khai sinh”. Xét về khía cạnh nào đó, sự nhanh nhẹn này giúp ngành nông nghiệp và nông dân có thêm sự lựa chọn bộ giống để cơ cấu vào sản xuất. Nhưng thực tế, được bao nhiêu giống mới mà “ngon”? Ngay 30 giống lúa được Sở NN&PTNT khuyến cáo nông dân sử dụng thì, hiếm có cái tên nào “thọ” được 5 năm.  

Vì sao giống lại “đoản mệnh” như thế? Trong khi trang thiết bị và kỹ thuật hỗ trợ chọn tạo nó hiện nay tất phải tiến bộ hơn, thuận lợi hơn những năm 90? Lý giải điều này, TS. Hà Văn Dũng- Giám đốc Trung tâm khảo kiểm nghiệm, sản phẩm cây trồng quốc gia cho rằng: “Đó là vì DN sản xuất và cung ứng giống theo kiểu… ăn xổi”. Tức là các DN hối hả chọn tạo, đặt tên rồi vội vã tung ra thị trường sau khi được công nhận nhằm chạy theo lợi nhuận, chứ không vì lợi ích lâu dài của nông dân. Thế nên, bên cạnh những giống phải lên bờ xuống ruộng nhằm thể hiện mình thì không ít loại chỉ nổi danh bằng công nghệ PR (quảng cáo).

Giữa lúc người trồng lúa rối, rồi bội thực với mô hình giới thiệu giống mới thì, nông dân canh tác các loại cây lương thực và công nghiệp ngắn ngày lại “khát” thông tin lẫn chủng loại. Thế nên quanh đi quẩn lại, họ cũng chỉ biết đến ngô VN10, mì KM94 hay đậu phụng Tây Nguyên. Nếu hộ nào phát hiện được giống mới thì bà con rỉ tai nhau mua về trồng, rồi thấp thỏm… đợi kết quả, nếu đạt thì nhân rộng còn không thì thôi. Rõ ràng, giống các loại cây này đang bị bỏ rơi cả lượng lẫn chất. Trong khi đó, diện tích của ngô, đậu phụng và mì trong toàn tỉnh lên tới gần 38 nghìn ha.      

“Vá” lỗ hổng quản lý

Trở lại với chuyện DN làm giống theo kiểu “ăn xổi”. Tức là một loại giống, nhưng mỗi DN sẽ nặn ra những “đứa con” mang phẩm chất khác nhau, chất lượng vì thế cũng không giống nhau. Bởi, với giống đại trà (thường là giống cấp quốc gia vì nó được phép dùng chung), DN sẽ lựa chọn. Hoặc trực tiếp sản xuất, hoặc mua giống nguyên chủng rồi hợp đồng với HTX và nông dân sản xuất theo kiểu liên kết bao tiêu sản phẩm; sau đó chế biến, đóng gói rồi đưa ra thị trường ở dạng giống.

Theo nhận định của Giám đốc Trung tâm giống cây trồng vật nuôi Quảng Ngãi Đoàn Văn Nhân, đặc tính của giống liên tục thay đổi. Do đó, quá trình sản xuất phải được cán bộ chuyên môn kiểm soát chặt chẽ những biểu hiện của nó, nhằm phát hiện và loại bỏ kịp thời các tính trạng lặn (xấu), chọn tạo và phục tráng tính trạng trội (tốt). Nhưng quy trình này đòi hỏi thời gian nên vì lợi nhuận, một số DN bỏ qua, “khoán” luôn việc sản xuất cho nông dân.

Mặt khác, sau khi sở hữu một loại giống mới, lẽ ra DN phải đăng ký với Sở NN&PTNT để sát hạch tại đồng ruộng với sự đánh giá của các đơn vị chuyên môn và nông dân nhằm xác định cụ thể đặc tính tốt, xấu cũng như phổ thích ứng của nó. Ấy vậy nhưng hiện nay, không ít DN lại “đi tắt”. Tức là không thông qua kênh Sở NN&PTNT mà bắt tay trực tiếp với chính quyền cơ sở theo kiểu sản xuất thử. Nhưng thử từ 1-2 ha còn chấp nhận được, chứ đến vài chục hecta như ở Hành Tín Tây (Nghĩa Hành) hay Tư Nghĩa đã từng làm là điều lạ. Để rồi hậu cái thử ấy là lúa cháy, rồi “hạt lép ép hạt chắc” khiến nông dân điêu đứng vì đã mất công, mất luôn cả... gạo!

Tại hội nghị đánh giá kết quả khảo kiểm nghiệm giống cây trồng vùng miền Trung và Tây Nguyên mới đây, Trưởng phòng Nông nghiệp, Sở NN&PTNT Quảng Ngãi Phạm Văn Tuân cho rằng: “Số lượng và chất lượng giống được phóng thích không tương thích. Nghĩa là giống được khai sinh nhiều nhưng các chỉ tiêu như: Thời gian sinh trưởng, năng suất chất lượng gạo, khả năng chống bệnh lắm lúc chưa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và nhu cầu sản xuất của địa phương.

Với hơn 73,4 nghìn ha sản xuất lúa, nhu cầu giống hằng năm trên 7 nghìn tấn nhưng hiện giờ, ngành nông nghiệp tỉnh chỉ có hai giống lúa độc quyền là ĐH9981 và ĐH815-6 do Trung tâm giống cây trồng vật nuôi tỉnh (TT) chọn tạo, sản xuất. Còn những giống có mặt trên đồng ruộng lâu nay là do các DN trong và ngoài tỉnh liên kết sản xuất, cung ứng. Riêng giống mì, đậu phụng và ngô thì hầu như được... nhập khẩu! Với sự thiếu hụt này, chẳng trách thị trường giống trong tỉnh bị các DN thâu tóm, khiến giá bán cao hơn TT từ 15-20%, thậm chí có loại 50%.

Tuy nhiên, điều khiến dư luận quan tâm là vì sao, cách sản xuất giống theo kiểu mạnh ai nấy làm; rồi thì DN qua mặt các ngành chức năng, đưa giống ra ruộng theo “đường tắt” nhưng vẫn không được chấn chỉnh, xử lý?. Rõ ràng, đây là lỗ hổng lớn trong công tác quản lý giống mà ngành nông nghiệp cần  phải sớm chấn chỉnh.


Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.