Người làm trống Hà Nam ở Bình Hiệp

08:09, 07/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày đầu tháng 9.2013, nếu ai có dịp đi ngang qua cơ sở sản xuất trống của anh Phạm Văn Nhật, thôn Xuân Yên xã Bình Hiệp (Bình Sơn) sẽ nghe thấy tiếng thử trống dồn nhịp, tiếng đục gõ lách cách, vang động. 

TIN LIÊN QUAN

"Tôi chẳng nhớ nổi nghề làm trống ở tỉnh Hà Nam quê tôi có từ bao giờ, chỉ biết rằng đời ông, cha tôi đều theo nghề làm trống, giờ đến lượt tôi tiếp tục nối nghiệp nghề này trên quê hương Bình Hiệp", anh Nhật bộc bạch khi chúng tôi đến thăm cơ sở làm trống của gia đình. Anh  sinh ra ở Hà Nam, mười mấy tuổi đầu anh đã theo cha học nghề. Đến năm 2006, anh vào Bình Hiệp lập nghiệp mở cơ sở  sản xuất trống khi mới bước sang tuổi 24.


Anh Nhật cho biết: Thời điểm đó ở huyện Bình Sơn không có người làm trống mà nhu cầu của người dân thì rất cần. Làm một chiếc trống có được tiếng ấm, vang xa lại vừa bền, đẹp đòi hỏi người thợ làm trống phải có tính tỉ mỉ, kiên trì và có khả năng thẩm âm tốt. Gỗ làm trống phải là gỗ mít, vì nó có độ dẻo, mềm có đặc tính nhẹ, xoắn thớ khi đóng không bị cong vênh hoặc nứt; đồng thời cũng ít bị co giãn và có sức đàn hồi tốt nên giữ được hình dáng nguyên vẹn, khi sử dụng âm thanh không bị vỡ. Gỗ mít càng già thì âm thanh khi gõ càng vang, ấm.

 

 Khâu bịt da trống, công đoạn rất quan trọng để tạo nên tiếng trống âm, vang.
Khâu bịt da trống, công đoạn rất quan trọng để tạo nên tiếng trống âm, vang.

 

Gỗ làm trống được cắt làm nhiều khúc, tùy theo kích cỡ của trống mới định ra bao nhiêu dăm, cũng như độ cong, độ dẻo của dăm để khi khép với thân trống vừa khít. Các thanh gỗ làm trống phải được phơi thật khô để khi thành phẩm chúng không co lại. Mặt trống làm bằng da trâu. Trước khi bịt trống, da trâu mua về phải ngâm  nước  cho mềm, để căng làm mặt trống.

Anh Lê Ngọc An, một người thợ làm trống ở cơ sở  của anh Nhật cho biết: Khâu bịt da cũng rất quan trọng, nếu mặt da không căng đều, thì tiếng trống đánh nghe không hay.  Khi đặt thùng trống lên giá đỡ phải rịt dây để giữ chặt vào cái giá đỡ, một đầu trống áp vào giá đỡ, mặt cần căng thì hướng lên trên. Da trâu đã được đo kích cỡ, cắt tròn trịa rồi úp lên mặt trống. Tấm da trâu  này phải khoét những lỗ nhỏ rồi xâu nhiều sợi dây dừa qua và cột dây dừa vào giá. Để làm căng mặt trống,  người thợ dùng những thanh tre ngắn vặn xoáy những sợi dây dừa đó. Vừa căng mặt trống, vừa đánh thử độ âm vang của trống đến khi nào nghe tiếng trống đã vừa ý thì dừng căng và dùng đinh đóng cố định vào thân trống.

Anh Nhật cũng cho biết thêm: Hiện nay cơ sở làm trống của anh có 4 người đang khẩn trương làm việc để có sản phẩm phục vụ cho mùa Trung thu năm 2013. Trung bình mỗi năm cơ sở anh sản xuất từ 3.500 đến 4.000 chiếc trống đủ cỡ; trong đó có hơn 1.500 chiếc trống phục vụ mùa Trung thu. Mỗi ngày cơ sở của anh có thể hoàn thành trên 20 chiếc trống lớn nhỏ cung cấp cho thị trường.

 

Trống của anh không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn tiêu thụ ở thị trường các tỉnh phía Bắc và xuất khẩu ra nước ngoài. Tùy theo từng loại trống, mà giá cả khác nhau, trống đại có giá từ 400.000 đến 550.000 đồng/chiếc, trống trung có giá từ 200.000 đến 300.000 đồng, trống nhỏ giá từ 50.000 đến 70.000 đồng. Đối với trống đại phuc vụ cho dịp Trung thu, cơ sở anh chỉ làm một mặt trống với giá 400.000 đồng để vừa túi tiền của người tiêu dùng. Đối với trống trường, trống chùa, hoặc trống phục vụ lễ hội đều làm hai mặt.

Hơn 1 năm nay nguồn gỗ mít phục vụ làm trống ngày càng ít dần, vì vậy anh đầu tư thêm máy cắt để tận dụng nguyên liệu. Có máy cắt, lượng gỗ mua về đoạn nào có thể xẻ cong thì xẻ, còn không thì xẻ thẳng rồi đưa vào máy ép để uốn cong thành thanh gỗ theo ý muốn. Đối với người làm trống, muốn làm ra những chiếc trống bền đẹp ngoài việc lựa chọn được gỗ mít tốt, da trâu chất lượng còn đòi hỏi sự tỉ mỉ, tính kiên trì và sự tài hoa của người thợ qua nhiều khâu xử lý.

 


Bài, ảnh: N.Hương-Q.Liên
 


.