Cánh đồng mẫu lớn ở xã Bình Long: Nâng cao thu nhập cho nông dân

11:09, 15/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mô hình sản xuất “Cánh đồng mẫu lớn” ở xã Bình Long (Bình Sơn) được triển khai trong vụ hè thu năm 2013 đã mang lại kết quả khả quan, mở ra hướng đi tích cực trong sản xuất lúa trên địa bàn huyện…

TIN LIÊN QUAN

Bước đi đầy triển vọng

Mục tiêu của cánh đồng mẫu lớn là hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, chỉ gieo cấy 1 giống lúa trên diện tích lớn, người nông dân phải tuân thủ nghiêm túc các quy trình kỹ thuật canh tác, nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.

 Ông Vũ Thế Sơn - Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Bình Sơn cho biết: Vụ hè thu năm 2013, Trạm đã phối hợp với HTX nông nghiệp Bình Long triển khai thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn quy mô 20ha. Tất cả 176 hộ nông dân tham gia thực hiện mô hình đều được tập huấn kỹ thuật sản xuất từ khâu làm đất , bón phân , gieo sạ đến chăm sóc, phòng trừ cỏ dại và sâu bệnh; được giới thiệu về phương pháp canh tác “3 giảm 3 tăng”.

 

 Đưa máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch lúa hè thu.                                          Ảnh: PV
Đưa máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch lúa hè thu. Ảnh: PV


Qua đó giúp các hộ nông dân nắm bắt đầy đủ về quy trình kỹ thuật để ứng dụng vào thực tế sản xuất. Giống lúa được sử dụng tại mô hình này là giống OM6976 do Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long chọn tạo, nằm trong cơ cấu giống sản xuất vụ hè thu của địa phương. Mỗi hecta sản xuất sử dụng 90kg giống, giảm 10kg so với vùng sản xuất lúa đại trà ở địa phương. Kinh phí đầu tư thực hiện mô hình gần 705 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ hơn 87,6 triệu đồng, còn lại do nông dân đóng góp. Nông dân tham gia mô hình đã thực hiện làm đất bằng cơ giới, gieo sạ đồng loạt và áp dụng khá tốt kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ nên cây lúa phát triển mạnh. Lúa đẻ nhánh khỏe, tập trung, trổ nhanh, đồng đều.

Ông Võ Bảng - Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Bình Long nhận xét: Thực hiện cánh đồng mẫu lớn đã giúp cho nông dân hiểu rõ  phương pháp canh tác “3 tăng 3 giảm”, sử dụng phân bón cân đối, hợp lý; chỉ phun thuốc phòng trừ sâu bệnh khi tới “ngưỡng” nên hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo vệ được sức khỏe cho bản thân. Mặt khác, nhờ gieo sạ đồng trà, cùng giống nên thời gian thu hoạch lúa tập trung và có điều kiện để đưa cơ giới hóa vào khâu thu hoạch nhằm giải phóng nhanh đồng ruộng, tiết kiệm chi phí và hao hụt…

Hiệu quả rõ rệt

Qua thu hoạch năng suất lúa thực thu tại mô hình cánh đồng mẫu lớn ở xã Bình Long đã đạt 62 tạ/ha, cao hơn 2 tạ so với vùng lúa đại trà. Sản lượng lúa thu được trên 124 tấn. Qua tính toán của các hộ nông dân thì mô hình cánh đồng mẫu lớn này đã giảm được chi phí sản xuất khoảng 1 triệu đồng/ha. Với giá thị trường hiện nay bình quân 6.000 đồng/kg lúa, tổng thu của ruộng tại mô hình là 37,2 triệu đồng/ha, còn vùng lúa đại trà là 36 triệu đồng/ha. Khấu trừ xong chi phí, ruộng tại mô hình còn thực lãi hơn 8,8 triệu đồng/ha, cao hơn vùng lúa đại trà khoảng 2,1 - 2,2 triệu đồng. Như vậy 20 ha lúa tại mô hình cánh đồng mẫu lớn đã có số lãi tăng hơn vùng lúa đại trà cùng diện tích khoảng 43 - 44 triệu đồng.

Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, cải thiện thu nhập cho người nông dân, giải pháp tối ưu nhất là tăng năng suất cây trồng, tiết giảm chi phí sản xuất. Đối với sản xuất lúa, năng suất gần như đã kịch trần, vấn đề còn lại là tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu suất lao động. Mô hình cánh đồng mẫu lớn là biểu hiện cụ thể, sinh động về việc tiếp thu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, giảm được chi phí đầu tư thông qua việc áp dụng đồng loạt quy trình kỹ thuật canh tác và đưa cơ giới vào đồng ruộng.

Từ kết quả của mô hình cánh đồng mẫu lớn trên cây lúa ở xã Bình Long, các ngành chức năng của huyện đang tham mưu, đề xuất với UBND huyện Bình Sơn chỉ đạo nhân rộng mô hình ra các địa phương, HTX nông nghiệp trên địa bàn…


HOÀNG GIANG
 


.