Phát triển Cụm CN - LN Quảng Ngãi: Nhiều vấn đề đặt ra

10:08, 23/08/2013
.

(QNg)- Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh “mọc” lên các cụm công nghiệp- làng nghề (CN - LN) đã giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và góp phần rất lớn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế các địa phương. Tuy nhiên, sự tồn tại của nhiều dự án “treo”, nhiều doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả và tình trạng ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng đến sự phát triển chung của các cụm CN trên địa bàn.

TIN LIÊN QUAN


 Hiệu quả

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có 11/17 cụm, điểm công nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết đi vào hoạt động. Tổng số dự án đăng ký đầu tư vào 11 cụm, điểm công nghiệp là 86 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 1.300 tỷ đồng và lao động đăng ký 7.344 người. Và thực tế đã có 65 doanh nghiệp đang hoạt động tại các cụm CN-LN, giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động, thu nhập bình quân từ 2,5 – 4,5 triệu đồng/lao động/tháng; ước nộp ngân sách 6 tháng đầu năm 2013 gần 20 tỷ đồng.

Tại Cụm công nghiệp La Hà (Tư Nghĩa), từ đầu năm 2013 với sự đi vào hoạt động của Công ty May Vinatex Tư Nghĩa đã thổi một luồng gió mới trong chuyển dịch cơ cấu lao động. Đến nay Công ty này đã thực hiện đầu tư 142 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động, hiện đang tiếp tục mở rộng và sẽ thu hút thêm khoảng 1.000 lao động. Đây là tín hiệu vui đối với nhiều lao động địa phương và sẽ là “đòn bẩy” để cụm CN La Hà phát triển hơn nữa.

Công ty May Vinatex Tư Nghĩa tại Cụm công nghiệp La Hà đã giải quyết việc làm cho 1.000 lao động địa phương.
Công ty May Vinatex Tư Nghĩa tại Cụm công nghiệp La Hà đã giải quyết việc làm cho 1.000 lao động địa phương.


Còn nhiều tồn tại

Bên cạnh nhiều dự án xin đầu tư vào các cụm CN đã và đang đem lại hiệu quả, thì cũng có nhiều dự án kém hiệu quả phải ngừng hoạt động hoặc “treo” quá lâu. Cụ thể tại Cụm CN – LN Đồng Dinh (Nghĩa Hành) đến nay đã thu hút được 13 nhà đầu tư vào hoạt động, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 65 tỷ đồng và đã thực hiện đầu tư được gần 14 tỷ đồng. Song hiện tại chỉ có 7 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tương đối ổn định, 5 doanh nghiệp còn lại hoạt động không hiệu quả, ngừng hoạt động và 1 dự án không đầu tư. Vì vậy, hiện tại Ban quản lý Cụm CN - LN Đồng Dinh đang tiến hành xử lý thu hồi các dự án này để tiếp tục kêu gọi đầu tư.

Không chỉ Cụm CN – LN Đồng Dinh mà ở các cụm CN – LN: Tịnh Ấn Tây (Sơn Tịnh), Thạch Trụ (Mộ Đức) cũng có nhiều dự án phải thu hồi. Trong đó, Cụm CN Thạch Trụ đã thu hút được 6 nhà đầu tư vào hoạt động với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 51,4 tỷ đồng và đã thực hiện đầu tư được trên 56 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 3 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh tốt. Còn lại 3 dự án đã ngưng hoạt động do chứng chỉ quy hoạch hết hạn từ năm 2009 nhưng không được UBND huyện cấp lại, chưa có quyền sử dụng đất và không đủ khả năng để tiếp tục đầu tư.

Ông Nguyễn Đức Hoài – Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Nhìn chung các cụm CN – LN đã và đang hoạt động đã góp phần đưa công nghiệp nông thôn phát triển, giải quyết việc làm cho nhiều lao động và đóng góp lớn vào nguồn ngân sách của địa phương. Tuy nhiên, có nhiều dự án “treo” đã ảnh hưởng đến sự phát triển chung của các cụm CN.

Giải pháp để phát triển bền vững?

Bên cạnh những tồn tại nhiều dự án “treo”, doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả gây lãng phí quỹ đất trong thời gian dài, thì vấn đề ô nhiễm môi trường ở các cụm CN-LN cũng là điều phải hết sức lưu ý. Hiện nay, trong số 17 cụm CN được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết thì chỉ có 7 cụm CN được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, còn 10 cụm CN chưa làm báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Còn đối với những dự án hoạt động không hiệu quả, dự án “treo”, BQL các cụm CN cũng cần nhanh chóng thu hồi để thu hút những dự án mới. Mặt khác, để tránh lãng phí nhiều diện tích đất trong thời gian dài do dự án “treo”, các Cụm CN nên thực hiện theo kiểu “cuốn chiếu”, dự án đầu tư đến đâu thì san lấp mặt bằng đến đó, tạo điều kiện cho người dân canh tác trên diện tích đất đã quy hoạch nhưng chưa đầu tư.


Bài, ảnh: Hồng Hoa
 


.