Khổ sở vì nạn cân gian, bán thiếu

08:08, 28/08/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Tình trạng cân gian, bán thiếu là vấn đề phổ biến khiến nhiều người tiêu dùng bức xúc trong thời gian dài. It ai biết rằng, nếu phát hiện và khiếu nại với cơ quan chức năng thì người bán hàng gian lận sẽ bị xử phạt theo quy định.

TIN LIÊN QUAN

“Bấm bụng” chịu thiệt

Việc sử dụng cân lệch chuẩn, cân điêu nhằm ăn bớt trọng lượng hàng hóa là chuyện xảy ra thường ngày ở các chợ, hàng rong tại Quảng Ngãi. Người bán hàng với cách này đã thu lợi một cách bất chính. Người tiêu dùng hầu như ai cũng từng bị móc tiền túi ngang nhiên theo cách này chỉ vì dựa theo chỉ số của những chiếc cân “siêu lừa”.

Chị Phan Thị Nguyệt- ngụ ở phường Nghĩa Lộ, TP. Quảng Ngãi kể: Nhiều lần mua trái cây, củ quả hay thịt tươi ở các hàng quán trong chợ về cân lại đều thấy bị hao hụt khoảng 1-2 lạng. Như mới hôm kia thôi, tôi chủ định đi mua quả dưa hấu về chưng bàn thờ. Cân xong chị bán hàng bảo hơn 2 kg. Nghi ngờ về trọng lượng nên tôi về cân lại thì quả dưa chưa đầy 2kg.


Những lần gặp hàng cân gian lận như vậy chị Nguyệt chẳng biết làm gì hơn ngoài việc chọn mua ở hàng khác. Nhưng tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa, nên chị chỉ biết chọn mua ở hàng quen với hy vọng sẽ không bị lừa theo kiểu như vậy nữa.

Cùng nỗi khổ với chị Nguyệt còn có nhiều người tiêu dùng khác. Chị Trần Ái Linh chia sẻ: Tôi đi chợ hay mặc cả vì nghĩ ít ai bán đúng giá. Nhưng nhiều người bán hàng lại chơi chiêu, hễ gặp khách mặc cả thì sẽ cân không đủ ký. Ví dụ như 1kg táo, người bán hàng ra giá 50 nghìn đồng. Tôi trả còn 40 nghìn đồng/kg, họ vẫn bán. Nhưng khi về cân lại thì chỉ còn khoảng 7-8 lạng.
 

Việc cân đúng hay không đều tùy thuộc vào người bán hàng
Việc cân đúng hay không đều tùy thuộc vào người bán hàng.
 
“Bây giờ, tôi đi chợ chẳng tin nổi hàng nào. Không cân điêu, thì cũng bán thiếu. Dù bực mình lắm nhưng biết làm gì được. Không lẽ đi kiện, mà biết kiện ai? Người tiêu dùng chỉ còn biết trông nhờ vào những người bán hàng có lương tâm. Họ cân đủ thì chúng tôi được nhờ. Còn cân thiếu thì cũng đành chịu”- chị Linh rầu rĩ.

Đó cũng là nỗi băn khoăn của nhiều người tiêu dùng. Họ thừa biết là mình bị lừa với nạn cân gian, bán thiếu nhưng cũng đành “bấm bụng” cho qua vì nghĩ là chuyện nhỏ, sợ va chạm. Cách nghĩ này đã tiếp tay cho nạn cân điêu, gian lận hoành hành ở khắp các chợ, lớn nhỏ trong tỉnh.

“Bó tay” với nạn cân điêu?

Không chỉ ở các chợ và hàng rong, việc cân gian, bán thiếu còn được người tiêu dùng ghi nhận ở các mặt hàng trong các siêu thị. Chị Lê Thị Hồng Đào- ngụ phường Nguyễn Nghiêm cho hay: Vì sợ mua ở chợ sẽ bị bán thiếu cân, nên tôi thường vào mua sắm tại siêu thị. Nhưng không thể nào tránh được. Các mặt hàng đóng gói sẵn, ghi rõ trọng lượng vẫn có thể cân hao hụt bớt trọng lượng của hàng hóa như: Muối, bột ngọt, nước đóng chai…

Đứng về phía quyền lợi người tiêu dùng, năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hoá. Theo đó, tiểu thương cân gian, bán thiếu sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng. Mức phạt có thể lên tới 2 - 5 triệu đồng nếu các hành vi gian lận cân, đong hàng hóa có giá trị lớn.

Tuy nhiên, đến nay gần như chưa có vụ vi phạm nào trong lĩnh vực này được phát hiện, xử lý tới nơi tới chốn. Nghị định đã ban hành vẫn chỉ là luật định trên giấy tờ mà chưa thực sự đi vào thực tế cuộc sống.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Công Hòa- Phó Chi cục trưởng Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho biết: Theo định kỳ, Chi cục vẫn thường xuyên phối hợp với Chi cục quản lý thị trường và thanh tra đi kiểm định, kiểm tra các cân đo của các hộ kinh doanh. Với các hộ có đăng ký kinh doanh thì việc kiểm định và xử lý nếu có sai phạm này khá dễ dàng.
 
 
Các mặt hàng đóng gói, đóng chai trong siêu thị vẫn được ghi nhận có tình trạng cân điêu, bán thiếu
Các mặt hàng đóng gói, đóng chai trong siêu thị vẫn được ghi nhận có tình trạng cân điêu, bán thiếu


Tuy nhiên, theo ông Hòa, việc quản lý, xử lý các cân đo của các hộ kinh doanh lẻ tẻ ngoài chợ và những người bán hàng rong là điều không thể. Cứ mỗi lần chúng tôi đi kiểm tra là các tiểu thương tìm cách né tránh, giấu cân đo đi. Hoặc nếu phát hiện có sai phạm thì họ thậm chí vứt chiếc cân đó đi và phủ nhận đó là chiếc cân của họ. Với những tình huống này, thì cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn.

Việc quản lý đã khó, việc xử lý theo quy định pháp luật lại càng khó hơn. Người tiêu dùng “ngậm bồ hòn” cho qua. Cơ quan chức năng cũng “bó tay” với vấn nạn này. Cứ thế, tình trạng cân gian, bán thiếu tiếp tục tràn lan trên thị trường.

 

Bài, ảnh: Thanh Phương

 


.