Lãng phí đất trồng rừng - Kỳ 2: Dân mong có đất trồng rừng

01:07, 14/07/2013
.

(QNg)- Trong khi các Công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi được Nhà nước giao hàng chục nghìn ha nhưng lại bỏ không hàng nghìn ha thì người dân  thiếu đất để trồng rừng. Họ đành đi làm thuê và hợp đồng với các công ty để trồng rừng. Cuộc sống cứ nghèo khổ triền miên nên họ "khát đất" trồng rừng hơn bao giờ hết.


Kéo nhau đi làm thuê

Nhiều lao động miền núi tụm năm, tụm ba ven đường chờ các công ty nông, lâm nghiệp, các tổ chức, cá nhân sở hữu nhiều diện tích đất đến "tuyển" đi phát thực bì, đào hố, dồn đất vào bao ươm keo giống chuẩn bị trồng cây. Hành trang mang theo của họ chỉ cây rựa và vài bộ quần áo. Họ chờ đợi, đến khi chủ rừng mặc cả xong giá thì kéo nhau thành tốp lên rẫy. Một số chị em phụ nữ có con nhỏ, nhưng cuộc sống khó khăn quá cũng đành để con ở nhà cho đứa con lớn chăm sóc. Hỏi chuyện, nhiều người lắc đầu: "Đồng bào được cấp đất ít thôi nên thiếu đất trồng rừng. Một số hộ trồng được rừng, nhưng nhà có người ốm đau phải bán non để lấy tiền chữa bệnh nên giờ phải đi làm thuê thôi".

 

 Người dân ở xã Ba Dinh (Ba Tơ) hợp đồng với các công ty lâm nghiệp trồng rừng, nhưng hưởng lợi chẳng bao nhiêu.
Người dân ở xã Ba Dinh (Ba Tơ) hợp đồng với các công ty lâm nghiệp trồng rừng, nhưng hưởng lợi chẳng bao nhiêu.


 Một ngày làm thuê đào hố, đàn ông được trả 120 nghìn đồng, đàn bà 100 nghìn đồng. Anh Phạm Văn Nhia ở xã Ba Tô chia sẻ: "Xuống đây làm cả tuần mới về. Để có tiền về mua gạo, mua cây giống, mình chẳng dám tiêu pha gì, ngoài mua gạo, muối". Khi nghe hỏi chuyện sao không hợp đồng với công ty lâm nghiệp để trồng rừng, nhiều bà con cho biết: "Hợp đồng với công ty lâm nghiệp khó lắm. Không phải ai cũng được công ty hợp đồng đâu".

Mong mỏi được cấp đất

Không có đất để trồng rừng phải đi làm thuê kiếm sống là quá khổ. Nhưng hợp đồng với công ty lâm nghiệp để trồng rừng cũng chẳng khá gì. Ông H ở xã Ba Động (Ba Tơ), bộc bạch: "Nhà diện hộ nghèo, con đông nên được xã xét vào diện được Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ cho hợp đồng 1 ha đất rừng để trồng keo. Qua 7 năm, phát dọn thực bì, trồng và chăm sóc, đến ngày thu hoạch, bán chia cho công ty theo cách hoàn trả 100% vốn đầu tư, số tiền lợi nhuận còn lại chia đều cho đôi bên, nên tính ra mình còn chẳng bao nhiêu".

Anh Trần N, thôn Nam Lân, xã Ba Động (Ba Tơ) cho biết: "Theo hợp đồng, công ty đầu tư 100% giống cây trồng, phân bón và công trồng chăm sóc. Sau  7 năm thu hoạch, phải nộp sản phẩm 80m3 gỗ keo cho công ty". Thấy khoán nặng quá, anh sợ làm không đủ giao nộp sản phẩm nên đành phải để người khác làm. Anh N thở dài: "Họ khoán kiểu này, nông dân "thở" không nổi”.  

Ông Huỳnh Hoàng - Phó Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ  cho biết: Công ty đã hợp đồng với 1.962 hộ dân để trồng 2.186 ha keo. Đa số họ là hộ nghèo và cận nghèo. Từ năm 2004 đến năm 2010, Công ty đầu tư 100% vốn, sau khi thu hoạch công ty thu lại vốn, lợi nhuận còn lại chia đều".

Nhưng nhiều hộ dân vẫn “khóc ròng" vì họ cho rằng công ty "ngồi mát ăn bát vàng", trong khi đó họ trực tiếp trồng và bảo vệ rừng thì thu nhập quá ít. Chính vì vậy, từ năm 2010 đến nay công ty chuyển hình thức đầu tư 100% vốn, nhưng sau khi thu hoạch, công ty sẽ thu 80m3 gỗ, còn lại của người trồng rừng.

 Công ty lâm nghiệp Ba Tô những năm qua cũng hợp đồng với 300 hộ dân trồng khoảng 300 ha rừng keo, hình thức hợp đồng cũng như Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ. Các công ty nông, lâm nghiệp còn lại cũng có hình thức hợp đồng tương tự. Với cách làm này, nhiều người dân cho rằng, công ty lâm nghiệp chẳng khác gì một tổ chức được Nhà nước giao đất  rồi đem hợp đồng với lao động địa phương để trồng rừng kiếm lợi nhuận. Trong khi đó, người dân địa phương thì thiếu đất sản xuất.

Anh Phạm Văn Năm ở xã Ba Dinh phân tích: "Ngày xưa, đồng bào mình chưa biết trồng rừng nên nhờ có lâm trường ươm cây giống, phổ biến kỹ thuật trồng rừng nên vai trò của các Công ty nông, lâm nghiệp là rất lớn. Còn bây giờ, bà con biết cách ươm giống, trồng rừng theo đúng quy trình kỹ thuật chẳng còn phải nhờ vào các công ty lâm nghiệp nữa. Bà con chỉ mong muốn Nhà nước sớm kiểm tra thu hồi đất của các công ty lâm nghiệp để lãng phí giao cho bà con trồng rừng phát triển kinh tế giảm bớt khó khăn trong cuộc sống".  
                 

  Bài, ảnh: Mai Hạ


*Kỳ 3: Bao giờ cho đến tháng mười?
 


.