Hỗ trợ nhiều, thoát nghèo ít

09:07, 14/07/2013
.

(QNg)- Hằng năm, nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo ở miền núi từ Chương trình 30a và 135 là rất lớn. Tuy nhiên, người nghèo Sơn Tây vẫn chưa thể tận dụng cơ hội này để thoát nghèo.

TIN LIÊN QUAN


Ý thức thoát nghèo chưa cao

Theo chân đoàn giám sát của HĐND tỉnh, chúng tôi tìm đến nhà của những hộ đã được cấp bò giống thuộc Chương trình 30a tại xã Sơn Tinh (Sơn Tây). Một thực tế đáng buồn là phần lớn số bò cái giống được cấp trước đó đều đã chết sau 1-2 tháng nuôi. Trong tổng số 11 hộ được cấp thì chỉ còn 2 hộ có bò còn sống, 1 hộ đổi bò lấy trâu, 8 con chết.

Ông Bùi Văn Ba – Chủ tịch UBND xã Sơn Tinh lý giải, hiệu quả nuôi bò không cao là do giá mua phê duyệt quá thấp (5 triệu đồng/con) lại trúng thời điểm giá thị trường cao nên chất lượng bò không đạt. Hơn nữa bò lại được cấp vào mùa mưa, trong khi tập quán thả rông vẫn còn, việc che chắn chuồng trại cho trâu, bò vào mùa lạnh chưa được người dân chú trọng, kiến thức chăm sóc cho bò của người dân còn nhiều hạn chế, một số hộ do nhận thức kém đã lén bán bò.

Không riêng gì bò giống, mà số lượng dê Bách Thảo, gà kiến mái, heo Móng Cái được hỗ trợ cũng nhanh chóng “biến mất”. Trong số 12 con dê được cấp cho 10 hộ thì có 10 con được báo là chết, hai con còn sống thì người dân đã làm thịt ăn. Riêng 1.000 gà mái kiến không con nào còn sống sót chỉ sau một thời gian ngắn. Như vậy thực tế cho thấy bên cạnh một số nguyên nhân khách quan, thì ý thức của người dân trong việc chăm sóc và phát triển vật nuôi được hỗ trợ còn nhiều hạn chế.

Khoảng cách giữa cơ hội và hiện thực còn lớn

Từ năm 2009 đến nay, số lượng cây, con giống được hỗ trợ tại xã Sơn Tinh là rất lớn. Tuy nhiên, số lượng cây, con giống còn sống sót là rất thấp. Thực tế chứng minh rằng không phải bất cứ loại cây, con nào cũng có thể sinh trưởng và phát triển tốt trên vùng đất Sơn Tây. Trong các loại giống cây đã hỗ trợ gồm: Keo lai giâm hom, mít Thái Lan siêu sớm, xà cừ, sưa, tre lấy măng, thì chỉ có cây keo lai là mang lại hiệu quả cao vì kỹ thuật chăm sóc giản đơn, người dân đã có kinh nghiệm trồng cây keo, thổ nhưỡng phù hợp nên cây phát triển tốt. Còn các cây khác tỷ lệ sống rất thấp.

Ông Phạm Viết Nho – Trưởng Ban Dân tộc, Hội đồng Nhân dân tỉnh cho rằng: Cần có sự rà soát, kiểm tra trước khi xin hỗ trợ cây, con giống. Không nên xin hỗ trợ ồ ạt nhiều loại cây mà thực tế  không thể phát triển được trên địa bàn. Theo ông Nho thì cây sưa thật sự không phù hợp với điều kiện ở Sơn Tây, thậm chí là nhiều nơi khác vì loại cây này đòi hỏi kỹ thuật cao.

Mặc dù cơ hội đã đến với đồng bào vùng cao, nhưng họ vẫn chưa thể biến những cơ hội này thành hiện thực, vì khoảng cách giữa cơ hội và hiện thực còn quá lớn. Vì thế, ngoài việc chọn những loại giống phù hợp để hỗ trợ cho người dân, thì chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ tầm quan trọng của sự hỗ trợ là nhằm mục đích thoát nghèo.
    

Hồng Hoa
 


.