Thị trường đồ chơi trẻ em: "Đỏ mắt" tìm hàng Việt

08:06, 18/06/2013
.

(QNĐT)- Mặc dù rất nhiệt tình hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhưng nhiều bậc phụ huynh “chuộng hàng nội” tìm đỏ mắt cũng chẳng mua được đồ chơi nội vừa ý cho con trẻ.

TIN LIÊN QUAN


*Đỏ mắt tìm hàng Việt

Thời điểm mùa hè là cơ hội nhân đôi để kinh doanh các mặt hàng đồ chơi trẻ em. Dọc trên các tuyến đường Ngô Quyền, Lê Khiết, các siêu thị, đồ chơi trẻ em ngút hàng, đa dạng chủng loại và sặc sỡ sắc màu.

Vừa loay hoay chọn đồ chơi cho cậu nhóc 2 tuổi ở Hiệu buôn Sơn Xê (số 22, đường Lê Khiết), chị Nguyễn Thị Thư, ở tổ 19, phường Nghĩa Lộ (TP. Quảng Ngãi) cho biết: Cả cửa hàng có đến vài nghìn đồ chơi mà món nào cũng thấy chữ “Made in China”, dành cho trẻ em trên 3 tuổi nên mình không an tâm. Tìm qua mấy cửa hàng để mua đồ chơi cho con trai, cũng không tìm được một món hàng Việt Nam nào. Tôi thật sự bối rối, không biết chọn đồ chơi nào cho con.

 

Nhiều bậc phụ huynh đỏ mắt tìm đồ chơi hàng Việt Nam sản xuất cho con.
Nhiều bậc phụ huynh "đỏ mắt" tìm đồ chơi hàng Việt Nam sản xuất cho con.



Trong khi đài báo liên tục đưa tin đồ chơi Trung Quốc độc hại, gây vô sinh, anh Nguyễn Đang Phong, ở tổ 24, phường Trần Phú tỏ ra khá cẩn thận và cầu toàn khi dành cả buổi sáng để tìm đồ chơi Việt Nam sản xuất, nhưng thật sự rất khó chọn đồ chơi vừa an toàn vừa phát triển trí tuệ cho con.

“Hàng Việt chỉ là những đồ chơi mờ nhạt như xe jeep, xe ben, lắc tay, bong bóng, vợt tennis… Những đồ chơi này nhóc chán không thèm chơi, mình đành chọn siêu nhân lắp ráp Trung Quốc. Biết là nguy hiểm, nhưng chẳng còn cách nào. Không mua thì nhóc con ăn vạ, khóc nhè suốt ngày”- anh Phong lo lắng.

*Muốn cũng không có để bán

Dạo quanh một vòng các cửa hiệu đồ chơi, siêu thị ở TP. Quảng Ngãi, có thể thấy đồ chơi trẻ em có xuất xứ Trung Quốc ngập tràn, chiếm đến 90% thị phần. Từ kèn, búp bê, xe đạp, ô tô, xe đẩy, bộ xếp hình, đồ nấu ăn, thú vật, vỉ túi xe… đến siêu nhân lắp ráp đều mang dòng chữ “Made in China”. Hầu hết đồ chơi Trung Quốc đều có tem chứng nhận hợp quy (CR), ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ, đơn vị phân phối, nhưng tính chính xác của loại tem này thì lấy gì để đảm bảo?

Theo anh Đỗ Hữu Xuân, chủ cửa hàng đồ chơi Sơn Xê cho biết: Cửa hàng khoảng 3.000 đồ chơi các loại và đa phần là hàng Trung Quốc. Hiện đồ chơi siêu nhân lắp ráp và các loại ô tô điều khiển hút khách hơn cả. Hàng Trung Quốc vừa đẹp giá lại rẻ, thông dụng từ 100.000-200.000 đồng/mặt hàng.

Khi được hỏi tại sao không bán hàng Việt Nam sản xuất, anh Xuân nói chắc nịch: “Muốn bán cũng không biết lấy hàng từ đâu để bán. Chị không tin thì đi hỏi khắp các cửa hiệu đố ai dám nói cửa hàng tôi bán hàng Việt Nam chất lượng cao?”.

Thời gian gần đây, báo chí, ti vi liên tục đưa tin đồ chơi Trung Quốc chứa chất độc, khiến việc buôn bán khá trì truệ. Nhiều chủ cửa hàng cho hay muốn đóng cửa, bỏ nghề, nhưng gắn bó đã lâu nên “giồng mình” cầm cự. Ngày xưa, mỗi ngày bán vài triệu đồng, giờ chỉ còn vài trăm nghìn.  

 

Đồ chơi Trung Quốc đang bày bán tràn ngập thị trường.
Đồ chơi Trung Quốc đang bày bán tràn ngập thị trường.



“Ngày nào cũng có người hỏi hàng Việt, đắt đỏ mấy họ cũng mua, nhưng nghẹt nổi, cả nước thử hỏi có mấy doanh nghiệp sản xuất đồ chơi trẻ em? Nhiều người chọn khắp TP. Quảng Ngãi không tìm được đồ chơi ưng ý cho con đành đặt mua hàng của Mỹ, Nhật, Hồng Kông ở tận TP. Hồ Chí Minh”- anh Xuân phân trần.

Theo khảo sát, hiện đồ chơi do Việt Nam sản xuất chủ yếu là những đồ chơi trí tuệ làm từ gỗ. Tuy giá cả không đắt nhưng do chủ yếu được làm thủ công nên kiểu dáng khá đơn điệu, màu sắc nghèo nàn khiến trẻ con không thích.

Cùng  quan điểm, chủ cửa hàng đồ chơi Đồng Hưng trên đường Ngô Quyền thì lý giải, hàng Việt Nam sản xuất vừa ít vừa đơn điệu, giá lại đắt. Trong khi mặt hàng cùng chủng loại do Trung Quốc sản xuất vừa rẻ vừa đẹp, màu sắc bắt mắt, đa dạng về chủng loại và mẫu mã nên người mua dễ dàng lựa chọn.

Hàng Trung Quốc, thích gì có đó. Chỉ cần bỏ vài chục nghìn đồng, các bậc phụ huynh có thể mua vài thứ đồ chơi cho trẻ. Họ chiếm lĩnh thị phần Việt Nam bởi sự phong phú, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Quả thật, bằng mắt thường, không khó để chúng tôi nhận ra ông chủ cửa hàng nói rất có lý khi nhựa hàng Trung Quốc rất trong, còn hàng Việt Nam đục hơn hẳn.

*Cần “ưu ái” cho doanh nghiệp nội?

Trong khi các cơ quan chức năng liên tục kiểm nghiệm và khẳng định có nhiều chất độc ảnh hưởng tới sức khỏe trẻ em trong những loại đồ chơi Trung Quốc thì người mua "đỏ mắt" cũng chẳng tìm ra hàng Việt Nam để mua. Người bán dù rất muốn lại chẳng có hàng để bán. Đây quả là nghịch lý khi Nhà nước ta đang đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

 

Ưu đãi cho doanh nghiệp
Cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích cho doanh nghiệp tham gia nhiều vào thị trường này, để người tiêu dùng không quay lưng với hàng Việt.



Rõ ràng, không thể chỉ đặt trách nhiệm lên vai người tiêu dùng hay doanh nghiệp mà có cả trách nhiệm lớn của Nhà nước để người tiêu dùng không quay lưng với hàng Việt. Hơn thế nữa là trách nhiệm của Nhà nước với thế hệ tương lai của đất nước.

Song với sự chủ động, linh hoạt của doanh nghiệp trong thiết kế mẫu mã, chủng loại đạt chất lượng, để các sản phẩm đồ chơi Việt dần dần lấy lại thị trường, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đắc lực, đồng thời ưu đãi, khuyến khích nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường tiềm năng này. Có như vậy mới thúc đẩy được doanh nghiệp và mang lại những sản phẩm an toàn cho sức khỏe, sự phát triển trí tuệ của trẻ.



Bài, ảnh: Ái Kiều



 


.