Nhiều địa phương lãng phí vốn trái phiếu chính phủ

01:05, 19/05/2013
.

Tình trạng vi phạm việc lập, thẩm định, phê duyệt tổng dự toán, dự toán công trình khá phổ biến ở một số địa phương...
 

 

Trước thềm kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006-2012 khẳng định: việc Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định chủ trương phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) cho đầu tư các công trình, dự án quan trọng giai đoạn này là đúng đắn, góp phần quan trọng nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nói chung và của từng địa phương nói riêng. Cụ thể, trong lĩnh vực giao thông, đến hết năm 2012 đã hoàn thành được 763 dự án; Lĩnh vực thủy lợi đến hết năm 2012 đã hoàn thành được 633 dự án; Lĩnh vực y tế đến hết năm 2012 đã hoàn thành 572 dự án; Chương trình xây dựng ký túc xá sinh viên đến hết năm 2012 đã hoàn thành được 46 dự án; Đề án kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ giáo viên có tổng nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2008-2012 là 30.966 tỷ đồng, đạt 124,5% kế hoạch.

Tuy nhiên, việc thi hành luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng vốn TPCP cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012 còn tồn tại một số hạn chế như: chất lượng qui hoạch chưa cao, có tình trạng quy hoạch chồng lấn qui hoạch; nhiều dự án trước khi quyết định đầu tư chưa đảm bảo thực hiện đúng qui định này; chất lượng khảo sát, thiết kế ở nhiều dự án chưa đạt yêu cầu; tình trạng vi phạm việc lập, thẩm định, phê duyệt tổng dự toán, dự toán công trình khá phổ biến ở một số địa phương; Nhiều trường hợp lựa chọn nhà thầu không đảm bảo năng lực, việc thực hiện đấu thầu trong nhiều trường hợp chưa đúng qui định; việc chỉ định thầu còn tràn lan, tùy tiện… Tinh trạng các dự án dở dang, kéo dài, không đảm bảo tiến độ trong thực hiện, thi công các dự án vẫn còn tồn tại. Công tác quản lý, phân bổ, cấp phát, thanh toán và quyết toán vốn cho nhiều dự án đầu tư còn buông lỏng, không đúng qui định.

Trên cơ sở phân tích thực trạng, đưa ra những nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, báo cáo cũng đưa ra một số kiến nghị đối với Quốc hội; đối với Chỉnh phủ, đối với các Bộ, ngành, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và các địa phương để nâng cao hiệu quả việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản trong thời gian tới.

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét cho ý kiến về Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Theo đó, điểm nổi bật trong dự thảo là bổ sung các biện pháp thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng tài sản, vốn, tài nguyên, cơ chế phát hiện lãng phí, trách nhiệm xử lý thông tin phát hiện lãng phí, nhất là tăng cường tính công khai trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản của Nh nước. Khoản 5, điều 8 của dự thảo cũng đã qui định rõ hơn về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó bổ sung trách nhiệm giải trình trước cơ quan chức năng và trước công luận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc để xảy ra lãng phí trong đơn vị mình, tùy theo mức độ vi phạm phải chịu trách nhiệm trực tiếp, gián tiếp và liên đới./.



Theo Vũ Hạnh/VOV online


.