Dự lường khó khăn để nâng cao khả năng cạnh tranh

09:05, 04/05/2013
.

(QNg)- Những cơ hội về thị trường rộng lớn đã được các doanh nghiệp (DN) của tỉnh nắm bắt để đẩy mạnh xuất khẩu. Song trước xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, lộ trình cắt giảm thuế quan đang được thực hiện mạnh mẽ thì việc cạnh tranh đối với DN trong nước nói chung và trong tỉnh nói riêng sẽ ngày càng gay gắt hơn.

TIN LIÊN QUAN


Tranh thủ cơ hội

Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam phải thực hiện các cam kết cắt giảm thuế quan đã ký kết. Nắm bắt lộ trình cắt giảm thuế, các DN đã điều chỉnh chiến lược sản xuất kinh doanh nên hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của các DN trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến đáng kể; xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước và trên quy mô rộng; duy trì và chiếm lĩnh được những thị trường lớn, khó tính là những thành công lớn của các DN tỉnh nhà, góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng chung của tỉnh.

 

Ông Võ Văn Danh-Giám đốc Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi cho hay, trong lúc nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, DN đã chủ động đưa ra những chiến lược, đổi mới phương thức kinh doanh như: Cải tiến sản phẩm, đưa ra thị trường những sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu của khách hàng; đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm tinh, sản phẩm qua chế biến và các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chất lượng tốt, mẫu mã phong phú, đa dạng về chủng loại đáp ứng yêu cầu thị trường.

 

Đổi mới dây chuyền công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm là yêu cầu trong quá trình hội nhập.
Đổi mới dây chuyền công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm là yêu cầu trong quá trình hội nhập.


Chính vì thế, tuy bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng nhờ các biện pháp hỗ trợ kịp thời của Chính phủ; các DN xuất nhập khẩu đã tranh thủ các chính sách của Nhà nước kịp thời đề ra kế hoạch sản xuất, tập trung đẩy mạnh hoạt động kinh doanh nên đã đạt được một số kết quả nhất định.  Chỉ tính trong năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu của Quảng Ngãi đạt trên 400 triệu USD, tăng 74% so với kế hoạch và tăng 59% so với cùng kỳ năm 2011.


 Kết quả trên cho thấy sự nỗ lực không ngừng và kiên trì phấn đấu của một số DN xuất khẩu chủ lực trong việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời tăng cường công tác xúc tiến mở rộng thị trường. Nếu như trước đây hàng hoá xuất khẩu của tỉnh Quảng Ngãi tập trung xuất khẩu vào các thị trường: Trung Quốc, Mỹ, EU, ASEAN, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hồng Kông, Braxin, Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Đan Mạch… thì đến nay, thị trường xuất khẩu được phát triển và mở rộng thêm một số nước như: Ả rập Xê Út, Turkmenistan, Isarel, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Đức… nâng tổng thị trường xuất khẩu của tỉnh lên trên 30 nước, góp phần làm tăng kim ngạch xuất khẩu.

Sẽ đối mặt với nhiều khó khăn

 Ông Nguyễn An-Phó Giám đốc Sở Công thương cho hay, việc thực hiện các hiệp định mậu dịch tự do đa phương (FTA) trong châu lục ngày càng sâu rộng, mở ra thị trường rộng lớn về xuất nhập khẩu hàng hoá, tài chính, đầu tư nước ngoài (FDI), khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, nhân lực... tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt trong môi trường hội nhập. Bên cạnh đó, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN (AFTA) bước vào thời kỳ hợp tác mới theo Hiến chương ASEAN, xây dựng cộng đồng dựa trên ba trụ cột: chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội; hình thành một khối thị trường thống nhất, rộng lớn; tạo điều kiện để các nước thành viên tiếp tục khai thác lợi thế sẵn có, thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng phát triển và đi vào chiều sâu trong đó có Việt Nam. Mở cửa thị trường, thuế nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất giảm, chi phí đầu vào giảm, giá thành hàng hóa sản xuất trong nước thấp hơn sẽ làm gia tăng khối lượng hàng hóa lưu thông, thu thuế có thể sẽ tăng.

 

Các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn khi thị trường trong khối ASEAN ngày càng rộng mở.
Các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn khi thị trường trong khối ASEAN ngày càng rộng mở.


Vấn đề còn lại, liệu sự gia tăng số thu từ hàng hóa sản xuất trong nước (nhờ nhập khẩu nguyên liệu giảm) của các DN có bù đắp nổi mức giảm số thu thuế nhập khẩu? Đồng thời, hàng hóa nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam đang tăng dần về số lượng, nhất là hàng thực phẩm, hóa mỹ phẩm với nhiều chủng loại, phong phú, đa dạng, mẫu mã đẹp. Đây là vấn đề mà các DN cần chú ý, quan tâm trong thời gian tới để hội nhập vào các nước trong khu vực.

Nếu như việc cắt giảm thuế trong lĩnh vực công nghiệp chưa tác động mạnh đến sản xuất công nghiệp của Quảng Ngãi (chịu tác động một số nhóm, mặt hàng như xăng dầu, sắt thép, xi măng, phân hóa học, giấy, dệt may, giày dép), thì trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp sự tác động sẽ rõ nét hơn. Việt Nam cam kết với WTO cắt giảm thuế nhập khẩu bình quân đối với lĩnh vực nông nghiệp là 25,2%.

 

So sánh với mức thuế theo nguyên tắc tối huệ quốc (MFN) bình quân đối với lĩnh vực nông nghiệp năm 2007 là 23,5% thì mức cắt giảm đi là 10%. Riêng 4 mặt hàng: Trứng, đường, thuốc lá, muối, Việt Nam được áp dụng cơ chế hạn ngạch thuế quan thấp hơn nhiều so với mức thuế ngoài hạn ngạch. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm này, tạo ra sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa sản phẩm nhập khẩu và sản xuất trong nước trên thị trường tỉnh Quảng Ngãi.

 Từ những dự báo trên, ngoài sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách, các DN cần có định hướng, xây dựng chiến lược cụ thể, đầu tư trang thiết bị, tìm hiểu thị trường, để phát triển sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.  

 

Bài, ảnh: Hoàng Triều
 


.