Cánh đồng mẫu lớn: Nâng tầm nghề nông

04:05, 02/05/2013
.

(QNg)- Từ hiệu quả của một số cánh đồng lúa chất lượng cao vụ hè thu này, ngành nông nghiệp sẽ “nâng cấp” thành “Cánh đồng mẫu lớn”. Đây là bước phát triển tất yếu nhằm nâng tầm sản xuất trên cả quy mô và hiệu quả cho nông dân…

TIN LIÊN QUAN


Dù còn nhiều khó khăn như: Đồng ruộng chưa liên vùng liên thửa, nông dân còn sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống, ít doanh nghiệp (DN) đầu tư… nhưng theo nhận định của ngành nông nghiệp, những bài toán này sẽ sớm được cánh đồng mẫu lớn (CĐML) tìm ra đáp án.

Đổi nếp nghĩ, thay cách làm...


Trong sản xuất lúa, ông bà ta có câu “công cấy là công bỏ, công làm cỏ là công ăn”. Điều này cho thấy, việc chăm sóc được đánh giá là một trong những yếu tố quyết định năng suất và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên lâu nay, nông dân quan niệm “phân nhiều tốt cây, sai quả” và rập khuôn quy trình chăm sóc. Vì vậy mới có chuyện ruộng lúa tốt bời bời nhưng năng suất lại thua xa đám “vàng lá” bên cạnh. Lý giải điều này, ông Phạm Văn Tuân, Trưởng Phòng Nông nghiệp, Sở NN&PTNT cho rằng, nông dân thường mặc định “lúa xanh hạt chắc”. Thế nên cứ thấy chúng đổi màu, nhìn không “mát mắt” là vội bón phân mà quên tìm hiểu kỹ nguyên nhân. Bởi có những giống lúa khi chuyển giai đoạn (hoặc gặp nhiệt độ cao) thường vàng sinh lý nên nếu được “ăn” phân, sẽ làm mồi cho sâu bệnh. Đây được xem là một trong những lý do khiến không ít nông dân “chết” với giống lúa VN121 trong vụ đông xuân vừa qua.  

 

 Niềm vui trúng mùa của nông dân xã Đức Nhuận (Mộ Đức) nhờ sự hỗ trợ kỹ thuật của doanh  nghiệp.
Niềm vui trúng mùa của nông dân xã Đức Nhuận (Mộ Đức) nhờ sự hỗ trợ kỹ thuật của doanh nghiệp.


Một thói quen nữa của nhà nông là gieo sạ với mật độ quá dày (6-8 kg giống/sào) nên khi những loại giống mới, chất lượng cao được phép ra đồng thì họ ngại sử dụng vì... ít, chỉ 2,5-3,5 kg/sào! Hoặc có đồng ý sản xuất thì nông dân cũng lén tăng thêm giống để phòng trừ… hao hụt! Tuy nhiên, đó là kiểu sản xuất mạnh ai nấy làm. Còn với CĐML thì khác, tất cả quy trình sản xuất đều phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của các nhà chuyên môn với nguyên tắc 4 chung: Chung giống, chung thời gian gieo sạ, chung các biện pháp “làm cỏ” (áp dụng kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” và quản lý dịch hại IPM) và chung thời gian thu hoạch. “Chính những cái “chung” này sẽ giúp nông dân gặt hái nhiều thứ: Sản xuất thuận lợi, hiệu quả tăng cao và chi phí giảm. Từ đó thay đổi được nếp nghĩ lẫn cách làm của họ theo hướng hiện đại hơn” - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đào Minh Hường khẳng định.

Nếu như hiện nay, nông dân phải “bơi” giữa biển giống, phân bón và các loại vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp thì với CĐML, họ sẽ được DN san sẻ gánh nặng này. Bởi, sự ra đời của CĐML là kết quả từ việc liên kết “4 nhà” (nông dân, DN, khoa học và Nhà nước) dù trước đó, cánh đồng lúa chất lượng cao cũng đã có sự phối hợp trên nhưng hiệu quả mang lại còn thấp.

Theo ý kiến của ông Võ Lê Duy Lâm, Cán bộ phụ trách kinh doanh thị trường Công ty phân bón Bình Điền Quảng Trị thì, kinh nghiệm hợp tác với nhiều địa phương cho thấy sự ra đời của CĐML chẳng khác nào thỏi nam châm “hút” DN về với đồng ruộng. Bởi, “một khi nông dân vững kỹ thuật, hiệu quả sản xuất nâng cao thì không có lý do gì DN làm ngơ và đứng ngoài cuộc”, ông Lâm khẳng định.

... Để đôi bên cùng hưởng lợi
 

Xây dựng CĐML là chủ trương lớn của ngành nông nghiệp nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Thực tế cho thấy, ngoài lợi nhuận cao do chi phí sản xuất thấp, thì cái được lớn nhất mà CĐML mang lại cho nông dân chính là kỹ thuật thâm canh. Về diện tích, chúng ta không thể rập khuôn với các tỉnh bạn (30 ha/cánh đồng) vì điều kiện tự nhiên khác nhau. Do đó, CĐML của ta chỉ cần 10 ha trở lên là đạt yêu cầu”, ông Đào Minh Hường - Phó giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định.

Vụ đông xuân vừa qua đã chứng kiến những cung bậc cảm xúc của nông dân trong tỉnh: Nơi vui vì lúa bể bồ, chỗ buồn do mất mùa thảm hại. Gây ra tình trạng này, ngoài sự “góp mặt” của nhiều yếu tố như giống, điều kiện thời tiết, mùa vụ… thì cách “làm cỏ” của bà con nông dân cũng là điều đáng bàn. Đơn cử như giống lúa hiện mang “tai tiếng” với nông dân là VN121. Vì sao ở xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành), Phổ Cường (Đức Phổ) xảy ra chuyện “hạt lép ép hạt chắc” nhưng các xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh), Bình Dương (Bình Sơn) hay Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) thì ngược lại, lúa đầy bồ?. Ở đây, có một khác biệt nho nhỏ.

Đó là tại Bình Dương, Tịnh Trà và Nghĩa Trung, VN121 có mặt trong diện cánh đồng lúa chất lượng cao, còn Hành Tín Tây và Phổ Cường thì không. “Kỹ thuật xử lý bệnh của nông dân trong vùng lúa chuyên canh vững hơn, tốt hơn”, ông Võ Tấn Đại, Chủ nhiệm HTX Bình Dương lý giải. Ông Đại cũng cho rằng, khi nông dân đã thuần thục kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” và cách phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM thì khi cây lúa có sự biến đổi bất thường, hay gặp sâu bệnh, họ biết cách xử lý trúng và kịp thời. Bằng chứng là dù bị bệnh đạo ôn, đạo ôn cổ bông ghé thăm nhưng VN121 vẫn mang về cho nông dân các địa phương trên năng suất hơn 60 tạ/ha. Đó là cái lợi lớn nhất mà cánh đồng lúa chất lượng cao - tiền thân của CĐML mang lại cho nhà nông. Vì vậy, trong vụ hè thu này Bình Dương sẽ trình làng CĐML trên diện tích 90 ha. Đây là khu liên vùng liên thửa đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi.

Cùng với Bình Dương, các huyện như Mộ Đức, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành cũng đang rốt ráo lựa chọn những xứ đồng thuận lợi về tưới tiêu, giao thông để xây dựng CĐML ngay trong vụ hè thu 2013 này. Song hành với hoạt động trên, Sở NN&PTNT cũng tích cực giúp đỡ các địa phương phổ biến quy trình sản xuất cho nông dân một cách cặn kẽ; đồng thời liên kết các DN nhằm hỗ trợ giống, phân bón đảm bảo chất lượng và phù hợp với từng chân ruộng.


Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.