Sơn Hà: Phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa

09:03, 15/03/2013
.

(QNg)- Những năm qua, huyện Sơn Hà đã đẩy mạnh việc thực hiện chuyển đổi mùa vụ, giống cây trồng, vật nuôi, vận động nhân dân chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá. Từ chủ trương trên, nhiều hộ gia đình đã đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng "Sind hoá đàn bò, nạc hoá đàn heo", nuôi thả gia cầm ở các trang trại hoặc ở khu vực vườn nhà. Với hướng chăn nuôi này, các hộ gia đình đã có điều kiện nâng cao nguồn thu nhập, cải thiện được đời sống kinh tế gia đình.

Theo số liệu thống kê của huyện, đến đầu năm 2013 toàn huyện có trên 80.000 con gia súc và trên 180.000 con gia cầm. Trong đó, đàn bò có 27.864 con, tăng trên 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Để giúp nhân dân lai tạo đàn bò, vài năm trở lại đây, huyện Sơn Hà đã tranh thủ sự đầu tư của tỉnh và các chương trình dự án mua hỗ trợ cho nhân dân hơn 300 con bò đã được lai tạo và hơn 20 con bò đực giống lai sind. Số bò trên được đưa về giao cho các hộ dân tại những vùng có nhiều bò cái sinh sản.

 

Mô hình chuồng nuôi trâu cải tiến (do Sở Khoa học Công nghệ đầu tư) ở xã Sơn Thành.
Mô hình chuồng nuôi trâu cải tiến (do Sở Khoa học Công nghệ đầu tư) ở xã Sơn Thành.


Cùng với việc phối giống bò lai sind từ các huyện đồng bằng, số bò đực giống trên đã trực tiếp phối giống ngay tại địa phương. Nhờ đó, số bê lai sind ra đời ngày càng tăng. Đến nay, toàn huyện có gần 4.000 con bò lai sind, chiếm 14,2% so với tổng đàn. Trong chương trình nạc hóa đàn lợn, bà con đã chú trọng đến các giống heo hướng nạc, mỗi năm duy trì tổng đàn ở mức hơn 40.000 con, thịt hơi xuất chuồng hàng năm đạt trên 4.200 tấn. Nhân dân ở các  địa phương như Sơn Thành, Sơn Hạ, thị trấn Di Lăng đã biết tận dụng tiềm năng của đất gò đồi có độ dốc thấp, đất nà thổ trồng cỏ tạo nguồn thức ăn cho gia súc. Mặt khác, người dân đã biết chất cây rơm dự trữ thức ăn cho gia súc, nhờ đó trâu, bò không còn bị hiện tượng chết vì thiếu đói trong mùa mưa lạnh.

Bên cạnh việc phát triển đàn gia súc theo hướng hàng hoá, nhiều hộ gia đình ở các xã Sơn Thành, Sơn Hạ còn phát triển mạnh đàn gia cầm như gà, vịt, ngan. Nhờ chủ động đề phòng dịch bệnh như khi nghe thông tin ở các địa phương khác trong tỉnh có hiện tượng gia cầm bị bệnh chết hàng loạt, thì các hộ nuôi gia cầm có quy mô lớn ở huyện Sơn Hà đã chủ động dùng vôi và theo sự hướng dẫn của Trạm thú y huyện dùng các loại hoá chất khác ngăn chặn dịch bệnh cho đàn gia cầm của mình. Nhờ đó, các loại dịch bệnh đã được khống chế kịp thời. Nhìn chung đàn gia súc, gia cầm ở huyện Sơn Hà trong những năm gần đây đã phát triển ổn định.

Ngoài việc các hộ gia đình chủ động tiêm phòng cho gia súc, huyện Sơn Hà cũng đã hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách để mua vắc xin tiêm phòng cho đàn gia súc gia cầm, giúp bà con nông dân yên tâm phát triển chăn nuôi. Nhờ thay đổi được nhận thức trong chăn nuôi, nên bà con nông dân đã chú trọng hơn đến việc chọn vật nuôi, như nuôi heo hướng nạc thay cho nuôi heo cỏ ít tăng trọng, mua bê lai sind về nuôi thay cho việc nuôi bò địa phương. Tuy vậy, do đặc thù của một huyện miền núi, phần lớn  người chăn nuôi đều có kinh tế khó khăn, nên việc phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá vẫn còn mang tính tự phát, có thời điểm nuôi hàng chục con heo và bò, nhưng có lúc trong chuồng không nuôi một con gia súc nào, nên mức thu nhập trong chăn nuôi chưa thực sự ổn định.

Có dịp về các địa phương, tham khảo các mô hình kinh tế, nghe các hộ chăn nuôi bộc bạch một số vấn đề liên quan đến việc mở rộng chăn nuôi, mới thấy hết những khó khăn mà hộ chăn nuôi gặp phải. Như vay vốn ngân hàng, có trường hợp đến thời gian trả nợ lãi và gốc, trong khi bò nuôi đang có chửa cũng đành phải bán trả nợ ngân hàng, vì vậy hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi đem lại thấp. Mặt khác nguồn bò đực giống lai sind quá ít, nhiều gia đình muốn lai tạo phải đưa bò cái đi trên 15 km mới có điều kiện phối giống, gây trở ngại cho các hộ gia đình.

Để giúp người dân phát triển chăn nuôi ổn định, Trạm khuyến nông huyện cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng dẫn và giới thiệu cho bà con nông dân tiếp cận với các loại vật nuôi mang tính hàng hoá có hiệu quả kinh tế cao, trạm thú y huyện nên có chương trình tập huấn đại trà cho nông dân, giúp họ biết cách theo dõi, đề phòng dịch bệnh cũng như có kiến thức phòng bệnh cho gia súc. Hy vọng, những mong muốn của người chăn nuôi được quan tâm, việc phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa sẽ tạo ra hướng đi mới, giúp bà con nông dân ở huyện Sơn Hà từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống gia đình.


Bài, ảnh:  Đức Toàn

 


.