Để doanh nghiệp thật sự là đối tác, là bạn đồng hành

01:03, 19/03/2013
.

(QNg)- Theo bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2012 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (PCI) công bố, tỉnh Quảng Ngãi đứng thứ 27, nghĩa là rớt 9 bậc (so với vị trí 18 năm 2011) và từ nhóm xếp hạng tốt xuống nhóm hạng khá. Đây là thông tin không mấy vui.

TIN LIÊN QUAN


Trong nỗ lực cải thiện chỉ số PCI, cuối năm 2011, UBND tỉnh phối hợp với VCCI-chi nhánh Đà Nẵng tổ chức Hội thảo cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Qua hội thảo này, Quảng Ngãi đề ra các giải pháp đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính nhà nước trong giai đoạn 2011-2015, xem đây là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, cải thiện chỉ số PCI là nhiệm vụ quan trọng trong cải cách hành chính.

Chúng ta đã nhận diện: Thủ tục thuế, đất đai và đăng ký kinh doanh... còn rườm rà là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chỉ số PCI của tỉnh thấp. Bên cạnh đó, tính năng động và tiên phong của lãnh đạo các cấp; sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo các sở, ban ngành và địa phương trong chỉ đạo điều hành công việc, cũng như mức độ tham mưu cho lãnh đạo tháo gỡ những vướng mắc của doanh nghiệp (DN)… còn những hạn chế. Dù vậy, trong một năm qua, chúng ta vẫn chưa cải thiện được nhiều. Trong 9 chỉ số thành phần (để đánh giá PCI), Quảng Ngãi chỉ được đánh giá cao ở 2 chỉ số: Chi phí gia nhập thị trường và chi phí không chính thức.

Cũng như nhiều tỉnh, thành khác, Quảng Ngãi cũng xác định DN là bạn đồng hành và thành công của DN là thành công của tỉnh. Song qua khảo sát của VCCI thì mức độ hài lòng của DN trên địa bàn tỉnh đối với việc giải quyết của các cơ quan công quyền là chưa cao.

Liên quan đến bảng xếp hạng PCI, với những bước cải tiến của mình, Đồng Tháp, một tỉnh nghèo ở Đồng bằng sông Cửu Long, đã vươn lên xếp đầu bảng xếp hạng PCI (năm 2011 xếp hạng 4). Đồng Tháp cũng xác định DN là đối tác, là bạn đồng hành và họ đã biến "khẩu hiệu" đó thành hành động thật sự. Ở đó, cơ quan công quyền không chờ DN tìm đến để "xin" rồi giải quyết "cho" mà họ chủ động tìm đến DN, hỏi DN muốn gì, cần gì, khó khăn gì để giải quyết càng nhanh càng tốt (những người giải quyết phải là Ban giám đốc các sở, ngành liên quan trực tiếp tiếp xúc làm việc, giải quyết).

Ở đó, họ cũng giải quyết theo cơ chế "một cửa", song trong quá trình tiếp xúc với DN thì họ tận tình chỉ dẫn, giúp đỡ DN hoàn tất hồ sơ một cách nhanh nhất. Ở đó, việc gì mà sở, ngành có thể làm giúp DN thì phải làm, chứ không "bắt" DN đi tới đi lui tìm kiếm, xin xỏ mất thời gian. Và ở đó, sau khi giúp cho DN có giấy chứng nhận đầu tư một cách nhanh nhất, họ còn theo sát để hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn trong quá trình xây dựng nhà xưởng, tuyển dụng lao động, tìm nguồn nguyên liệu, vận chuyển… Xác định DN là đối tác là bạn đồng hành, họ theo sát DN. Chính vì thế, để đồng hành với DN, chúng ta phải hành động thật sự!   

          
Hoàng Triều
 


.