Ta về ta xới đất quê
(QNg)- Dù không phải là "bờ xôi ruộng mật" nhưng bằng sự lao động miệt mài của những người đi khai hoang mở lối, vùng đất bạc màu ngày nào giờ xanh tốt bạt ngàn để trả ơn những ai đã lựa chọn và gắn bó với nó…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Về quê-hiếm người nghĩ đó là lựa chọn khôn ngoan, nhất là với những ai đang có một công việc phù hợp và ổn định ở phố. Ấy vậy nên khi họ bỏ lại sau lưng cuộc sống xô bồ và ánh đèn phố thị để về quê xới đất khiến mọi người từ ngạc nhiên, ngỡ ngàng đến khâm phục.
Đất nghèo giữ gót cử nhân
Dẫu lọt thỏm giữa đồng không mông quạnh nhưng trại chăn nuôi của chàng trai 8X Nguyễn Văn Minh ở thôn Phước Hòa, xã Đức Phú (Mộ Đức) lại khiến những ai đã từng ghé thăm sẽ phải ấn tượng và thán phục. Từ quy mô đến cách bố trí và xử lý môi trường, tất cả đều toát lên nét chuyên nghiệp của một nông điền đã lận lưng tấm bằng Cử nhân ngành Công nghệ Hóa học và kinh nghiệm 3 năm đầu quân cho Công ty liên doanh Việt Nam-Đài Loan MDF.
![]() |
Cử nhân hóa học Nguyễn Văn Minh và trại heo của mình. |
Thoạt nhìn, chẳng ai nghĩ nông trại rộng hơn 6.700m2 lại là ngôi nhà của 1.100 chú heo thịt đang mỗi ngày một lớn. Bởi thông thường, khu chăn nuôi thường bị mùi hôi thối song hành. Nhưng ở đây thì khác, chúng không chỉ "mất mùi" mà còn sạch sẽ, mát mẻ nhờ hàng rào bao bọc là cỏ sữa, cỏ voi vươn cao xanh mướt cùng nhiều loại cây ăn quả đang tranh nhau tỏa bóng. "Cây cỏ vừa tạo cảnh quan môi trường, vừa đảm bảo cái ăn cho mấy con bò", ông chủ trẻ Nguyễn Văn Minh phân trần. Nói đoạn, Minh giới thiệu với chúng tôi mô hình xử lý chất thải chăn nuôi-kết quả sau 2 năm nghiên cứu tìm hiểu, lựa chọn với số vốn đầu tư 200 triệu đồng. Đó là những dãy hầm biogas san sát được lót bạt kín với hệ thống ủ, chứa rồi dẫn nước tưới sau xử lý. Tuy đã giải quyết tương đối triệt để vấn đề môi trường, nhưng Minh vẫn chưa hài lòng và tiếp tục thử nghiệm với cách nuôi heo không chất thải. "Phương pháp này "triệt" các loại mùi hôi, còn phế phẩm thì thu gom bán cho các công ty phân bón", Minh lý giải.
Nhờ kiến thức cùng kinh nghiệm nuôi heo "học lỏm" ở các trang trại lớn của tỉnh Bình Dương, Minh nhanh chóng đưa "tập đoàn" heo vào guồng ổn định và "đẻ" lãi 270-300 triệu đồng/lứa, dẫu có lúc, chủ nông trại tuổi 33 toan bỏ cuộc vì… thiếu tiền và dịch bệnh ám ảnh! "Đầu tư xây dựng chuồng trại, mua con giống đã mất tiền tỷ trong khi mình chẳng có đồng nào, mà dịch tai xanh bao vây. Nhưng nghĩ lại, đã quyết bỏ phố về quê thì phải làm cho ra hồn. Vậy là liều", Minh mở đầu cho thành công sau 2 năm gầy dựng cơ nghiệp với heo, rồi đến bò và cây ăn quả. Giờ đây, nhìn cơ ngơi của Minh, ai cũng tấm tắc khen anh trẻ người nhưng không non chí.
Xới đất quê cũng bới ra "vàng"
Tiếp bước Minh, những nông dân đã từng bỏ quê phiêu dạt miền Nam hay tìm niềm vui bên cây con miền đất khác cũng quay lại làm bạn với "quả đồi" bạc màu Đức Phú. Năm 2012, đồi núi này tiếp tục đón nhận sự ra đời của nông trại VAC heo-cá-mì-keo do 4 anh em ông Nguyễn Văn Danh làm chủ. Chỉ hơn 1 năm mà vạt đồi rộng 1,1 ha đã được phủ kín màu xanh trù phú với sự có mặt của 1.000 đầu lợn, 20.000 con cá trắm cỏ và rô phi cùng mì, keo lai. Chừng ấy thôi cũng giúp mỗi người bỏ túi 15 triệu đồng/tháng. Nhớ lại những ngày đầu "làm quen" với heo, ông Danh tóm gọn trong chữ "khổ" bởi quá nhiều nỗi lo đè nặng. Từ heo nhiễm bệnh, biếng ăn đến chất lượng con giống, trong khi kinh nghiệm thì mù mờ. Nhưng nghĩ đến tương lai con cái nên động viên nhau phải cố. "Vừa làm vừa học. Giờ thì đâu cũng vào đó", ông Danh cười mãn nguyện.
Tuy đã được đất đáp trả, nhưng những nông điền ở đây vẫn còn nhiều khắc khoải với con đường đi lên bởi nút thắt nguồn vốn chưa được tháo gỡ. Lý do thì có nhiều, nhưng mấu chốt là Giấy chứng nhận trang trại-vé thông hành để được tiếp cận với vốn vay ưu đãi thì họ chờ hoài chẳng thấy. Nói như anh Minh thì hiện giờ đất và người đã sẵn sàng nhưng vốn thì ngoài cuộc. "Mình tính mở rộng nông trang để trồng cây ăn quả, chăn nuôi heo và bò thịt, bò sữa, gà cũng như hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải, nhưng ngặt nỗi, vay vốn khó quá", Minh chia sẻ.
Cùng nỗi lòng với các nông điền, chính quyền xã Đức Phú cũng mong muốn cơ quan chức năng cần có chính sách ưu tiên (vốn, kỹ thuật) cho những khu chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả. Bởi xét cho cùng, nó là động lực chính thúc đẩy kinh tế phát triển của các xã nông thôn, miền núi nói chung và Đức Phú nói riêng. "Thế nên, dù đã quy hoạch khu phức hợp trồng trọt-chăn nuôi trên diện tích 101 ha, nhưng nếu không có sự hậu thuẫn từ các nguồn lực thì cũng khó bắt chúng thuần phục dù nông dân thừa tâm huyết và năng động", ông Nguyễn Giáp Thìn - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Phú nhìn nhận. Có lẽ, đó cũng là trăn trở của những nông dân trong tỉnh-những người ấp ủ dự định "đổi màu" đất quê.
MỸ HOA