Đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp

09:02, 22/02/2013
.

(QNg)- Những năm gần đây, sự biến đổi bất thường của thời tiết đã và đang đặt ra cho ngành nông nghiệp nhiều khó khăn, thách thức. Thế nên, để đảm bảo an ninh lương thực, ngành nông nghiệp không ngừng áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và thực thi những chính sách về nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong hoạt động sản xuất.

TIN LIÊN QUAN


 Đa dạng hóa sản phẩm

Sau nhiều lần cân nhắc, những con cá điêu hồng cuối cùng cũng được anh Đinh Văn Tiến ở thôn Biều Qua, xã Long Sơn (Minh Long) quyết định đưa đi… phục vụ Tết. Dù giá bán khá cao, song anh Tiến vẫn có vẻ luyến tiếc vì lượng cá này được anh "để dành" cung ứng cho thị trường sau Tết. Bởi, theo kinh nghiệm của anh Tiến thì, những ngày này, cá được tiêu thụ mạnh nên giá cả tăng cao. Người nuôi vì thế cũng được lợi. "Tuy nhiên năm nay, mình lại lo giá sẽ lên xuống bất thường nên tranh thủ xuất ao sớm để đón Tết cho yên tâm", anh Tiến lý giải cho sự thay đổi của mình.

 

Nông dân thôn Gò Mèn, xã Đức Lân (Mộ Đức) thu hoạch cá trên diện tích thâm canh cá-lúa.
Nông dân thôn Gò Mèn, xã Đức Lân (Mộ Đức) thu hoạch cá trên diện tích thâm canh cá-lúa.


Nếu như những ngày cận Tết, anh Tiến bận rộn với hai ao cá điêu hồng, thì phiên chợ đầu năm, cây sả của anh Tiến và người dân Biều Qua lại tiếp tục lên xe, xuôi về khắp các chợ. Chẳng thế mà dù hương vị Tết vẫn còn tràn ngập, nhưng nhịp độ sản xuất của bà con ở đây đã trở lại bình thường với việc cắt, bó và chuyển sả đi bán. "Công việc thường xuyên mà! Không có nó, cuộc sống của mình đâu được thế này", vừa lúi húi xếp sả vào đôi gánh, chị Đinh Thị Vin vừa chỉ vào căn nhà nhỏ nhưng khang trang, có cả ti vi và xe máy của mình. Cùng với nhà chị Vin, nhiều hộ gia đình ở thôn Biều Qua cũng khá lên từ cây sả.

Trong khi người dân miền núi nỗ lực tìm kiếm và lựa chọn cây, con phù hợp điều kiện và thổ nhưỡng, thì ở khu vực đồng bằng, trung du, nông dân mạnh dạn thử sức với các loại giống mới nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm. Vì vậy mới có chuyện những cây trồng, vật nuôi vốn độc quyền ở tỉnh bạn lại bén rễ ở Quảng Ngãi sau khi được nông dân mày mò nghiên cứu và nuôi trồng thành công, như cá rô đầu vuông từ đồng bằng sông Cửu Long về Nghĩa Hành; xà lách giòn, hoa Lily từ Đà Lạt về Mộ Đức, Nghĩa Hành, Sơn Tịnh…

Dồn điền đổi thửa: Sức bật mới cho nông nghiệp, nông thôn

Nếu như chính sách kiên cố hóa kênh mương và giao thông nông thôn giúp hoạt động sản xuất, đi lại thuận lợi thì, "dồn điền, đổi thửa" được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong việc hoàn thiện hạ tầng sản xuất nông nghiệp và chỉnh trang bộ mặt nông thôn. Đặc biệt, đây sẽ là chính sách hứa hẹn mang lại rất nhiều cái "nhất" cho nông dân như: Thu nhập cao, đồng ruộng đẹp vì ít lô thửa, dễ áp dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng để đầu tư thâm canh, giảm chi phí, công lao động…

"Ấy vậy nên không quá khi nói rằng, dồn điền đổi thửa chính là đáp án của bài toán tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nông dân trong tiến trình xây dựng nông thôn mới", ông Đào Minh Hường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định. Quả thật, chỉ cần nhìn vào sự lột xác của xã Bình Dương (Bình Sơn) - địa phương đầu tiên của tỉnh tiến hành "dồn điền, đổi thửa" đất sản xuất thì hẳn ai cũng phải thừa nhận hiệu quả do chính sách này mang lại.

Từ những ruộng lúa, đồng rau xanh mướt và thẳng tăm tắp, đến những con đường bê tông nội đồng sạch đẹp; từ năng suất, giá trị sản xuất tăng cao đến cuộc sống của nông dân được cải thiện… đã giúp chính quyền các địa phương tìm được câu trả lời cho bài toán: Làm thế nào để tăng thu nhập cho nông dân. Bởi đây là tiêu chí khó đạt nhất trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), nhất là đối với 33 xã xây dựng NTM giai đoạn 2013-2015.


Với ý nghĩa đó, chính sách "dồn điền, đổi thửa" đang được Sở NN&PTNT tích cực đẩy mạnh thực hiện ở các địa phương. Đồng thời, Sở đã trình UBND tỉnh xem xét, quyết định "Cơ chế hỗ trợ khuyến khích thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2013-2020". Theo đó, các đối tượng tham gia thực hiện "dồn điền, đổi thửa" sẽ được hỗ trợ và chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi mới; được hướng dẫn và tiếp cận ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; được hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp… nhằm từng bước chuyên biệt hóa các vùng sản xuất, tạo bệ phóng để hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn NTM trên địa bàn toàn tỉnh.


Bài, ảnh: M.H
 


.