Thời tiết đánh đố nông dân

01:01, 11/01/2013
.

(QNg)- Chưa có vụ sản xuất nào mà nông dân đã và sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn như vụ đông xuân năm nay: Ngập úng vùng trũng, hạn hán ở chân ruộng cao và nguy cơ bị chuột, sâu bệnh tấn công ngay khi vừa xuống giống.Nếu như mọi năm, vẫn có nhiều hộ bỏ công cấy lúa ở những diện tích ngập trũng để đảm bảo kịp lịch thời vụ, thì vụ này, họ không thực hiện cơ chế "mở" này mà liều gieo sạ hoặc đợi nước rút. Vậy là chỉ mới xuống giống có vài ngày, có người đã phải tất tả chuẩn bị giống để phòng… sạ lại!

TIN LIÊN QUAN


Thiếu nước làm đất, thừa nước gieo sạ

Mặc cho mưa phùn gió lạnh, cánh đồng Bầu Sáu, xã Đức Hiệp (Mộ Đức) vẫn đông đúc, nhộn nhịp. Người hì hục đạp xe nước để cứu giống, cứu mạ; người thì vác cuốc đi quanh ruộng… nhìn nước! Thời tiết bất thường đầu vụ thì nắng nóng, chẳng có giọt nước nào để làm đất. Vậy mà vừa sạ xong là mưa liền tù tì mấy ngày. Nước ở đâu đổ về khiến giống chưa kịp bén rễ đã no nước", anh Nguyễn Bi ở thôn Phước Sơn nói khi nhìn đám ruộng 2 sào trắng nước sau 4 ngày gieo sạ. Còn ông Nguyễn Văn Minh thì suốt cả tuần nay, ngày nào cũng cặm cụi đạp nước ra, mong cứu được 4 sào lúa non đang bị nước đe dọa nhấn chìm.  Còn với nông dân canh tác trên đồng Bầu Súng, xã Đức Chánh thì mọi năm giờ này, họ đã rục rịch nhổ mạ chuẩn bị cấy lúa nhằm đuổi kịp lịch thời vụ. Tuy nhiên năm nay, chẳng hộ nào có mạ để cấy.

 

Nông dân thôn Phước Sơn, xã Đức Hiệp (Mộ Đức) tích cực đạp nước tiêu thoát nước để cứu lúa non.
Nông dân thôn Phước Sơn, xã Đức Hiệp (Mộ Đức) tích cực đạp nước tiêu thoát nước để cứu lúa non.


Ngoài đồng Bầu Sáu, Bầu Súng thì hàng loạt diện tích gieo sạ nằm dọc sông Thoa như: Thạch Thang, Văn Hà, Lâm Hạ, Lâm Thượng, Châu Me (Đức Phong), thị trấn Mộ Đức, Thạch Trụ (Đức Lân)… cũng đang trong tình trạng thừa nước khiến nông dân chưa thể xuống giống. "Lẽ ra vụ này, ruộng ở đây không bị ngập nước nhiều như thế nếu không có chuyện người dân ở xã Phổ Văn, Phổ Thuận (Đức Phổ) lén lút thả lờ đánh bắt cá trên lưu vực sông Thoa", Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Mộ Đức Ngô Văn Thanh cho biết. Theo ông Thanh, việc làm trên đã cản trở dòng chảy, nước không có lối thoát nên càng dâng cao, khiến hoạt động sản xuất của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. "Chúng tôi đã đề nghị chính quyền hai xã trên, Công ty Khai thác Công trình Thủy lợi Quảng Ngãi tăng cường kiểm tra và ngăn chặn tình trạng này nhằm khơi thông dòng chảy, giúp nước được nhanh chóng tiêu thoát".

Chống hạn, diệt chuột và sâu bệnh

Trong khi bà con vùng trũng thấp thỏm vì chưa gieo sạ thì với những diện tích lúa không được hưởng nước Thạch Nham (17.421/36.619 ha), nông dân đã chuẩn bị phương án ứng phó với nạn hạn hán ngay từ đầu vụ bằng cách nạo vét kênh mương, đắp bờ trữ và chống thất thoát khi dẫn nước. Thậm chí một số nông dân ở xã Đức Phú (Mộ Đức) còn vạch sẵn kế hoạch thăm dò địa điểm, hoạch toán chi phí mua máy bơm, dây dẫn để sẵn sàng đào giếng khi ruộng khô! Giải thích lý do lo xa này, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Hòa cho rằng: "Hầu hết ruộng ở đây sống nhờ hồ chứa nước (HCN). Nhưng hiện HCN đang trơ đáy nên dân lo vụ này ruộng bị thiếu nước, lúa khô cháy thì khổ".

Tuy không lo xa như người dân Đức Phú, nhưng nhiều hộ nông dân trong tỉnh cũng thấp thỏm với nạn chuột và sâu bệnh đang chực cắn phá lúa non. "Mặc dù trước khi gieo sạ, tui làm đất rất kỹ để trừ mầm bệnh, lại còn dùng thuốc, đặt bẫy để diệt chuột nhưng vẫn lo, ông Nguyễn Mậu Tuấn ở xã Trà Bình (Trà Bồng) cho hay.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh thì vụ đông xuân năm nay, thời tiết diễn biến bất thường đã tạo điều kiện để chuột, sâu năn và sâu cuốn lá nhỏ gây hại cho cây lúa. Do đó, để hạn chế những thiệt hại do chúng gây ra, bà con nông dân cần tích cực áp dụng các biện pháp phòng trừ như: Dùng bẫy, bả sinh học Biorat để diệt chuột; bón phân đầy đủ, hợp lý và cân đối, phát hiện và ngăn chặn sớm bệnh trên cây lúa…  


 Bài, ảnh: M.H

 


.