Những cánh đồng "vàng"

10:01, 22/01/2013
.

(QNg)- Không chỉ thành công với mô hình "Cánh đồng lúa chất lượng cao", nông dân Mộ Đức còn tổ chức sản xuất hàng loạt "Cánh đồng rau" với doanh thu đạt từ 220 - 260 triệu đồng/ha/năm.

Lựa chọn loại cây trồng phù hợp, công thức luân canh và xen canh hợp lý là chìa khóa giúp 22 cánh đồng (tổng diện tích 199,4 ha) sản xuất hoa màu của nông dân Mộ Đức thành công với giá trị trung bình đạt 140 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, có 5 cánh đồng đạt doanh thu từ  220- 260 triệu đồng/ha/năm.  

Từ những công thức xen canh mới...

Cách đây vài năm, nông dân chưa mặn mà lắm với việc xen canh vì cho rằng, nếu 2 loại cây sống cùng nhau trên một mảnh đất thì sẽ có hiện tượng: Một mất, một còn vì tính cạnh tranh loài. "Hồi trước, tôi đâu có dám vừa tỉa đậu vừa trồng ớt vì sợ cây ớt phát triển sẽ lấn át đậu dễ khiến nó bị lép, không cho hạt", bà Đỗ Thị Mạ ở thôn An Mô (Đức Lợi) nhớ lại. Còn ông Nguyễn Ánh ở thôn Nghĩa Lập (Đức Hiệp) thì mạnh dạn áp dụng việc xen canh, nhưng lại tiến hành không đúng quy trình nên "mất cả mì lẫn đậu". "Thay vì vừa tỉa đậu xong là trồng mì luôn. Đằng này tôi lại đợi đậu phát triển cao rồi mới cắm gốc mì. Đã thế, mật độ mì lại quá dày nên đậu cho hạt cũng ít mà năng suất mì thu được cũng chẳng là bao", ông Ánh đúc kết kinh nghiệm.

 

Nhờ luân canh đậu phụng-ớt-rau mà cánh đồng mẫu 8-Thổ Đình (Đức Lợi) cho doanh thu hơn 260 triệu đồng/ha/năm.
Nhờ luân canh đậu phụng-ớt-rau mà cánh đồng mẫu 8-Thổ Đình (Đức Lợi) cho doanh thu hơn 260 triệu đồng/ha/năm.



Với người dân đang canh tác ở đồng Rẫy Chổi (Đức Phong) thì trước đây, cây mì luôn chiếm thế độc canh bởi năng suất và chất lượng ổn định. Tuy nhiên, vì sống mãi trên một loại đất nên chỉ sau vài năm, sản lượng mì có chiều hướng sụt giảm. "Biết vậy nhưng nông dân tụi tôi vẫn không quan tâm. Mà nếu có thì cũng chẳng biết tìm cây gì hợp với đất này hơn mì", lão nông Nguyễn Văn Minh cho hay.

Tuy nhiên, từ khi các công thức luân canh cây trồng được xác lập riêng cho từng xứ đồng như: Đậu phụng-ớt-rau của đồng mẫu 8-Thổ Đình (Đức Lợi), rau-ớt-khổ qua tập trung ở bãi bồi Nghĩa Lập-Chú Tượng-Phước An (Đức Hiệp), kiệu-mì và kiệu-đậu phụng-rau dành riêng cho Rẫy Chổi (Đức Phong)… thì chuyện độc canh khiến năng suất giảm, đất suy thoái đã không còn là nỗi lo thường trực của nông dân. "Nhờ các công thức này mà hiệu quả canh tác tăng rõ rệt bởi đất đai màu mỡ hơn, chi phí cải tạo cũng ít hơn. Đã thế, luân canh và xen canh khiến bà con nông dân chuyên nghiệp hơn trong quá trình sản xuất", ông Nguyễn Tuy- Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Đức Lợi khẳng định.

…đến hiệu quả bền vững

"Bây nhiêu đây nhưng mỗi năm nó cũng mang về cho tôi 20 triệu đồng chứ chẳng ít đâu", vừa tỉa nhánh cho đậu, bà Đỗ Thị Mạ ở thôn An Mô, xã Đức Lợi vừa nói. Theo bà Mạ, để 1 sào đất (500m2) "đẻ" được 20 triệu thì quanh năm, nó phải mang trên mình nào là đậu côve, ớt, đậu phụng, bắp, rau muống và họ hàng nhà rau cải. Từ cải bẹ xanh, cải muỗng đến cải dún. Mà đâu chỉ có bà Mạ, hơn 40 hộ khác đang canh tác ở xứ đồng Thổ Đình cũng liên tục tìm được niềm vui "được mùa được giá" kể từ khi áp dụng công thức luân canh đậu phụng-ớt-rau. "Cách làm này không chỉ giúp nông dân tụi tôi tránh hiện tượng tồn đọng sản phẩm do thu hoạch đồng loạt, mà còn tạo điều kiện cho đất được phục hồi độ phì nhanh chóng", vừa nói ông Nguyễn Văn Ti vừa chỉ vào chỗ thân và lá đậu phụng đang được thái nhỏ để chuẩn bị cho đất "ăn".

Còn với nông dân canh tác ở xứ đồng Rẫy Chổi (Đức Phong) thì từ khi cây kiệu xuất hiện, đời sống của họ cũng tiến thêm một bước, bởi kiệu góp phần nâng hiệu quả canh tác đạt đến 250 triệu đồng/ha/năm. "Trước trồng độc cây mì, trúng lắm cũng chỉ 5 triệu đồng/sào/năm. Nhưng khi có kiệu, con số này tăng gấp đôi. Nông dân rất phấn khởi". "Chỉ với những loại cây trồng ấy thôi, nhưng nhờ luân canh xen vụ hợp lý mà 10 ha đất vùng này đang "đẻ" vàng cho nông dân đấy nhé", nông dân Trần Văn Tám hồ hởi nói.

Cùng với 5 cánh đồng "vàng" cho doanh thu cao ngất ngưởng (220 - 260 triệu đồng/ha/năm) thì 17 xứ đồng còn lại của huyện Mộ Đức cũng vượt ngưỡng 140 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, có nhiều điểm đã hình thành vùng sản xuất rau an toàn để cung cấp cho thị trường trong và ngoài huyện như: Nghĩa Lập (Đức Hiệp), Soi Huyện-Gò Vo (Đức Nhuận)... Bước đột phá này không chỉ giúp nông dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, yên tâm gắn bó với cây hoa màu mà đây còn là cơ hội để huyện Mộ Đức tiến tới xây dựng những vùng sản xuất rau màu chuyên canh, hiệu quả.


Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.