Mô hình trồng chôm chôm xen ổi ở Sơn Tây: Dân cần sao chưa nhân rộng?

08:01, 02/01/2013
.

(QNg)- Sơn Tây là huyện được Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng như dự án xóa đói giảm nghèo thuộc Chương trình 30a của Chính phủ đầu tư mô hình thí điểm trồng cây chôm chôm xen ổi trên đất gò đồi. Sau 10 năm, đến nay cây chôm chôm đã bắt đầu cho quả, mang lại những tín hiệu mới nơi vùng đất nghèo miền sơn cước.

Đây được xem là một trong những mô hình hứa hẹn giúp bà con dân tộc Ca Dong ở Sơn Tây thoát nghèo một cách bền vững. Tuy nhiên mô hình này vẫn chưa được nhân rộng.

Thoát nghèo nhờ chôm chôm

Mô hình trồng cây chôm chôm được triển khai thí điểm đã được đông đảo người dân tham gia. Tuy nhiên, đây mới chỉ là mô hình trình diễn nên số lượng nông dân tham gia dự án có hạn. Anh Đinh Văn Trảy, xã Sơn Dung là một trong số những nông dân nghèo may mắn được tuyển chọn tham gia dự án trồng cây chôm chôm xen ghép với cây ổi trên diện tích gần 1.000 m2 đất gò đồi.

 

 Anh Đinh Văn Trảy bên vườn chôm chôm sai quả.
Anh Đinh Văn Trảy bên vườn chôm chôm sai quả.


Ngồi trên đỉnh đồi chỉ tay về rừng chôm chôm và ổi đang trong giai đoạn cho quả, anh Trảy vui mừng cho biết, cây chôm chôm đã ra quả sau hơn 5 năm phát triển. Nhưng hai năm trở lại đây mới thực sự cho quả nhiều và đạt năng suất cao. Nhờ cây chôm chôm mà cuộc sống gia đình tôi đỡ vất vả hơn rất nhiều, cứ đến mùa vụ là thu được từ 4 đến 5 triệu đồng, gia đình tôi cũng trang trải được cuộc sống.

Trong quá trình thực hiện mô hình thí điểm, anh Trảy được cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ rất nhiều về nguồn cây giống cũng như phương pháp chăm sóc để đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, Trạm Khuyến nông huyện Sơn Tây tích cực hướng dẫn kỹ thuật trồng, cách chăm sóc, bón phân và phòng trừ các loại sâu bệnh, cách xử lý khi cây ra hoa để thụ phấn nhiều hơn.

Không chỉ gia đình anh Trảy mà nhiều gia đình khác tham gia dự án được chọn thí điểm cũng vui mừng không kém khi những ruộng chôm chôm đã cho quả ngọt. Gia đình anh Đinh Văn Mốc, thôn Ra Pâng, xã Sơn Long tham gia dự án được hưởng hỗ trợ cây chôm chôm từ Chương trình 30a của Chính phủ. Đến nay, mỗi năm trung bình gia đình anh Mốc thu nhập 7 đến 10 triệu đồng từ vườn chôm chôm.

"Ban đầu chúng tôi nghĩ tham gia cho vui thôi, chứ đâu nghĩ cây chôm chôm lại sống và ra quả trên mảnh đất này. Bên cạnh thổ nhưỡng thích hợp thì cũng may là được cán bộ khuyến nông thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở phương pháp phòng trừ sâu bệnh nên cây chôm chôm ngày càng phát triển và đạt hiệu quả cao. Không chỉ chôm chôm mà giống ổi lai cũng "đua" nhau ra quả. Nhìn vườn chôm chôm vào mùa chín quả sướng mắt lắm" - anh Mốc tâm sự.

Cần nhân rộng mô hình

Trong các hợp phần hỗ trợ sản xuất cho bà con, chính quyền các địa phương huyện Sơn Tây đã mạnh dạn hỗ trợ giống cây trồng cho người dân để phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình này đến nay vẫn chỉ là… thí nghiệm. Thực tế cho thấy, cây chôm chôm trên đất Sơn Tây đã thật sự mang lại hiệu quả cao. Điều đó cũng đồng nghĩa với điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng nơi đây phù hợp với giống cây ăn trái như chôm chôm.

Tuy nhiên, từ khi mô hình được triển khai đến nay vẫn chỉ vỏn vẹn gần 30 hộ dân từ hai chương trình được hưởng lợi còn lại vấn đề nhân rộng mô hình làm kinh tế hiệu quả này vẫn chưa được chính quyền huyện Sơn Tây và các xã quan tâm. Bên cạnh đó, trong số gần 30 hộ tham gia dự án chỉ có khoảng một nửa là có hiệu quả, còn lại thất bại. Nguyên nhân, là do việc hỗ trợ đầu tư cho người dân trồng cây chôm chôm còn rải rác, không tập trung. Người dân chưa được tiếp cận với kỹ thuật trồng và chăm sóc nên hiệu quả mang lại không cao ngoài những hộ có trình độ dân trí cao, có nơi người dân chỉ trồng xuống đất là xong, sống chết là do trời.

Ông Nguyễn Thanh Vượt - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Sơn Long cho biết, sau khi họp dân và lấy ý kiến của nhân dân nên trồng loại cây nào thì bà con ở đây đều chọn cây chôm chôm.

Ông Đinh Công Lập - Phó Trưởng trạm Khuyến nông huyện Sơn Tây cho biết: Cây chôm chôm là loại cây có thể sống và phát triển tốt trên vùng đất của Sơn Tây, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương nên bà con chọn trồng loại cây này là rất hợp lý, thế nhưng để trồng được loại cây này có hiệu quả thì bà con cũng nên tìm hiểu, áp dụng kỹ thuật trồng và chăm sóc cây một cách tốt nhất ngoài kiến thức mà cán bộ của địa phương hướng dẫn.

Ông Lập cũng tham mưu cho chính quyền các địa phương cần có những chính sách hỗ trợ hợp lý để phát triển loại cây ăn trái này tại địa phương. Ngoài việc quy hoạch diện tích đất trồng tập trung để dễ theo dõi, xử lý kịp thời thì việc tìm đầu ra thuận lợi cho loại trái cây này cũng rất đáng quan tâm.


LÊ ĐỨC - THIÊN BẢO
 


.