Lý Sơn vững vàng sang xuân 21...

08:01, 25/01/2013
.

*Võ Xuân Huyện- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Lý Sơn


(QNG)- Cách đây đúng 20 năm - ngày 1/1/1993, huyện đảo Lý Sơn được thành lập. Suốt chặng đường dài 20 năm ấy, Lý Sơn luôn phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết xây dựng huyện đảo ngày càng mạnh về kinh tế, vững về an ninh quốc phòng, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Đó là tiền đề để Lý Sơn vững vàng bước sang mùa xuân thứ 21.…

 

TIN LIÊN QUAN


Nét son trên đảo xanh!


Nằm ở phía đông bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 15 hải lý, đảo tiền tiêu Lý Sơn của Tổ quốc nổi lên như một chú rùa khổng lồ án ngữ trên con đường ra biển Đông. Ngày 1/1/1993 là ngày có ý nghĩa chính trị - xã hội đặc biệt của huyện đảo: Ngày thành lập huyện đảo! Đó cũng chính là "mốc" ra đời của Đảng bộ và chính quyền huyện Lý Sơn, đáp ứng kịp thời yêu cầu lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

 

Niềm vui được mùa hành, tỏi.
Niềm vui được mùa hành, tỏi.


Ngày đầu, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lý Sơn có 9 đồng chí; UBND huyện 7 đồng chí và 5 cơ quan chuyên môn; các tổ chức chính trị - xã hội huyện với 34 cán bộ. Trải qua 20 năm, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của huyện tăng lên về lượng và chất, với tổng biên chế các phòng, ban, đơn vị, cơ quan khối đảng, đoàn thể, chính quyền hơn 100 người.


Khi mới thành lập, toàn huyện có 7 tổ chức cơ sở đảng, 187 đảng viên, đến nay đã tăng lên 21 cơ sở đảng, với 511 đảng viên. Đảng bộ Lý Sơn đã phát huy dân chủ, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao sự đồng thuận xã hội, giải quyết hài hòa các lợi ích trong mối quan hệ cộng đồng, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng huyện đảo ngày càng phồn thịnh.


Kể từ khi thành lập đến  nay, Lý Sơn đã tạo được nhiều nét son trong phát triển kinh tế: Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng gấp 4 lần; giá trị ngành thủy sản tăng 8 lần; công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tăng 6 lần; doanh thu ngành thương mại tăng 8 lần. Trong đó, ngư nghiệp đã thực sự trở thành "mũi nhọn" theo định hướng của Đảng bộ, với đội tàu gần 500 chiếc công suất lớn vươn khơi đánh bắt xa bờ, vừa làm kinh tế vừa góp phần giữ gìn chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc.

 

Cá từ Hoàng Sa về cảng Lý Sơn.
Cá từ Hoàng Sa về cảng Lý Sơn.


Về văn hóa - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục, với nhiều nỗ lực phấn đấu, Lý Sơn đã không còn diện "vùng trũng" như khi mới thành lập huyện. Hiện tại huyện có 1 trường THPT với 23 lớp; 2 trường THCS với 46 lớp; 4 trường tiểu học, 3 trường mầm non. Tổng số học sinh gần 5.400 em. Bình quân cứ 3 người dân trên đảo có 1 người đi học. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT hàng năm đạt từ 90% đến 100%, đỗ đại học, cao đẳng trên 30%. Sau hai năm tách lập huyện (tức năm 1995),  Lý Sơn đã đạt mục tiêu xóa mù chữ và phổ cập tiểu học. Năm 2007, Lý Sơn được công nhận đạt chuẩn phổ cập THCS.


Mặc dù cách trở giao thông, nhưng nhu cầu văn hóa, thông tin của người dân trên đảo luôn được quan tâm đáp ứng. Hiện tại có 96% số hộ được xem truyền hình, 98% số hộ được nghe đài phát thanh. Các thiết chế văn hóa luôn được củng cố và hoàn thiện. Với dân số khoảng 4.600 hộ (hơn 22.000 người), đã có 80% gia đình đạt gia đình văn hóa. Huyện đảo Lý Sơn hiện có 3 di tích văn hóa cấp quốc gia, 7 di tích văn hóa cấp tỉnh. Đây là "điểm đến du lịch hấp dẫn" thu hút khách thập phương đến với Lý Sơn, đặc biệt là vài năm trở lại đây.

Đứng vững, hội nhập và phát triển


20 mùa xuân với 5 kỳ đại hội Đảng bộ huyện, Lý Sơn từ một địa phương, xuất phát điểm thấp và từng là "vũng trũng" kinh tế, văn hóa khi mới thành lập, nhưng hôm nay Lý Sơn đã có thể "đứng vững" để bước vào tiến trình hội nhập và phát triển. Với sự quan tâm của tỉnh và cả nước, Lý Sơn đang tiếp tục đi lên với  bước tiến chắc, toàn diện, để nâng tầm vị thế, xây dựng đảo tiền tiêu vững mạnh, hùng cường!

 

“Ngư đội Hoàng Sa” Lý Sơn vươn khơi bám biển.
“Ngư đội Hoàng Sa” Lý Sơn vươn khơi bám biển.


Những năm qua, bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đảo Lý Sơn còn có nhiều đóng góp trong việc khẳng định chủ quyền biển, đảo Việt Nam, nhất là đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đặc biệt là "sự kiện" tộc họ Đặng hiến tặng Tờ lệnh quý vào tháng 4/2009 - minh chứng góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của quốc gia. Rồi việc hàng trăm năm nay, ngư dân Lý Sơn khi  ra biển là thẳng hướng Hoàng Sa, Trường Sa, dẫu hiểm nguy bởi thiên tai, nhân tai rình rập nhưng họ vẫn không hề nao núng.


Hôm nay, ngư dân Lý Sơn vươn khơi đã có thể an tâm hơn bởi bên họ luôn có nhân dân cả nước sát cánh và có một "mái nhà chung" đoàn kết trên biển: Nghiệp đoàn nghề cá An Hải và An Vĩnh, với 1.130 đoàn viên là ngư dân tham gia. Đó sẽ là nơi động viên, chia sẻ để ngư dân an tâm bám biển, vừa làm kinh tế, vừa làm nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Có được những thành tích như hôm nay là nhờ sự quan tâm đặc biệt của Trung ương và tỉnh nhà; sự định hướng đúng đắn trong lãnh đạo công tác phát triển; sự đoàn kết, nhất trí cao trong tổ chức đảng, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân trong huyện.


Phát huy những kết quả đạt được, Lý Sơn đề ra những mục tiêu mới để tiếp tục phát triển nhanh, mạnh và vững chắc hơn nữa. Trong đó, thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó tập trung đầu tư phát triển toàn diện cả về: Khai thác, nuôi trồng, chế biến và phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá; tập trung phát triển cây hành, tỏi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với giữ vững thương hiệu, quảng bá rộng rãi sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế.


Trong quá trình hội nhập và phát triển của mình, từ mùa xuân thứ 21 này, Lý Sơn "bổ sung và nâng tầm" ngành du lịch và thương mại lên một bước, là "khâu đột phá kinh tế quan trọng". Đến năm 2020, ngành kinh tế chủ đạo của huyện đảo sẽ chuyển dịch theo hướng: Thủy sản - du lịch, đó là sự kết hợp hài hòa giữa "cái cũ và cái mới" để tạo ra cái "thức thời" của Lý Sơn trong hội nhập và phát triển.


Đối với các lĩnh vực khác, Lý Sơn đã đề ra mục tiêu cụ thể, sát hợp tình hình thực tế địa phương; huy động nội lực kết hợp ngoại lực, đoàn kết, quyết tâm "nói đi đôi với làm" biến những con số của kế hoạch thành hiện thực trong đời sống. Trong đó, nổi bật là đến năm 2015, huyện sẽ xây dựng 1 xã đạt các tiêu chí nông thôn mới và thành lập thị trấn Lý Sơn.


Với đặc thù riêng vùng biển đảo, cái khó khăn nhất hiện nay của Lý Sơn là thiếu hệ thống điện lưới quốc gia. Khi dự án cáp điện ngầm được thực hiện thì kinh tế - văn hóa - xã hội, đặc biệt là du lịch ở đảo tiền tiêu này chắc chắn ngày càng phát triển, đời sống người dân sẽ đủ đầy, no ấm, sung túc hơn…/.

 


.